Khi người Việt lơ là tiếng Việt

28/08/2022 15:00

Khoảng 9 năm trước, giọng ca “Cả một trời thương nhớ” chia sẻ ảnh dễ thương của Subeo, con trai của chị và doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla). Bức ảnh ngay lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng bởi chú thích của Hồ Ngọc Hà: “Can tội 2 năm nay đi học toàn các bạn nước ngoài nên về nhà cứ xì xà xì xồ… Thế là anh ấy đang phải ngồi học tiếng Việt mỗi chiều”. Những cậu ấm cô chiêu có xuất thân “ngậm thìa vàng” gặp khó khi sử dụng tiếng mẹ đẻ không còn là chuyện lạ.

Đại biểu trẻ nhất trong Hội nghị những người viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ X chính là Minh Anh. Cô gây ấn tượng vì viết văn, làm thơ bằng tiếng Anh. Những dịch giả lại có thêm việc: Dịch tác phẩm của tác giả Việt Nam ra tiếng Việt. Có lẽ chính họ cũng ngỡ ngàng vì trước nay chỉ văn học nước ngoài mới cần đến dịch giả. Cây viết trẻ Minh Anh học trường quốc tế từ nhỏ, cô sáng tác bằng tiếng Anh tốt hơn sáng tác bằng tiếng Việt. Theo cha của cô gái, Minh Anh viết bằng tiếng Việt chỉ đạt 70% so với viết bằng tiếng Anh.

phan-thanh-hao-va-cac-chau-noi-8406.jpg
Dịch giả Phan Thanh Hảo và các cháu nội

Nhưng dù sao những trường hợp như Subeo của Hồ Ngọc Hà - Quốc Cường hay cây bút trẻ Minh Anh còn được các bậc phụ huynh chú ý trau dồi tiếng Việt, sau khi nhận thấy “lỗ hổng” của các con. Với những bậc phụ huynh không theo sát việc học của con, cũng không có ý thức giữ gìn tiếng mẹ đẻ thì những cậu bé, cô bé có điều kiện học trường quốc tế từ nhỏ, lúng túng trong đọc, viết tiếng Việt cũng dễ hiểu. Ngay cả những cậu bé, cô bé sinh ra trong gia đình không rôm rả về kinh tế, không đủ khả năng theo học trường quốc tế cũng đang bị tiếng Anh lôi cuốn, thờ ơ với tiếng mẹ đẻ.

“Ông thầy” YouTube

ho-ngoc-ha-luon-co-y-thuc-6114.jpg
Hồ Ngọc Hà luôn có ý thức rèn ngôn ngữ mẹ đẻ cho các con

Một phụ huynh kể: Con của chị mới 4 tuổi, học trong một trường mẫu giáo tư thục không tên tuổi. Ở trường bé chưa được học tiếng Anh. Chị và chồng cũng không biết ngoại ngữ. Một ngày kia bỗng thấy cô bé đếm từ số 1 đến số 10 bằng tiếng Anh, cả hai vợ chồng đều ngạc nhiên. Cô bé còn có thể đọc tên màu sắc bằng tiếng Anh. Nhưng bé lại không thể đếm hay phân biệt màu sắc bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Dốc thời gian tìm hiểu, họ mới phát hiện: Thầy của cô bé chính là YouTube. Đồ chơi hàng ngày của cô bé là chiếc iPad xin được từ họ hàng. Mới tí tuổi cô bé đã sử dụng Ipad thành thạo, lướt YouTube vèo vèo.

Bác ruột của cậu bé có tên gọi thân mật Donald, đang sống ở Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, kể chuyện nhà mình: Donald năm nay đã lên lớp 3, khả năng diễn đạt ý bằng tiếng Việt kém. Thí dụ, cậu đố cả nhà: Cách nhanh nhất để tạo ra cầu vồng? Thấy mọi người đoán không ra, Donald kéo tay bác đến bàn học, lấy hộp bút màu, đưa cho bác, lúng búng giải thích. Sau một hồi người bác ruột cũng hiểu ý cháu trai muốn nói: Chỉ cần có hộp bút chì màu sẽ vẽ được cầu vồng nhanh chóng. Nhưng cậu bé này lại có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với bạn trai của mẹ, một người đàn ông ngoại quốc đang dạy ngoại ngữ ở Việt Nam.

Cậu bé hứng thú khi được nói tiếng Anh, ngược lại, lười biếng và không mặn mà học tiếng Việt. Trong khi bác ruột của Donald lo lắng cho tình trạng của cậu bé thì mẹ ruột của cậu, tuổi 9x, đã li dị chồng, lại tự hào mang câu chuyện kém tiếng Việt, khá tiếng Anh của con trai đi khoe khắp nơi. Do chịu khó đọc sách báo bác ruột của Donald nghi ngờ cậu bé bị rối loạn ngôn ngữ, nhiều lần bà đề nghị mẹ ruột của Donald đưa con trai đi kiểm tra, thay vì hí hửng đánh giá con trai mình là “thần đồng” ngoại ngữ.

Năm 1999, theo quyết định của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), ngày 21/2 được chọn là Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ.

Ngày 16/5/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã “yêu cầu các nước thành viên và Ban Thư ký thúc đẩy việc bảo tồn và bảo vệ tất cả các ngôn ngữ được nói bởi các dân tộc trên toàn thế giới”. Bảo tồn và phát triển tiếng mẹ đẻ chính là cái gốc để thực hiện công việc này.

Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ được kỷ niệm hàng năm kể từ năm 2000 ở khắp nơi trên thế giới, nhằm thúc đẩy sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa cũng như đa ngôn ngữ. Tất cả mọi thứ được thực hiện để thúc đẩy việc phổ biến tiếng mẹ đẻ không chỉ nhằm khuyến khích sự đa dạng về ngôn ngữ và giáo dục đa ngôn ngữ, mà còn nâng cao nhận thức về các truyền thống ngôn ngữ và văn hóa trên toàn thế giới, truyền cảm hứng cho tinh thần đoàn kết dựa trên sự hiểu biết, khoan dung và đối thoại.

Các nhà giáo dục trên khắp thế giới đều nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục tiếng mẹ đẻ, ngay từ những năm giảng dạy đầu tiên. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt đối với các dân tộc thiểu số, những người dân bản địa và người dân nông thôn, cũng như các trẻ em gái và phụ nữ.

Các loại ngôn ngữ chính là những công cụ mạnh mẽ nhất để bảo tồn và phát triển di sản vật thể và phi vật thể của chúng ta. Mỗi tiếng nói đều là nguồn ngữ nghĩa độc đáo để hiểu, viết và mô tả thực tế thế giới. Tiếng mẹ đẻ cùng với sự đa dạng của ngôn ngữ có ý nghĩa quan trọng để xác định bản sắc của các cá nhân như là nguồn sáng tạo và phương tiện để biểu hiện văn hóa, bảo đảm sự phát triển lành mạnh của xã hội.

Tuy nhiên, theo UNESCO, trong số khoảng 7.000 ngôn ngữ được nói trên thế giới, hơn 50% ngôn ngữ có khả năng bị tuyệt chủng trong vòng một vài thế hệ tới, 96% được nói bởi chỉ có 4% dân số thế giới.

Hiền Anh (tổng hợp)

Theo Tiền Phong
https://tienphong.vn/khi-nguoi-viet-lo-la-tieng-viet-post1465118.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/khi-nguoi-viet-lo-la-tieng-viet-post1465118.tpo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khi người Việt lơ là tiếng Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO