1. Hậu quả tai hại khi trẻ bị nhiễm giun
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhiễm giun là một trong những bệnh phổ biến nhất ở người, với khoảng 24% dân số thế giới mắc bệnh.
Giun là loại ký sinh trùng sống bên trong cơ thể, ngấm ngầm hủy hoại sức khỏe. Nhiễm giun có thể không nguy hiểm trong giai đoạn đầu, nhưng nếu không được điều trị, có thể tạo ra các u nang trong phổi và gan, dẫn đến viêm phổi và các rối loạn thần kinh khác. Nhiễm giun có thể gây thiếu máu ở phụ nữ mang thai.
Nhiễm giun gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe trẻ em. Điển hình là thiếu máu, thiếu vi chất, suy dinh dưỡng, bệnh gan mật… Trẻ bị nhiễm giun mạn tính có thể dẫn đến tăng trưởng còi cọc, chậm phát triển trí tuệ, thiếu tập trung và khuyết tật học tập.
Trứng giun có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi, từ đất, thực phẩm, nước, đồ dùng và bề mặt bị ô nhiễm, đến phân người và động vật, nhà vệ sinh, tay nắm cửa và lông thú cưng…
Có rất nhiều loại giun như: Giun đũa (dài 25 cm, sống trong ruột); gium kim, giun chỉ (dài từ 2 đến 13mm)... đặc biệt phổ biến và khó chịu. Vào ban đêm, giun chui ra khỏi hậu môn và đẻ trứng bên ngoài, gây ngứa. Khi gãi, trứng có thể chui vào móng tay. Sau đó lây lan sang nơi khác hoặc tái nhiễm ký chủ nếu người đó cho ngón tay vào miệng. Ở các bé gái, giun đôi khi có thể xâm nhập vào âm đạo, gây tiết dịch.
Trẻ bị nhiễm giun thường khó phát hiện, nhưng các dấu hiệu cha mẹ cần theo dõi là:
- Ngứa ngáy và gãi
- Đầy hơi và đau bụng
- Tiêu chảy
- Chán ăn, sụt cân
- Ho không rõ nguyên nhân.
2. Khi nào cần cho trẻ uống thuốc tẩy giun?
Do những vấn đề nghiêm trọng mà giun có thể gây ra, WHO khuyến cáo mạnh mẽ việc tẩy giun đặc biệt ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém và khi trẻ đã có những dấu hiệu bị nhiễm giun.
WHO khuyến nghị nên tẩy giun hàng năm hoặc 2 năm một lần cho tất cả trẻ nhỏ từ 12 tháng tuổi. Đây là thời điểm trẻ nhiễm giun đường ruột phổ biến nhất. Trẻ em mẫu giáo (2-5 tuổi), trẻ em trong độ tuổi đi học nên tẩy giun định kỳ.
Trên nhãn thông tin một số loại thuốc tẩy giun có ghi là không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi khiến một số cha mẹ nghi ngại không dùng cho con, nhưng từ năm 2018 Bộ Y tế đã cập nhật cho phép dùng. Quyết định 6437/QĐ-BYT năm 2018 của Bộ Y Tế đề nghị tẩy giun cho trẻ từ 12 tháng tuổi.
3. Các thuốc tẩy giun cho trẻ và lưu ý khi sử dụng
3.1 Các thuốc tẩy giun cho trẻ
Các loại thuốc tẩy giun được khuyến nghị sử dụng cho trẻ em là albendazol, mebendazol, pyrantel embonate và levamisole. Trong đó, mebendazol và albendazol là 2 loại thuốc được sử dụng phổ biến ở Việt Nam.
- Mebendazol: Mebendazole là một loại thuốc được bán dưới nhiều nhãn hiệu như fugacar, mebendazol... Thuốc hoạt động bằng cách ức chế, ngăn cản sự tiêu thụ chất dinh dưỡng của các loại giun. Thuốc được sử dụng để điều trị nhiễm giun như giun đũa, giun kim, giun móc...
- Albendazol: Albendazole hoạt động bằng cách ngăn giun hấp thụ đường (glucose), kết quả mất năng lượng và chết. Thuốc được dùng bằng đường uống ở dạng viên nén. Ví dụ: Zentel, azoltel, pyme Abz...
Các thuốc tẩy giun thường an toàn, xác suất khoảng 0,09% khả năng có tác dụng phụ như đau bụng, buồn nôn và đau đầu thoáng qua... Các tác dụng này thường không cần sự can thiệp y tế.
3.2 Liều lượng và cách dùng thuốc tẩy giun
- Trẻ em từ 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi: Albendazole 200mg hoặc mebendazole 500mg liều duy nhất.
- Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên: Albendazole 400mg hoặc mebendazole 500mg liều duy nhất.
- Tần suất tẩy giun: Tùy khu vực mà tẩy từ 2 lần/năm
Cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc vào bất kì thời điểm nào trong ngày, không phụ thuộc vào bữa ăn. Với trẻ em khó nuốt trọn viên thuốc, có thể nghiền nhỏ viên thuốc, hoặc nhai và nuốt với một ít nước đun sôi để nguội.
3.3 Chống chỉ định của thuốc tẩy giun
- Người đang mắc bệnh cấp tính, đang sốt (>38,5° C).
- Người đang mắc một số bệnh mạn tính như: suy thận, suy tim, suy gan, đợt hen cấp .
- Người có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc.
- Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em dưới 12 tháng tuổi.
4. Làm gì để hạn chế nguy cơ cho trẻ
Cách phòng ngừa đơn giản và hiệu quả nhất là rửa tay thường xuyên. Hãy tạo thói quen này trong gia đình, không chỉ sau khi đi vệ sinh mà còn trước bữa ăn, bất cứ khi nào về đến nhà và sau khi chơi bên ngoài hoặc với thú cưng. Ngoài ra, hãy nhớ rửa kỹ tất cả các loại trái cây và rau quả, và nấu kỹ tất cả các sản phẩm thịt.
Nhiễm giun có thể dễ dàng lây lan giữa các thành viên trong gia đình. Nên cần tẩy giun cho tất cả các thành viên trong gia đình, kể cả vật nuôi 6 tháng một lần, đặc biệt nếu gia đình có con nhỏ.
Nhiều phụ huynh thắc mắc: "Ở nhà sạch sẽ, vệ sinh sạch sẽ, có nên tẩy giun cho con không?" Câu trả lời là "Có". Việc tẩy giun cho trẻ là vô cùng cần thiết vì dù nhà bạn có vệ sinh với các biện pháp vệ sinh tốt nhưng trẻ vẫn thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm ở trường học, sân chơi, nhà hàng, xe cộ và những nơi khác có thể dẫn đến nguy cơ trẻ bị nhiễm giun.
Tẩy giun là một biện pháp phòng bệnh. Đừng đợi đến khi con bạn có các triệu chứng rồi mới quyết định tẩy giun cho con.