Những đôi giày chúng ta yêu thích bỗng một ngày bị bong keo trong khi nhìn chúng vẫn còn khá đẹp, nếu vứt đi thì thật tiếc. Vậy làm thế nào để sửa những đôi giày này? Cách đơn giản nhất là chúng ta hãy tự chế keo dán. Nếu làm đúng theo cách dưới đây thì hiệu quả cũng không tồi.
Cách hàn những đôi giày bị bong keo
Đầu tiên, chúng ta cần phải giặt giày sạch và phơi khô trước. Lưu ý để đạt hiệu quả cao, cần để giày khô tuyệt đối. Sau đó dùng giấy nhám để làm sạch keo và bụi bẩn ở chỗ cần dán.
Pha keo dán: Trộn đều bột giặt, nước giặt, kem đánh răng và baking soda. Sau khi trộn thành dạng sệt thì bôi keo này lên hai mặt của chỗ bị bong, nhớ đừng đặc quá vì sẽ khiến keo lâu khô và bị tràn ra ngoài. Sau đó, bạn dùng tay ấn xuống và giữ trong khoảng 2 phút thì thả tay ra, để nguyên như vậy trong khoảng 10 phút nữa cho keo khô lại hoàn toàn. Khi keo đã khô, bạn sẽ thấy giày trở lại hình dáng ban đầu và có thể mang lại sau một ngày.
Nếu chẳng may giày da bị trầy xước, cọ xát làm bong tróc lớp da bên ngoài bạn cũng có thể khắc phục nhờ cách sau: Trước tiên bạn lau sạch giày bằng khăn khô, sau đó dùng tăm bông chấm một ít lòng trắng trứng gà, thoa nhẹ một lớp lên phần da bị đứt.
Khi chấm lòng trắng lên cũng không nên dùng lượng quá nhiều và sau đó cũng dùng tay ấn vào các vết bong tróc để cho chúng dính lại vào giày. Chờ khi lớp trứng bên ngoài đông đặc lại thì lau khô rồi bôi một lớp xi đánh giày lên trên, vậy là trông đôi giày lại như mới. Tuy nhiên, vì bạn thường xuyên phải sử dụng giày nên cách này cũng chỉ có thể giữ trong một thời gian nhất định.
Ngoài ra, nếu bạn muốn xử lý vết bong keo của giày được hiệu quả hơn nữa thì hãy dùng súng bắn keo. Cách làm: Cho keo nến vào súng bắn keo cho tan chảy, sau đó di chuyển súng dọc theo mép giày rồi nhấn hai mép giày xuống cho khớp lại với nhau, giữ nguyên trong vài phút để chờ lớp keo khô. Khi keo khô đi, bạn sẽ thấy giày được hàn lại rất chắc chắn.
Để giữ cho giày được bền đẹp, chúng ta cũng cần chú ý tới việc vệ sinh và bảo dưỡng. Vậy làm thế nào để vệ sinh giày đúng cách?
Cách vệ sinh, bảo dưỡng giày
Có rất nhiều chất liệu để làm giày như giày vải, giày da, giày da lộn... Do chất liệu của những loại giày này có những đặc điểm riêng nên chúng cũng có cách làm sạch và bảo dưỡng khác nhau.
1. Giày da
Vì giày da tương đối đắt tiền nên việc bảo dưỡng chúng là điều đương nhiên. Giày da phải được làm sạch trước khi bảo quản, tất nhiên là cần phải có một số dụng cụ hỗ trợ. Khi lựa chọn các dụng cụ vệ sinh cho giày da cần lưu ý:
- Lựa chọn bàn chải đánh giày có độ cứng vừa phải (nên chọn bàn chải lông)
- Nhiều người thường mua sản phẩm kết hợp cả chức năng vệ sinh và bảo dưỡng tuy nhiên hiệu quả của sản phẩm sẽ không cao bằng việc mua riêng lẻ sản phẩm vệ sinh và dung dịch bảo dưỡng. Ngoài ra, khi bảo quản giày da, do chúng có độ thông thoáng kém nên bạn hãy mua các loại dung dịch vệ sinh có chứa thành phần chống ẩm mốc. Vải lau giày nên chọn chất liệu mềm như khăn tay hoặc gạc cotton nguyên chất.
Cách vệ sinh:
Trước hết, bạn cần dùng bàn chải đánh giày làm sạch đất bám trên giày da. Sau đó, dùng hỗn hợp vệ sinh để làm sạch, tốt nhất không nên đổ trực tiếp lên giày mà hãy đổ lên bề mặt của bàn chải. Tiếp theo, bạn nhẹ nhàng di chuyển bàn chải trên mặt giày, nhất là các kẽ hở. Khi giày đã được làm sạch, dùng khăn mềm lau sạch bề mặt. Để giày giữ được độ bền đẹp thì khâu quan trọng nhất chính là bảo dưỡng.
Cách bảo dưỡng:
Sau khi vệ sinh xong, bạn hãy để giày ở nơi thoáng gió cho bề mặt khô trước khi bôi dung dịch bảo dưỡng vì nếu bôi ngay sẽ rất dễ khiến giày bị mốc. Sau khi bảo dưỡng, bạn cũng nên đặt giày ở nơi thông gió trong một ngày trước khi cất đi.
2. Giày da lộn
Giày da lộn thường được sử dụng vào mùa đông, tuy nhìn đẹp nhưng chúng có nhược điểm là khó vệ sinh hơn so với các loại giày khác. Nhìn chung, để làm sạch loại giày này, bạn không cần quá nhiều chất tẩy rửa và nên dùng bàn chải lông để làm sạch.
Cách vệ sinh: Đầu tiên, bạn hãy lau toàn bộ bề mặt giày, dùng bàn chải để loại bỏ các vết bẩn cứng đầu khó làm sạch. Nếu gặp các vết bẩn khó xử lý thì có thể dùng chất tẩy chuyên dụng. Chất liệu da lộn dễ thấm nước nên bạn hãy cố gắng tránh dùng giày khi trời mưa.
3. Giày vải
Nhiều người thích đi giày vải vì chúng mềm mại, thoải mái và thấm hút mồ hôi tốt. Đặc biệt là những đôi giày vải màu trắng, không chỉ nhìn mới mẻ, sạch sẽ mà khi mang vào cũng rất đẹp và thời trang nên được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, giày màu trắng thì khi vệ sinh sẽ tương đối phiền phức.
Cách vệ sinh giày trắng:
- Đầu tiên, hãy lau sạch đế giày để không làm lan vết bẩn sang các khu vực khác.
- Sau đó ngâm giày ngập trong nước có pha một lượng xà phòng phù hợp. Vì giày vải dùng keo dán nên chỉ ngâm khoảng 5-6 phút, nếu ngâm quá lâu giày sẽ bị bong keo.
- Lúc này, vết bẩn được làm mềm ra nên rất dễ làm sạch. Bạn hãy dùng bàn chải mềm chà xát lên giày một lượt để loại bỏ hết các vết bẩn.
- Giặt lại giày bằng nước sạch. Sau đó quấn kín giấy vệ sinh xung quanh giày và đem phơi để giày không bị ngả vàng.
Lưu ý: Khi vệ sinh giày trắng không nên dùng bột giặt vì thành phần hóa học trong đó sẽ khiến giày bị ngả vàng, tốt nhất nên mua chất làm sạch đặc biệt hoặc xà phòng trắng. Ngoài ra, ánh nắng trực tiếp cũng khiến giày bị ố vàng, vì thế trước khi phơi, bạn cần phủ kín giày bằng giấy vệ sinh.
Theo An Nhiên - Vietnamnet