Khi già đi, cơ thể rệu rạo, giọng Divo hao mòn, Tùng Dương còn lại gì?

24/08/2022 11:27

Giữa cuộc sống đủ đầy, ở đỉnh cao sự nghiệp, trong một thoáng Tùng Dương nghĩ về cái tuổi chân yếu, răng rụng, không còn giọng hát 'divo' và tự hỏi: Tôi sẽ còn lại gì?

- Nhiều năm tham gia hòa nhạc “Điều còn mãi”, tên thương hiệu hòa nhạc này gợi trong anh suy nghĩ gì? 

Mỗi người chúng ta đều có những điều còn mãi của riêng mình, đúng không? Báo VietNamNet đã tạo ra cái tên "Điều còn mãi" rất ý nghĩa, rất đẹp và mang tính số phận. Một chương trình vừa tôn vinh giá trị âm nhạc bất hủ, tri ân lớp nghệ sĩ đi trước, vừa ươm mầm lớp nghệ sĩ thế hệ sau, chắc chắn sẽ mãi còn.

Tôi tin những ai đã theo dõi "Điều còn mãi" sẽ không bao giờ quên dư vị âm nhạc của chương trình này để lại. Còn với nghệ sĩ chúng tôi, được cất cao tiếng hát vào buổi chiều Quốc khánh 2/9 tại "thánh đường nghệ thuật" Nhà hát Lớn Hà Nội là vô cùng tuyệt vời.

- Từng trình diễn “Con cò” vô số lần trong sự nghiệp, sân khấu “Điều còn mãi” 2022 của Tùng Dương còn gì mới mẻ? 

Những bài khó như Tình ca, Người lái đò trên sông Pô Kô, Bên kia sông Đuống,... tôi đều từng "xơi" tuốt! Thật ra, chẳng tác phẩm nào làm khó được mình, chỉ có tôi tự làm khó bản thân.

Con cò - tác phẩm đương đại gắn liền với tên tuổi Tùng Dương - càng thêm ý nghĩa khi năm nay đánh dấu tròn 20 năm ca hát của tôi.

Có những tác phẩm cần làm mới, có những tác phẩm chỉ cần hát đúng tâm thế, cảm xúc là đủ. Chúng ta không nên làm rối rắm những hình ảnh biểu tượng như cây tre, bông sen, con cò,...

Tùng Dương của hiện tại hát Con cò sẽ khác cậu ấy cách đây 20 năm chứ! Con cò của hôm nay vẫn "xoải rộng cánh bay" nhưng không còn hoang mang vô định, e sợ sóng gió hay lo lắng về tương lai nữa.

Tôi sẽ hát bằng năng lượng tích cực và hào sảng nhất có thể. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên tôi hát Con cò với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam.

- Nhiều lần nhắc đến dấu mốc 20 năm ca hát, Tùng Dương của hôm nay khác biệt thế nào?

Tôi của hôm nay là bố trẻ con, lại sắp bước vào tuổi 40 yêu dấu. Cuộc sống của tôi khác xưa lắm, không thể thức khuya dậy muộn, bỏ bữa, vạ vật cả ngày nữa.

Mỗi tuần, tôi tập gym 3 buổi, chơi thể thao 2 - 3 buổi, trau dồi tiếng Anh, học piano cổ điển, luyện thanh, thu âm, đọc sách, chăm con,... Dường như càng vào trung niên, người ta càng bận thì phải?

Hình ảnh "con cò mày đi ăn đêm" cứ như vận vào đời tôi: "bay" show khắp nơi vào ban đêm và mệt nhoài trở về nhà lúc khuya muộn. Những hôm không đi diễn, tôi và con trai cùng nhau ngủ sớm. Bố phải làm gương thì con mới chịu ngủ để hôm sau hai bố con cùng "Bình minh ơi dậy chưa?".

Khi có con, cuộc sống của bạn chỉ xoay quanh con: nuôi con, chơi với con, dạy con học, chăm con đau ốm,... Đến khi làm bố, tôi mới cảm nhận mình trưởng thành đôi chút.

Nghệ sĩ hát hay, đàn giỏi chưa hẳn đã là người có cái vóc lớn của nghệ thuật. Cái vóc ấy chỉ có khi người nghệ sĩ đã chiến thắng cái tôi của bản thân, biết nghĩ cho người khác, biết hy sinh cho gia đình mình.

Đó là mối quan hệ giữa nghệ thuật và nhân sinh. Nghệ thuật vốn sinh ra từ những điều bình dị nhất, những hỉ, nộ, ái, ố của con người.

- Vì sao anh dành nhiều thời gian trong ngày để học tập, rèn luyện đến vậy?  

Càng học, tôi càng thấy mình dốt! Nếu cứ nghĩ mình biết hết, bạn sẽ "tiêu", những gì bạn biết quá nhỏ bé so với tri thức khổng lồ của nhân loại.

Ngày xưa, tôi nghĩ Trời cho mình giọng hát hay là đủ, cả đời chỉ cần hát thôi. Suy nghĩ ngô nghê ấy giống như bạn hát hay thì không cần biết nấu ăn, lái xe vậy.

Tùng Dương của hôm nay học để biết nhiều hơn. Chúng rất đời thường, không hề cao siêu như bạn tưởng. Chẳng hạn, tôi thi lái xe đạt điểm tuyệt đối. Nó giúp tôi có thể tự lái xe đi thu âm hoặc đưa con đi học. Tôi làm nghệ thuật rất nét thì chăm con, làm việc nhà, làm giấy tờ,... cũng phải nét như vậy.

Nhờ không ngừng học và luôn tự chán mình, tôi đứng cạnh các nghệ sĩ lớn thêm thăng hoa lại không thấy lạc lõng khi đi cùng các bạn trẻ. Tôi không muốn trở thành kẻ thất bại do tụt hậu.

- Sau ngần ấy năm người ta bàn tán chuyện danh xưng divo, anh có còn tha thiết?

Danh xưng là sự ưu ái, tán thưởng và ghi nhận của công chúng. Tôi tâm niệm câu "Hữu xạ tự nhiên hương". Năng lực, sự cống hiến của bạn đến đâu, công chúng sẽ ghi nhận đến đấy.

Nếu bạn đã làm hết sức vẫn không được công nhận, có thể do năng lực của bạn chỉ đến đó. Không sao cả, vì bạn làm hết sức rồi.

Danh xưng có thì tốt, không thì nghệ sĩ vẫn cứ phải sáng tạo, nỗ lực. Hãy giữ tâm hồn làm nghệ thuật thật trong sáng, chinh phục nghệ thuật chứ đừng chinh phục danh xưng.

Nếu để mình mờ mắt vì hư vinh, bạn sẽ đánh mất sự sáng tạo đấy.  Tôi chưa từng nao núng khi ai đó gọi hoặc không gọi mình là divo. Tôi còn nhiều điều cần quan tâm hơn là danh xưng.

Khi tôi hát nhạc trẻ, liền có người nói tôi “là divo mà phá đền đài”. Xin lỗi, tôi vẫn là tôi. Thế hệ ông bà, bố mẹ các cháu gen Z vốn thích tôi, nay các cháu tiếp tục thích tôi thì sung sướng còn gì bằng?

- Những lo toan đời thường, áp lực nuôi dạy con, làm trụ cột gia đình,… có khiến anh bớt thăng hoa nghệ thuật?

Cuộc sống chính là vậy, con người chúng ta đều trải cuộc đời như vậy. Tôi luôn giữ cân bằng hai mặt cuộc sống của mình.

Người nghệ sĩ không thể sống xa rời nhân sinh. Nhưng nếu sống quá nhiều cho đời thường, rời xa sân khấu, cuộc sống xã hội sẽ giết chết phần nghệ sĩ trong bạn.

Với tôi, gia đình là động lực để tôi làm việc chăm chỉ, thêm say mê nghề. Thời gian bên con giúp tôi sạc năng lượng sau hàng giờ "hú hét" trên sân khấu.

Tôi có đến hai thế giới khác nhau. Càng đứng trong ánh sáng lộng lẫy của sân khấu, tôi càng thấm thía sự bình dị đời thường bên vợ con.

Người nghệ sĩ ngày xưa chân không chạm đất; chúng tôi hôm nay phải đi trên mặt đất thật vững chãi còn tâm hồn bay bổng theo mây trời.

- Bà xã đóng vai trò gì trong cuộc đời và sự nghiệp của anh?

Cô ấy rất thầm lặng, không muốn thể hiện bản thân ra bên ngoài. Tôi và người bạn đời có cùng cảm nhận về nghệ thuật, chia sẻ với nhau rất nhiều điều.

Người ta nói Tùng Dương khó tính, kỹ tính nhưng vợ tôi còn hơn như thế. Sống bên người phụ nữ chín chắn và quyết liệt như cô ấy, đôi lúc tôi cũng khó chịu nhưng tựu trung là cảm giác yên tâm. Người bạn đời của nghệ sĩ phải hiểu rõ và có ý thức vun đắp cho sự nghiệp của họ, cả hai mới có thể đi cùng nhau lâu bền.

Trong hơn 20 năm tôi hát, chúng tôi đã bên nhau ngót mười mấy năm, có quả ngọt tuyệt vời là bé Voi. Chúng tôi như bao cặp vợ chồng khác, trải qua rất nhiều cơn sóng lớn nhỏ. Đừng bao giờ đòi hỏi người bạn đời tốt khi bạn chưa đủ tốt. Hai chúng tôi vì nhau mà thay đổi tích cực, tăng cái tốt lên, bớt cái chưa tốt đi.

Cô ấy cũng đóng góp rất nhiều cho nghệ thuật của tôi. Hôm nào tôi hát chưa hay, cô ấy biết, nhắc nhở ngay đấy! "Đằng sau thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ" là như thế.

- Anh nói về nghệ thuật thao thao bất tuyệt nhưng nói về vợ lại có phần lúng túng, vì sao vậy?

Ồ, tôi phải rất cân nhắc từng câu chữ, nếu không cô ấy sẽ soi và góp ý: "Anh dùng từ này chưa chuẩn". (cười) Nói về người khác đã tế nhị, đằng này lại là người phụ nữ của mình chứ!

Như đã nói, vợ tôi rất kín đáo, hiếm khi xuất hiện trên mặt báo. Không bao giờ có chuyện chúng tôi chủ động lên báo cầm tay, hôn hít nhau. Ngay cả người nói hay như chị Mỹ Linh nếu phải nói về ông xã Anh Quân vẫn có chút ngập ngừng mà.

- Anh thay đổi nhiều quá, phải không?

Thỉnh thoảng nghe lại những Ô màu lập phương, Li ti, Độc đạo,... tôi thấy mình non dù ngày xưa từng rất tâm đắc. Tôi của khi ấy chưa đủ lão luyện nhưng nếu làm lại, tôi cũng không muốn thể hiện tinh thần như vậy nữa.

Tôi hát Li ti như một đứa trẻ nhìn cuộc đời từ trên cao, thấy ai cũng bé li ti, làm thế nào để bây giờ tôi vẫn ngây thơ, muốn khám phá cuộc đời như thế nữa? Bạn dễ dàng phản biện người khác bằng lý lẽ nhưng chưa chắc có thể tự phản biện chính mình.

Ai rồi cũng sẽ thay đổi, tôi cũng vậy. Bạn tốt hơn hay dở đi đều do chính môi trường bạn sống, những người bạn gặp, những gì bạn vun đắp cho mình.

Hai mươi năm nữa, tôi vẫn sẽ ăn mặc lộng lẫy, hát căng tràn năng lượng trên sân khấu nhưng sau đó nữa thì sao? Biết đâu, cơ thể tôi rệu rạo, răng rụng mất vài chiếc, đi đứng khó khăn,...

Lúc ấy Tùng Dương còn lại gì? Chắc chắn không thể là giọng hát "divo" như xưa mà là sự thâm trầm, tinh anh trong nghệ thuật; những sản phẩm để đời; những tư tưởng, thông điệp có giá trị, hữu ích, hướng con người đến chân - thiện - mỹ...

Ai chẳng sợ mình già? Nếu sợ, xin bạn hãy tận dụng từng giây phút thật ý nghĩa để khi già vẫn thú vị theo cách bạn muốn.

Bài: Gia Bảo

Thiết kế: Hoàng Cúc

MV 'Hope (Hi vọng)' - ca sĩ Tùng Dương

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/khi-gia-di-co-the-reu-rao-giong-divo-hao-mon-tung-duong-con-lai-gi-2052119.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/khi-gia-di-co-the-reu-rao-giong-divo-hao-mon-tung-duong-con-lai-gi-2052119.html
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khi già đi, cơ thể rệu rạo, giọng Divo hao mòn, Tùng Dương còn lại gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO