Cộng đồng doanh nghiệp chủ động
Hiện nay, ngành gỗ có khoảng 5.300 doanh nghiệp, sử dụng trên 700.000 lao động; ngoài ra còn có hàng vạn lao động ở trong các làng nghề gỗ trên phạm vi cả nước. Đây là nguồn lực quan trọng trong sản xuất, qua đó giúp cho ngành gỗ đạt mục tiêu xuất khẩu trên 15 tỷ USD năm 2021 và 20 tỷ USD vào năm 2025.
Thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID, nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) thay mặt cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ đề nghị Thủ tướng chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ được tiếp cận, đặt mua khoảng 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 từ nguồn kinh phí do các doanh nghiệp trong ngành đóng góp và từ các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác.
Chia sẻ về đề nghị trên, ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long cũng chia sẻ: “Xuất phát từ trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ chi phí về vaccine với Chính phủ. Đối với từng người dân, giá trị một liều vaccine không lớn, nhưng cả một nền kinh tế được mở cửa, thì đây là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp và cho toàn xã hội”.
Theo kế hoạch của ngành gỗ, lượng vaccine kể trên sẽ được ưu tiên cho các doanh nghiệp chế biến gỗ trong các khu công nghiệp, khu vực tập trung đông người lao động, đặc biệt là tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định, TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội là những địa phương có nhiều doanh nghiệp có quy mô lao động trên 1.000 người. Việc quản lý, sử dụng và tiêm phòng vaccine cho người lao động sẽ được thực hiện theo đúng quy định của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 và của các cơ quan chuyên môn.
Ngay sau ngành gỗ, các doanh nghiệp ngành dệt may cũng đề nghị ưu tiên cho doanh nghiệp mua vaccine COVID-19. Từ đề xuất của các doanh nghiệp, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine cho các doanh nghiệp đông lao động ở khu vực trung tâm dịch; ưu tiên cho các doanh nghiệp được mua vaccine tiêm phòng.
Không để COVD-19 ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh
Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản lũy kế 3 tháng đầu năm 2021 ước đạt 3,944 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ. Năm 2020, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu lâm sản của cả nước ước đạt trên 12,6 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2019, giá trị lâm sản xuất siêu đạt trên 10 tỷ USD - cao nhất từ trước đến nay, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Chính vì lẽ đó, sự chủ động đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh, duy trì tốc độ xuất khẩu của ngành đóng góp lớn vào nền kinh tế.
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết: Qua tham khảo một số thông tin sơ bộ, nếu một doanh nghiệp có 1.000 lao động, chỉ cần có 1 người nhiễm COVID-19 thì toàn bộ doanh nghiệp có thể phải dừng sản xuất ít nhất là 21 ngày, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Ở góc độ toàn ngành, nếu dịch bệnh COVID-19 lan rộng, cộng đồng doanh nghiệp gỗ sẽ đối mặt nguy cơ ngưng trệ sản xuất, vi phạm hợp đồng giao hàng, có doanh nghiệp có thể bị phá sản do đứt gãy chuỗi cung ứng và như vậy sẽ tác động tiêu cực cho cả nền kinh tế đất nước.
Kinh nghiệm của các doanh nghiệp qua các đợt dịch trước đó cho thấy, ở các thời điểm phải cách ly xã hội hoặc cách ly cục bộ, hàng trăm nghìn chuyến xe hàng, chuyến container, hàng loạt các dịch vụ phải đóng cửa, rất nhiều ngành trong nền kinh tế trì trệ, đồng nghĩa với thiệt hại của cả nền kinh tế là vô cùng lớn, so với chi phí tiêm vaccine.
“Nễu mỗi doanh nghiệp tự bỏ kinh phí ra mua vaccine tiêm phòng cho người lao động của mình thì chi phí này tính ra rẻ hơn rất nhiều lần so với thiệt hại mà COVID-19 gây ra. Ý thức được được đó, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ cam kết sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ, bằng cách tự đứng ra mua vaccine về phục vụ việc tiêm phòng cho cán bộ, công nhân của mình”, đại diện các doanh nghiệp ngành gỗ Đỗ Xuân Lập chia sẻ.
Trong bối cảnh bệnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đặt ra yêu cầu ngành cần thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống bệnh dịch COVID-19, vừa tiếp tục bứt phá trong năm 2021, đưa kim ngạch xuất khẩu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 14,5 tỷ USD trong năm 2021. Sự chủ động, không ngồi im trông chờ của các doanh nghiệp đang cho thấy những biện pháp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp để khắc phục khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh.