Khi người lớn cũng “hồn nhiên” về xâm hại trẻ em

12/12/2022 17:00

Không ít người lớn thiếu hiểu biết về giới tính, phòng ngừa xâm hại trẻ em dẫn đến giáo dục giới tính sai cách, qua loa khiến trẻ bị động, dễ bị tấn công, nhất là từ những người thân, quen.

Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố báo cáo từ tháng 6-2019 đến tháng 6-2021, cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ là nữ.

Cụ thể, có hơn 2.600 trường hợp bị xâm hại từ 13 đến 16 tuổi, 293 trẻ em dưới sáu tuổi. Dự báo trong thời gian tới, tình hình xâm hại trẻ em sẽ có diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng cả trong đời thực và không gian mạng.

Hiện nay, bên cạnh việc trang bị kiến thức giới tính, xâm hại cho trẻ em, có một bộ phận người lớn hiện vẫn còn “mù mờ” về vấn đề này. Điều đó dẫn đến phòng ngừa xâm hại trẻ em kém hiệu quả hơn.

Khi nhà giáo dục cũng thiếu hiểu biết

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, vấn nạn xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, tôi hòa vào đội ngũ những người xung phong giảng dạy kỹ năng phòng chống xâm hại từ năm 2013. Rất nhiều lần, tôi cảm thấy thất vọng về chính sự hiểu biết của nhiều người lớn, nhất là các nhà giáo dục.

Khi người lớn cũng “hồn nhiên” về xâm hại trẻ em  ảnh 1
ThS tâm lý Lê Minh Huân tại một buổi dạy giáo dục giới tính cho trẻ em. Ảnh: NVCC

Một lần, khi kết thúc giờ giảng giới tính cho học sinh tiểu học trường quốc tế ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, nữ quản lý bày tỏ: “Tôi thấy thầy dạy rất nhiệt huyết, học sinh cũng hưởng ứng nhưng tôi thiết nghĩ học sinh tiểu học chưa cần dạy về giới tính hay phòng chống xâm hại”. Tôi quá đỗi khó hiểu nhưng vẫn hỏi lại cô khi nào thì phù hợp. Cô quản lý trả lời: “Tôi nghĩ học sinh THCS trở lên mới đủ nhận thức để học”.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, đối tượng xâm hại trẻ em trong hai năm qua chủ yếu vẫn là nam giới (chiếm 95%), trong đó hơn 3.400 đối tượng trên 18 tuổi xâm hại trẻ em, chiếm 77%, thuộc đủ các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Cơ quan chức năng xác định có hơn 1.000 vụ hiếp dâm, 1.500 vụ giao cấu với trẻ em.

Đến nay, tôi đã đi khắp nước để giáo dục giới tính, tính riêng dạy phòng chống xâm hại khoảng 3.500 lần nên nhận ra tình trạng đã cải thiện. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại những “tâm hồn đi lạc” cho rằng trẻ nhỏ thì không cần giáo dục giới tính, chúng vẫn chưa biết gì hoặc thậm chí bản thân có hành vi xâm hại trẻ em mà không hay biết.

Thiếu việc dạy trẻ đề phòng người thân, quen

Trong một lớp trang bị kỹ năng phòng chống xâm hại tại TP.HCM tháng 10-2022, một em học sinh lớp 1 lên tiếng: “Con bị anh Hai xâm hại hoài luôn đó thầy!”. Liền sau đó, em kể vanh vách chuyện anh mình sờ mông, đụng ngực, “đè lên người” ra sao… khiến cả lớp thảng thốt khi nghe. Trong nhận thức của em nhỏ, đây là hành vi quen thuộc đến nỗi khiến bạn cảm thấy rất bình thường.

Nhiều người không biết rằng có đến hơn 93% người xâm hại trẻ em là người quen, trong đó 47%-55% đối tượng là người thân, họ hàng hoặc sống trong cùng gia đình với nạn nhân (thống kê của Bộ LĐ-TB&XH).

Việc dạy trẻ chỉ đề phòng người lạ, bỏ qua các dấu hiệu kém an toàn từ chính người thân, quen hay giáo dục giới tính sai cách, qua loa sẽ khiến trẻ bị động khi bị tấn công bởi những người thân thiết xung quanh.

Nhận thức về an toàn thân thể của trẻ em nói chung, phòng chống xâm hại nói riêng vẫn còn rất thấp ở nhiều người. Chẳng hạn, một số người có phản ứng sừng sộ, chửi bới, thậm chí đánh mắng khi bị phản ánh về lời nói hoặc hành vi bất ổn, không an toàn với trẻ. Đa phần thì cười trừ “có gì đâu mà làm quá!”.

Một phụ huynh tên TA sống tại Nha Trang mách với tôi: “Hôm qua bé K đi mua trái cây ngoài chợ, bị cô chủ sạp đụng chạm vào mông, bé lập tức thông báo với mẹ và lý luận với người này rằng “cô đang xâm hại con”, khiến người bán trái cây phải tự cảnh tỉnh bản thân”.

Không ít phụ huynh sai lầm khi bênh vực người xấu, mắng mỏ con trẻ dù trẻ làm đúng. Cụ thể, nhiều người phản ánh với tôi câu chuyện hàng xóm sang chơi, sau một hồi khen trẻ ngoan, xinh xắn… thì tiện tay vuốt tóc, sờ ngực, vỗ mông trẻ. Đứa trẻ hét lên hay chỉ trích hàng xóm sẽ bị phụ huynh chấn chỉnh ngay, thậm chí còn bị đánh giá là hỗn, có khi còn bị đòn. Nếu tiếp diễn hành vi bênh vực hàng xóm và không đứng về phía con cái thì lâu ngày đứa trẻ quen dần với tác động xấu, không hình thành thói quen chống trả, tự bảo vệ mình trước hành vi xâm hại nữa. Điều này rất nguy hiểm đến an toàn của trẻ.

Cần tỉnh táo chọn lớp giáo dục giới tính uy tín

Hiện có nhiều chuyên gia tự xưng, trung tâm giáo dục giới tính có người đứng lớp không được đào tạo bài bản, thiếu kiến thức sư phạm, tâm lý, giáo dục. Nội dung giảng dạy lượm lặt trên mạng thiếu hệ thống, không tác động hiệu quả đến nhận thức và kỹ năng của người học… Các phụ huynh nên lựa chọn nguồn tài liệu tin cậy để tham khảo như sách, báo do các nhà chuyên môn biên soạn, giới thiệu; tạp chí, website từ các trường học, bệnh viện, cơ quan nhà nước… Tham khảo ý kiến chuyên môn từ các chuyên gia tâm lý, giáo dục, nhà sư phạm, tác giả hoặc nhà nghiên cứu có uy tín. Chỉ tham gia các khóa học online, offline về giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại khi biết rõ về chuyên môn, lý lịch của người dạy, đơn vị tổ chức. Các phụ huynh cũng không nên chủ quan về hiểu biết của bản thân, nên tiếp thu và lắng nghe ý kiến đa chiều, đặc biệt là ý kiến từ nhà chuyên môn.

Bài liên quan
  • Các nguy cơ xâm hại trẻ em trên mạng xã hội
    Tiếp xúc với các thông tin giả, bị bắt nạt, để lộ thông tin cá nhân.. là những nguy cơ xâm hại trên mạng xã hội mà trẻ em, đặc biệt trong lứa tuổi 11 đến 16 tuổi thường gặp phải.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khi người lớn cũng “hồn nhiên” về xâm hại trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO