Một chàng trai trẻ tự lập làm người kết nối
Đó là một buổi trưa ở thành phố Boston, bang Massachusetts nước Mỹ, nơi mà ông Cảnh Trần, cựu cố vấn tuyển sinh Đại học Harvard và thành viên hội đồng nhân lực của Thủ tướng Việt Nam, mời nhiều chuyên gia Việt - Mỹ đến trao đổi chuyện cầu nối giáo dục giữa hai nước. Tôi vào bếp phụ chuẩn bị thức ăn cùng bà Hà Đặng, phu nhân của ông Cảnh. Hơi bất ngờ khi gặp một chàng trai trẻ đang lúi húi dọn chén dĩa. Đó là Duy, đang học lớp 12 trường… làng ở thành phố học thuật hàng đầu thế giới này.
Ngạc nhiên, vì mấy bạn trẻ ở tuổi này sang Mỹ thường không muốn phụ việc lặt vặt, cũng không thích những cuộc gặp gỡ hơi “già” so với các quan tâm của mình, và nhất là 18 tuổi “kiểu Mỹ” rồi thì có sự tự do tuyệt đối khỏi các hoạt động này. Duy cười: “Dạ ở đây phải tự lo nhiều thứ, phải lo cho một đứa em, chăm sóc một con chó và còn nhận trách nhiệm đi kết nối với bà con họ hàng gần xa sống ở nhiều nơi khác nhau ở Mỹ nữa…”.
Người ta hay nói, hai người phụ nữ và một con vịt thì thành cái chợ, nhưng hóa ra hai thằng con trai xa nhà giữa nước Mỹ rộng lớn, vừa rửa chén cũng có thể thành một cái… hội thảo về đời sống du học sinh và những góc nhìn khác nhau về việc ở nhờ nhà người thân, về chuyện đi làm thêm, về chuyện bạn gái và cả chuyện chính trị nước Mỹ.
Đó là chuyện Duy không bị ép thành “con nhà người ta” phải học siêu giỏi vô trường tốp này tốp nọ, miễn là trường có nhiều chỗ chơi thể thao và có nhiều cơ hội việc làm là được. Đó là chuyện cậu trai đang tuổi lớn tham gia đánh lộn bể đầu sứt trán với “mấy đứa kỳ thị nói tào lao về dân da vàng”, về đủ thứ những cám dỗ của xứ lạ, về chuyện quần áo từ Việt Nam đem qua bị coi là nhà quê, và về 1.001 thứ công việc muốn làm để kiếm tiền tiêu vặt vì sắp có bạn gái…
Nhưng ẩn trong tất cả câu chuyện của Duy, là hình ảnh của một người mẹ “rất Việt Nam”, kiểu mỗi ngày gọi điện kêu dậy đi học, hòa giải mỗi lần hai anh em cãi nhau, hay lo lắng vô cùng mỗi khi con bị chấn thương vì thể thao… “Mẹ nói hồi xưa mẹ nhà nghèo đông anh em, phải đi bán thuốc lá dạo vẫn đậu đại học đi làm ngân hàng quốc tế, giờ tụi em phải cố gắng chớ…”, Duy kể.
Đến bà mẹ “cùng con vượt sướng” nhờ chỉ số AQ cao
Tôi gặp mẹ của Duy, chị Đào Nhật Mai, ở Sài Gòn tại một hội thảo về chọn nghề khi đi học đại học do Công ty NEEC mà chị đang làm tổng giám đốc tổ chức. Khác với ông con trai có quá chừng huy chương bơi lội nên cao to vạm vỡ, chị Mai bé tẹo, đúng chuẩn báo chí ngày xưa hay tả về những cô bé vượt khó học giỏi: vừa gầy, vừa thấp, vừa đen… Nhưng đôi mắt sáng rất có thần và nụ cười hiền lành của chị Mai thì đúng chuẩn “người giàu nghị lực” chứ không có dáng dấp một giám đốc công ty chứng khoán lừng lẫy một thời…
Chị kêu “trời đất ơi” khi nghe nói chuyện “cô bé bán dạo đậu 3 trường đại học”. Chị nói, thời đó ai cũng nghèo mà, nhưng chắc nhà chị ba mẹ làm giáo viên mà có tới 5 đứa con nheo nhóc nên… nghèo hơn người ta chút xíu thôi. “Chút xíu” của chị, nếu quay ngược lại những năm đầu 1990, khi mà “kinh tế thị trường” còn là một khái niệm xa lạ, thì một gia đình giáo viên đông con từ Đà Lạt không đủ sống phải xuống bươn chải tìm kiếm cơ hội ở Sài Gòn, chắc không đơn giản.
Nhà tâm lý học Paul G. Stoltz (Mỹ) phát hành tác phẩm Adversity Quotient đưa ra chỉ số AQ có thể đo mức độ hoài bão, nỗ lực, sự sáng tạo, năng lượng, sức khỏe lý tính, xúc cảm và hạnh phúc của một người. Nó cũng chính là một chỉ báo về 4 mức độ cao thấp của bản lĩnh sống: thứ nhất, đối diện khó khăn; thứ hai, xoay chuyển cục diện; thứ ba, vượt lên nghịch cảnh và cuối cùng, tìm được lối ra. Thoạt nghe ai cũng cười vì nó giống cái sự AQ của Lỗ Tấn bên Trung Quốc quá, nhưng hóa ra chính cái chỉ số nghị lực này là một tố chất quan trọng của những người lãnh đạo. Sau này, các bên tuyển dụng thường nhìn vào đó mà “chấm người”.
Đào Nhật Mai khi 18 tuổi, vừa học bài thi, vừa học tiếng Anh, vừa bán thuốc lá dạo và đậu Đại học Kinh tế, Khoa Tài chính Ngân hàng, cùng 2 trường khác nữa. Chọn học ngân hàng, vì mỗi ngày cô bé đều đi ngang qua trụ sở Ngân hàng ACB, thấy tòa nhà đẹp quá, mọi người đi làm cũng mặc đồ đẹp quá. Vậy là Nhật Mai xin vào thực tập ở ACB, ngân hàng tư nhân sớm nhất tại Việt Nam, bắt đầu một chuỗi dài những công việc liên quan tới tài chính, giúp cô hoàn toàn đổi đời, bước chân vào thế giới của banker lộng lẫy…
Có lẽ điều quan trọng nhất mà một đứa trẻ nhà nghèo khác biệt với đứa trẻ nhà giàu, là sự trân trọng các cơ hội. Nhật Mai đi thực tập tại ACB, cảm thấy đó là một món quà lớn nên lúc nào cũng nỗ lực nhất, chịu cày nhất và đặc biệt là chịu học những cái mới nhất. Ít ai chú ý là lãnh đạo ACB cũng đồng thời là giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng rất đông, nên khi Bank of Tokyo, ngân hàng Nhật Bản có tổng tài sản lớn nhất thế giới ở thập niên 1990 đến mở chi nhánh tại Việt Nam, Nhật Mai được giới thiệu đầu tiên. Rồi đến Ngân hàng BTMU, Standard Chartered Bank… ai cũng tìm kiếm một ứng viên chăm chỉ, ham học và luôn mở lòng với những thách thức mới.
“Bà mẹ của 80 đứa con”
Tôi đến dự lễ ra trường - một nghi thức chia tay học sinh rời Việt Nam đi du học - của NEEC để tìm gặp lại chị Mai hòng nghe tiếp câu chuyện còn dang dở. Ở đó, các cô cậu học trò chuẩn bị tung cánh bay xa có vẻ chững chạc và già dặn hơn so với các bạn cùng trang lứa. Họ cười, họ khóc, họ tự hào và ai cũng bắt đầu bằng câu cám ơn chị Mai. Nhiều phụ huynh cười: “Đúng là bà mẹ của 80 đứa con”.
… “Thời gian đó, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu dè dặt mở cửa nhưng lại nhận được sự ủng hộ và tham gia của đông đảo người dân vì mức độ lợi nhuận quá lớn và yêu cầu hiểu biết đầu tư khá đơn giản. Đặc biệt, năm 2006, Tổng thống Bush sang Việt Nam ghé thăm và trao đổi với lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán thì thị trường chứng khoán Việt Nam thật sự bùng nổ. Cũng sợ cám dỗ, nhưng khó mà từ chối cơ hội hấp dẫn trước mắt, tôi chuyển sang làm việc ở SSI, công ty chứng khoán đầu tiên tại Việt Nam với lời rủ rê của người anh thân thiết và cũng là đồng nghiệp tại ngân hàng nước ngoài trước đây.
Thách thức lớn nhất là vừa phải quản lý hàng trăm nhân sự môi giới chứng khoán vốn vô cùng nhanh nhạy, lại vừa phải làm bạn với hai đứa con trai đang tuổi lớn. Tôi và chồng còn lập các phương án tài chính cho con đi du học với mong muốn con mình được hội nhập thế giới sớm hơn mình…” - chị Mai nhớ lại một đoạn đời vất vả mà rất vui của mình.
Rồi các con cũng đi học, bà mẹ thì cứ ở nhà lo lắng đủ thứ, nhưng chuẩn bị gì được cho con thì đã làm hết sức, chị Mai trở thành “nhà tư vấn du học” của hầu hết con em bạn bè, đồng nghiệp. Chọn ngành học nào, chọn trường nào, sống ở đâu, tiền bạc sinh hoạt phí ra sao… Lại là 1.001 chuyện lo lắng vì con người khác nữa. Và khi đứa con thứ ba ra đời, chị Mai nghĩ rằng tới lúc mình rời ngành tài chính để theo đuổi việc chăm lo cho tương lai của những bạn trẻ, vì thiếu một cơ hội được gặp các chuyên gia giỏi, các thầy cô xịn như con mình ngày trước mà mất đi sự tối ưu hóa cho tương lai.
“Tôi nhờ thầy Trần Đức Cảnh làm cố vấn cấp cao cho NEEC Education. Thầy hỏi một câu rất quan trọng: Nếu làm trong lĩnh vực du học, thì phải nghĩ tới một ngày con cháu chúng ta không phải đi du học nữa, vì mỗi ngày, mình phải góp một chút gì đó cho sự phát triển của giáo dục đào tạo trong nước. Tôi đồng ý ngay, hy vọng đứa con thứ ba còn nhỏ xíu của mình có dịp được học trong nước mà vẫn hội nhập toàn cầu được…”, chị Mai chia sẻ.