Khi 'hoa hồng' trở thành mồi câu đưa dịch vụ vào trường học

Hoàng Chung| 07/04/2023 09:12
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học tại TPHCM chia sẻ chuyện 'hoa hồng' vào trường học là đương nhiên, như một luật bất thành văn.

Điểm danh hàng loạt khoản có hoa hồng

Tuần qua, từ khóa "hoa hồng" được nhiều người quan tâm sau khi Dân trí có loạt bài liên quan tới việc  và "Có hiệu trưởng sẵn sàng nhận "hoa hồng" để đón doanh nghiệp vào trường học".

Điểm danh lại các khoản có thể được trích lại "% hoa hồng" thì vô số. Từ mua sắm trang thiết bị, bán trú, dạy tiếng Anh tăng cường, hoạt động ngoại khóa, đồng phục, sách vở,… thậm chí từ chiếc nhãn vở, bìa bao, giấy kiểm tra, logo trên áo.

Khi hoa hồng trở thành mồi câu đưa dịch vụ vào trường học - 1

Nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học tại TPHCM thừa nhận đa số các dịch vụ đều có hoa hồng, quan trọng là cách xử lý của lãnh đạo nhà trường (Ảnh minh họa: Hoàng Chung).

Bà Mai Lan - nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học tại TPHCM thẳng thắn thừa nhận "hầu như khoản nào cũng có hoa hồng".

Từ trải nghiệm của bản thân, bà Lan cho biết, tại các trường học, nhất là những trường khu vực đô thị có nhiều dịch vụ khác nhau và các nhà cung cấp thường chiết khấu % lại cho nhà trường khi lựa chọn sử dụng dịch vụ như một quy tắc bất di bất dịch. Bà nhận định, không ít hiệu trưởng chọn lựa nhà cung cấp dựa trên... mức chiết khấu.

Bà thống kê có 3 hướng "xử sự với... hoa hồng" mà lãnh đạo các nhà trường có thể áp dụng.

Nhóm 1, lý tưởng nhất là thực tâm chọn đơn vị chất lượng, bỏ qua chuyện "hoa hồng", không bị lệ thuộc vào số tiền được hoàn lại. Nhóm các trường hành động theo nguyên tắc này có nhưng theo bà Lan thì số lượng không nhiều.

Nhóm 2, hiệu trưởng chăm chăm nhìn "hoa hồng", so con số cao hay thấp để quyết định chọn lựa đối tác.

"Thực chất, đối tác khi đến làm việc luôn đặt vấn đề "hoa hồng" để mời chào lãnh đạo nhà trường. Có những hiệu trưởng quan tâm tới điều đó đầu tiên. Thậm chí có người đặt thẳng vấn đề, đòi "hoa hồng" luôn" - bà Mai Lan thẳng thắn.

Với nhóm 2, thường tiền "hoa hồng" sẽ được người đứng đầu nhà trường giữ riêng, vun vén cho bản thân hoặc có phần chia sẻ, chăm lo cho 1 nhóm nhân sự chủ lực nào đó trong trường. Điều này thường dẫn đến những lục đục nội bộ phát sinh.

Nhóm 3, hiệu trưởng nhận "hoa hồng" và sử dụng khoản này phục vụ cho tập thể gồm những hoạt động "không tên" của giáo viên và học sinh.

Bà Lan nhận mình ở nhóm này. Bà lý giải, nguồn ngân sách của nhà nước chi cho hoạt động của nhà trường, chi bồi dưỡng giáo viên rất hạn chế, vì thế, muốn động viên giáo viên, học sinh tham gia hoạt động phong trào nào cũng khó.

Theo cựu hiệu trưởng, nói là tiền động viên nhưng thực ra khoản chi này không đáng kể. Mỗi hoạt động vất vả, phải huy động cán bộ, giáo viên làm cật lực vài tuần thì cũng chỉ có thể bồi dưỡng mỗi người vài chục đến vài trăm nghìn đồng, mua ít bánh trái cùng liên hoan cho vui, hoặc để chi ngoại giao, tiếp khách…

"Nói riêng lẻ thì ít nhưng gộp lại thì khá nhiều. Có nhiều khoản lặt vặt không tên mà cần chi, cũng không thể nào lấy tiền ngân sách, trừ khi gian lận hóa đơn. Vì thế, tôi dùng "hoa hồng" để chi cho các khoản nằm ngoài kế hoạch tài chính", bà Mai Lan giải thích.

Bà nói, ở cương vị hiệu trưởng, nếu vì không có kinh phí mà không tổ chức các hoạt động thì học sinh chịu thiệt thòi, nếu tổ chức lại phải cân đo đong đếm. Ví dụ, một hội xuân đầu năm cho trường có vài nghìn học sinh, tiết kiệm lắm cũng hết 50 triệu đồng.

Một phần "hoa hồng" được bà Lan chi tăng thêm cho những người có trách nhiệm nhiều như ban giám hiệu, kế toán, bếp hoặc những người lương thấp như bảo vệ, lao công, tổ trưởng cấp dưỡng.

"Thực sự mình không ủng hộ chuyện "hoa hồng" vì làm như vậy luôn trong sự lén lút, không minh bạch. Tuy nhiên, cơ chế không cho lựa chọn khác nên đành làm", bà Lan nói.

"Không ai tự bỏ tiền túi trả... hoa hồng"

Cũng có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, bà Diễm Minh* đang là hiệu trưởng một trường học khác trên địa bàn TPHCM nêu quan điểm "nói không với "hoa hồng".

Chính vì không nhận "hoa hồng" nên bà có thể thẳng tay trả lại những dịch vụ mà nhà cung cấp không đáp ứng yêu cầu.

"Tôi nhận nhiệm vụ hiệu trưởng thì rất nhiều đối tác vào chào mời nhưng quan điểm của tôi là chất lượng, không lăn tăn vấn đề "hoa hồng". Tôi quan niệm rằng "tiền nào của đấy", không ai tự bỏ tiền túi ra để chi trả khoản "hoa hồng" cả. Họ cho mình thì phải lấy lại giá trị khác từ khoản tiền đó", bà Minh nói.

Dù không nhận "hoa hồng" nhưng bà Minh khẳng định học sinh, nhà trường cũng không thiệt thòi khi bà vẫn xin được tài trợ từ chính đối tác của mình và họ rất vui vẻ.

"Tôi không nhận "hoa hồng" nhưng sẵn sàng xin đối tác ủng hộ những thứ nhà trường còn thiếu. Ví dụ, phía bán trú ủng hộ máy bơm rửa nhà để phòng ốc sạch sẽ, đối tác tiếng Anh hỗ trợ bảng tương tác điện tử để giảng dạy, đơn vị dạy kỹ năng sống thì tặng máy chiếu… Tất cả đều ủng hộ bằng vật chất và là những thứ nhà trường đang thiếu, để phục vụ cho học sinh. Dĩ nhiên, những khoản này đều đến sau khi đối tác đã và đang thực hiện tốt dịch vụ của mình", bà Minh nói về cách thức điều hành tại đơn vị.

Trở lại câu chuyện tổ chức ngoại khóa cho học sinh tại trường THCS Nguyễn Văn Bứa vừa qua, hai nữ hiệu trưởng đều cho rằng cách xử lý của hiệu trưởng trường này chưa ổn.

"Chuyện nhận "hoa hồng" chưa hẳn đã sai nhưng dùng khoản tiền này để làm "mồi câu" giáo viên và thu hút học sinh thì hoàn toàn sai với mục đích giáo dục, dẫn đến phản tác dụng. Tiền bồi dưỡng sẽ có nhưng đó phải là chuyện đến sau chứ không phải "mồi câu" ngay từ đầu để khơi gợi, thậm chí lấy thi đua đánh giá" - nguyên hiệu trưởng Mai Lan nói.

Nữ hiệu trưởng này cũng nhận định, chương trình ngoại khóa không xấu. Được tham gia những hoạt động bên ngoài lớp học, ngoài nhà trường, mỗi trẻ sẽ bộc lộ hết nhân cách của mình. Từ đó, giáo viên có thể nắm bắt, uốn nắn những biểu hiện không đúng. Đây là môi trường học hết sức lý tưởng, giúp thầy và trò gắn kết với nhau một cách tự nhiên, thực tế.

Về việc giáo viên nhận thù lao từ những chuyến đi như vậy, bà Mai Lan tâm sự, không ai muốn nhận vài trăm nghìn đồng để phải chịu một trách nhiệm lớn là đảm bảo an toàn cho rất nhiều học sinh trong hoạt động dã ngoại.

"Đưa học sinh đi dã ngoại, giáo viên quản lý rất cực. Thay vì dạy ở trường cho nhàn hạ thì việc đưa trẻ ra ngoài là nỗ lực của giáo viên. Giáo viên lãnh vài trăm nghìn thì hầu hết cũng đều mua nước, trái cây cho học sinh. Mục đích giáo dục của hoạt động ngoại khóa cao cả hơn nên đừng chăm chăm nhìn vào tiền "hoa hồng". Và hiệu trưởng đừng làm xấu đi hình ảnh của giáo viên, không nên hình thành thói quen xấu là "có tiền mới làm" - bà Mai Lan nói.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cấp cao về tài chính, Học viện Tài chính nhận định, giá cả các mặt hàng, dịch vụ đưa vào trường học, công sở trong thời gian vừa qua bị một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng đẩy lên để trục lợi, bù đắp cho khoản chi "hoa hồng".

Ông dẫn chứng, thời gian gần đây đã có rất nhiều cán bộ quản lý giáo dục ở các địa phương sa vào vòng lao lý vì chuyện "ăn chặn" đưa thiết bị vào trong hệ thống.

Để khắc phục tình trạng trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh tới công tác kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục, tầm quan trọng của tinh thần dân chủ trong trường học và đặc biệt là hoạt động giám sát của cha mẹ học sinh.

"Thẳng thắn mà nói, công tác kiểm tra, giám sát, quản lý của chúng ta còn lỏng lẻo, chế tài chưa nghiêm nên nhiều người không sợ. Nếu chế tài nghiêm sẽ hạn chế được tình trạng trên", ông Thịnh bày tỏ.

(*) Tên hiệu trưởng đã được thay đổi

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khi 'hoa hồng' trở thành mồi câu đưa dịch vụ vào trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO