Khi người dân 'thắt' hầu bao

11/05/2023 10:00

Kết quả khảo sát mức sống của Tổng cục Thống kê cho thấy, người dân đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh ngày càng nhiều người mất việc, bị cắt giảm giờ làm; thu nhập của lao động ở nhiều địa phương đang ở mức thấp đến khó tin. Ngay cả nhóm người giàu, mức độ chi tiêu cũng suy giảm rất mạnh.

Vật vã với 3 triệu đồng nuôi gia đình 5 người

Từ đầu năm 2023 đến nay, chị Mè Ngọc (31 tuổi, ở Thái Bình) liên tục bị giảm giờ làm, thu nhập còn 1 nửa so với trước đó. Doanh nghiệp chị Ngọc làm việc đóng tại Khu công nghiệp Phúc Khánh (Thái Bình), đang thiếu trầm trọng đơn hàng, công nhân chỉ làm khoán khi có việc.

Gần nửa năm qua, mỗi tháng, bà mẹ 2 con này chỉ nhận được hơn 3 triệu tiền lương. Chị Ngọc luôn phải co kéo lo sinh hoạt phí cho cả gia đình 3 người lớn, 2 trẻ em.

“Tôi phải cắt giảm tối đa chi tiêu cho ăn uống, để đảm bảo các khoản cố định, nhất là tiền ăn, học của con. Trước đây thi thoảng có thêm quà bánh, nhưng giờ với từng đó tiền, con có gì ăn đấy. Sữa chua, bánh kẹo không thể mua như trước. Bữa cơm có tôm hay thịt bò giờ là món ăn xa xỉ đối với gia đình. Rất may mắn là hiện nhà mình có vườn, ao nên vẫn tăng gia để có nguồn rau, cá duy trì sinh hoạt”, chị Ngọc chia sẻ.

Khi người dân 'thắt' hầu bao ảnh 1
Sức mua yếu, trung tâm thương mại u tối, hoang vắng, quầy hàng bỏ trống hàng loạt

Cũng chị Ngọc kể: “Công ty nơi tôi làm việc, rất nhiều cô chú lớn tuổi, làm khoán khi có đơn hàng, thu nhập cả ngày chỉ được 80.000 đồng, không có lương cứng. Việc ít do đơn hàng suy giảm nên chỉ nhận được vài trăm nghìn đồng/tháng, rất khó khăn”.

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, năm 2022, chi tiêu bình quân đầu người giảm 3,3% so với năm 2020, chi tiêu ở khu vực thành thị giảm 13,6%. Quý 1/2023, tổng tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế chỉ tăng 3,02%, tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm, giai đoạn 2015-2023. Chi tiêu bình quân đầu người xấp xỉ 2,8 triệu đồng/ tháng, giảm 3,3% so với 2020. Mức chi ở các hộ giàu nhất là 4,1 triệu đồng/người/tháng, cao hơn 3,2 lần nhóm nghèo nhất.

Chị Lê Thị Ngân (ở Hà Nam), công nhân tại khu công nghiệp Đồng Văn 2 cũng nhiều tháng nay phải chi tiêu “thắt lưng buộc bụng”, vì lương cơ bản không đủ sống.

Trước đây, chị Ngân thu nhập 10 - 12 triệu đồng/tháng tính cả tăng ca; giờ chỉ được một nửa.

“Bây giờ thi thoảng mới có tăng ca và công nhân phải bốc thăm để xem ai được chọn làm tăng ca. Thu nhập giảm, tôi phải chi tiêu dè sẻn”, chị Ngân nói.

Tại khu vực đô thị, nhiều người cũng phải cắt giảm chi tiêu vì thu nhập sụt giảm. Chị Nguyễn Phương, nhân viên một công ty truyền thông tại Hà Nội cho biết, gần đây, thu nhập của chị chỉ còn khoảng 6 triệu đồng/tháng, thấp hơn trước 3-4 triệu đồng.

Hợp đồng không có, công ty cũng cắt giảm toàn bộ những khoản tăng thêm. Chi tiêu tại thành phố đắt đỏ, chị Phương phải gọi điện về quê nhờ bố mẹ “tiếp tế” thực phẩm. Bữa ăn hằng ngày buổi trưa cũng được chuẩn bị sẵn tại nhà.

Khi người dân “thắt” hầu bao, các trung tâm bán lẻ, dịch vụ ăn uống, vui chơi, mua sắm kém sôi động. Tại Hà Nội, ngay cả vào cuối tuần, một số chợ truyền thống, trung tâm thương mại luôn trong cảnh vắng vẻ, dù các thương nhân khuyến mại nhiều.

Nhiều trung tâm thương mại từng thu hút nhiều người dân Thủ đô tham quan, mua sắm như Mipec Tower (Đống Đa), Artemis (Thanh Xuân), Discovery Complex (Cầu Giấy) cũng rơi vào cảnh “hoang vắng” đến khó tin. Mặt bằng trống khách thuê, khách vào mua sắm ít hơn cả số nhân viên đứng bán tại cửa hàng.

Khi người dân 'thắt' hầu bao ảnh 2
Chị Ngọc phải làm hàng bán online để có thêm thu nhập

Chi tiêu ngày càng co hẹp

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, việc suy giảm sức mua là vấn đề các cơ quan quản lý cần đặc biệt lưu ý. Theo ông Phú, hiện, có nhiều lý do khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu. Ngoài thu nhập sụt giảm, giá cả không hợp lý cũng đang là nguyên nhân lớn khiến sức mua giảm.

“Thịt lợn hơi giá đã giảm 40%, nhưng giá bán lẻ tại siêu thị vẫn lên tới 200.000 đồng/kg. Tại chợ truyền thống, giá thịt lợn 130.000 - 140.000 đồng/kg. Mâm cơm, túi tiền mỗi gia đình cứ thế eo hẹp dần, chi tiêu kém đi”, ông Phú phân tích.

Theo ông Phú, tìm giải pháp trước mắt để tăng sức mua là khó. Các nhà bán lẻ muốn vượt qua khó khăn cần nghiêm túc nhìn lại kênh phân phối hiện nay, có thay đổi kịp thời, để hàng hóa đến tay người tiêu dùng qua chuỗi cung ứng ngắn nhất, giảm bớt chi phí trung gian, phát sinh không đáng có.

Khi người dân 'thắt' hầu bao ảnh 3
Chợ đìu hiu, vắng người mua bán. Ảnh: Như Ý

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, sức mua giảm sút, cơ cấu chi tiêu thay đổi khi thu nhập từ sản xuất không được cải thiện, giá hàng hoá và dịch vụ vẫn cao so với mức thu nhập của dân.

Theo đó, nửa cuối năm 2023, việc giảm 2% thuế VAT là rất cần thiết, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay, giúp tăng tổng cầu và tạo tác động lan tỏa rất lớn. Khi thị trường tiêu thụ được khơi thông, doanh nghiệp sẽ phục hồi, mở rộng sản xuất, đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động, giải quyết được hàng tồn kho, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Hiệu quả của giải pháp giảm 2% VAT sẽ tác động trực tiếp, làm GDP tăng 0,16% thông qua kích cầu tiêu dùng cuối cùng; đồng thời tác động lan tỏa đến sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tăng thu nhập sẽ dẫn tới GDP tăng 0,64%.

Tuy nhiên, để giải pháp giảm 2% VAT mang lại hiệu quả thực cho nền kinh tế, đòi hỏi môi trường vĩ mô ổn định, giải quyết hiệu quả vấn đề việc làm, kịp thời thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt kiểm soát tốt lạm phát. Có như vậy, người dân mới sẵn sàng chi tiêu, doanh nghiệp mới phục hồi và phát triển sản xuất”, ông Lâm nói.

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/khi-nguoi-dan-that-hau-bao-post1533219.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/khi-nguoi-dan-that-hau-bao-post1533219.tpo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khi người dân 'thắt' hầu bao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO