Khi Mỹ Tâm lạy khán giả

11/11/2022 10:30

Mỹ Tâm vẫn là gương mặt hàng đầu của Vpop, lao động không biết mệt mỏi, liên tục ra sản phẩm, thực hiện các dự án lớn. Điều đó được chứng thực một lần nữa bằng hòa nhạc Tri âm với 30.000 khán giả tại sân vận động Mỹ Đình.

Nhưng Mỹ Tâm xem ra vẫn chưa thực sự vững tin vào sức hút của mình, nên mới liên tục khóc và quỳ rạp xuống vái lạy khán giả?

Cũng có thể cô có chút lo lắng kiểu sau 4 năm "giãn cách", khán giả liệu có còn nhớ đến mình. Bởi trước COVID-19, hầu như năm nào cô cũng hòa nhạc.

421a4449-2656-708.jpg

Mỹ Tâm hẳn là ca sĩ Vpop đầu tiên có cơ hội vái lạy khán giả như vậy. Đâu có phải muốn mà được đâu? Mấy ai đủ tầm đủ lực để làm sô ở sân vận động, để mà có cơ hội bàng hoàng, choáng ngợp… dẫn đến hành động có phần bộc phát đó. Nhưng cũng có thể cô cần phải gây ấn tượng bằng hành động này bởi ngay sau Tri âm (diễn ra theo đặt hàng của nhà tài trợ đồng thời vẫn bán vé), Mỹ Tâm đã nhắm đến chương trình do cô tự tổ chức với quy mô lên đến 5 vạn khán giả.

Cô là một trong những ca sĩ Việt đầu tiên chủ động hợp tác với Hàn Quốc làm đĩa, làm sô. Có khi Mỹ Tâm ảnh hưởng luôn tục lệ vái lạy khán giả của các nghệ sĩ Hàn. Ở Hàn Quốc, khán giả thường xuyên được vái lạy trong các buổi ra mắt phim, khi kết thúc hòa nhạc hoặc tại các lễ trao giải. Và thường là cả ban nhạc hoặc cả đoàn làm phim sẽ quỳ xuống rập đầu trước khán giả, để cảm ơn, nhưng có khi là xin lỗi.

Tất nhiên không chỉ trong showbiz mà hành động này cũng phổ biến trong đời sống người dân xứ Hàn vốn trọng lễ nghi do ảnh hưởng lâu đời của Khổng giáo. Không chỉ học sinh quỳ lạy để tỏ lòng tôn kính thầy cô, chính trị gia trước các kỳ bầu cử cũng không ngại quỳ gối bày tỏ quyết tâm phục vụ nhân dân.

421a1517-1246-994(1).jpg

Ở Việt Nam, vái lạy đến mức quỳ sụp, rập đầu xuống đất ngày nay chắc chỉ phổ biến ở đám tang hay trong các sự kiện tôn giáo. Ngay ở Trung Quốc, nghệ sĩ cũng không có thói quen này. Tháng 1/2022, khi nhóm nhạc Everglow gặp gỡ khán giả trong một buổi biểu diễn, duy nhất thành viên người Trung Quốc Wang Yiren không làm động tác này. Dù đứng vái chào theo kiểu Trung Quốc thay lời chúc năm mới, Wang sau đó vẫn bị phản đối trên quan điểm: Nếu kiếm tiền ở Hàn Quốc thì phải tuân thủ phong tục Hàn Quốc. Cư dân mạng quê nhà lại khen ngợi Wang đã không “quỳ gối” trước người Hàn.

Một lời bình từ phía Trung Quốc: “Nếu bạn quỳ xuống, bạn sẽ bị cư dân mạng Trung Quốc mắng và nếu bạn không quỳ, bạn sẽ bị cư dân mạng Hàn Quốc chỉ trích. Thật sự rất khó để trở thành một nghệ sĩ!”.

Ông Choi Kwang Ho - Tổng thư ký KMCA - hiệp hội đại diện cho ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc phát biểu về sự việc: "Chúng tôi tôn trọng các ý kiến khác nhau về vụ việc, nhưng để phát triển cộng đồng hâm mộ Kpop, chúng ta cần suy nghĩ về bản chất của âm nhạc. Nói cách khác, hiệp hội nhấn mạnh sự cần thiết của việc tập trung vào bức tranh lớn hơn”.

Có thể thấy ông khuyên nhủ người hâm mộ nên tập trung vào nghệ thuật thay vì những khác biệt văn hóa. Vậy nhưng Wang Yiren vẫn phải quay về Trung Quốc với lý do để học tập và hình như vẫn chưa trở lại. Như vậy nghệ sĩ vái lạy khán giả ở Hàn Quốc chẳng khác nào một hành động bắt buộc.

Sau đêm diễn của Mỹ Tâm, không ít khán giả lên tiếng phàn nàn vì mua vé và cũng đến trước giờ diễn cả tiếng đồng hồ nhưng không thể vào ngồi đúng hạng của mình. Vì bảo vệ không thể mời những người đã chiếm chỗ ra. Vái lạy, khán giả cũng xin nhận thôi nhưng nếu ê-kíp của Mỹ Tâm đông đảo hơn, kỹ lưỡng hơn thì khán giả còn thích hơn.

Theo Tiền Phong
https://tienphong.vn/khi-my-tam-lay-khan-gia-post1485174.tpo
Copy Link
https://tienphong.vn/khi-my-tam-lay-khan-gia-post1485174.tpo
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khi Mỹ Tâm lạy khán giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO