Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) - dự báo, khoảng cuối quý II, thị trường sẽ có diễn biến lạc quan.
Trong đó, một số dự án, nhóm dự án thiết yếu như nhà ở xã hội, nhà ở bình dân sẽ có những tác động tích cực trước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng sẽ chủ động thực hiện, lên ý tưởng cho việc tái cấu trúc doanh nghiệp, sản phẩm. Theo đó, họ sẽ chú trọng phân khúc dễ hấp thụ, sớm tạo ra dòng tiền hơn.
Cơ sở để ông Đính nêu lên ý kiến trên đó là hiện thị trường bất động sản đang được hỗ trợ bởi đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ của Chính phủ. Quý II/2023, Chính phủ sẽ tập trung sửa đổi và xử lý những vấn đề vướng mắc về thủ tục đầu tư với các dự án nhóm nhà ở gồm: các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo nhà chung cư cũ. Đây sẽ là những yếu tố để thị trường có những tín hiệu khởi sắc.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, sắp tới, thị trường bất động sản sẽ đón nhận gói tín dụng hỗ trợ phát triển dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Từ đó, giúp thị trường bất động sản hồi phục trở lại kể từ quý III/2023.
Dù đều có cái nhìn lạc quan về thị trường bất động sản, nhưng theo các chuyên gia, để hỗ trợ tốt nhất cho thị trường bất động sản, cần phải giải quyết nhiều nút thắt.
Tại tọa đàm "Điểm sáng về cơ chế, chính sách cho thị trường bất động sản Việt Nam" diễn ra mới đây, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đề xuất cần đưa ra hai nhóm chính sách, ngắn hạn và dài hạn.
Trong đó, nhóm giải pháp ngắn hạn là những chính sách tập trung tháo gỡ vấn đề đang nóng nhất của thị trường, gồm pháp lý và vốn. Theo ông Lực, nếu tháo gỡ được vấn đề pháp lý thì hàng trăm dự án được giải toả, dòng tiền từ đây mà ra. Quan trọng hơn, tháo gỡ được vấn đề pháp lý chính là củng cố niềm tin cho thị trường. Sau hàng loạt cuộc họp của Chính phủ thì các địa phương vào cuộc mạnh mẽ hơn.
Về vốn cho thị trường bất động sản, TS. Cấn Văn Lực, cho rằng "nóng" nhất chính là vấn đề trái phiếu. Theo tính toán, khoảng 120.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản đáo hạn trong năm 2023, sang năm 2024 là khoảng 110.000 tỷ đồng. Mua lại lượng trái phiếu này đang gây áp lực rất lớn cho các nhà đầu tư bất động sản.
Còn về vốn tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, TS. Cấn Văn Lực đề xuất cho phép cơ cấu lại nợ, giữ nhóm nợ. Việc này có thể gây ý kiến trái chiều vì nhiều ngành cũng ở hoàn cảnh cần cơ cấu nợ.
Trong khi đó, chuyên gia này không ủng hộ nới room tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, vì năm 2022 tín dụng cả hệ thống tăng trưởng 14,5%, riêng tín dụng cho bất động sản đã tăng trưởng 24,2% thì năm nay không thể cao hơn. Vấn đề của bất động sản là tắc ở trái phiếu doanh nghiệp.
TS. Cấn Văn Lực cũng đánh giá dòng vốn từ M&A rất quan trọng với thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp kiến nghị hệ thống ngân hàng cho vay để tài trợ phần vốn thiếu hụt khi giao dịch M&A.
"Tôi kiến nghị nên cho phép, vì việc này hoàn toàn khả thi và là nhu cầu thật. Doanh nghiệp có 70%, phần còn lại ngân hàng tài trợ 30%", TS. Cấn Văn Lực đề xuất.