Khi cha mẹ không thể 'làm bạn cùng con'

Thủy Nguyên| 03/10/2022 16:34

Con cái càng lớn càng rời xa vòng tay cha mẹ - dường như đó đã thành quy luật tất yếu. Trẻ ít muốn chia sẻ và có xu hướng muốn thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ. Sự cách biệt khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày càng lớn. Rất nhiều cha mẹ than phiền muốn “làm bạn cùng con” nhưng… bất lực.

" Con không cần mẹ!"

Là mẹ của cô con gái 12 tuổi, chị Ngọc Hà (Q.5, TP.HCM) phải lên một nhóm kín để nhờ các cha mẹ chia sẻ về phương án để cứu vãn mối quan hệ mẹ con. Chị cho biết, vì làm mẹ đơn thân nên chị dồn hết tình yêu và tiền bạc cho con. Chị mải mê lao vào kiếm tiền để con được học trường Quốc tế, được du lịch, được đủ đầy không thua kém bạn bè.

Thế nhưng, con càng lớn lại càng xa cách mẹ. “Con mặc kệ tôi đau ốm, không một cử chỉ quan tâm chia sẻ. Có vẻ như con đã quen được mẹ đáp ứng và khi mẹ cần điều gì, nó không bao giờ nghĩ đến mẹ.”. Cũng theo chị Hà, mối quan hệ thêm phần căng thẳng khi con yêu một anh bạn lớp trên và nhắn tin qua lại. Khi mẹ phát hiện, dù ra sức trò chuyện tâm sự nhỏ to nhưng con chị vẫn mải mê vào mối quan hệ này, cãi nhau với mẹ và bỏ sang nhà bạn ở. Nhắn tin, gọi điện van xin con về, chị chỉ nhận được câu trả lời gọn lỏn: “Con không cần mẹ!”. Tim như thắt lại, chị Hà đau đớn lo sợ mất con. Chị lên kêu cứu cùng hội các cha mẹ khác đang có con bước vào giai đoạn tuổi dậy thì.

teenager-sad.jpg
Càng lớn, tâm sinh lý thay đổi càng dễ khiến con cái xa cách với cha mẹ.

Không phải chỉ chị Hà, rất nhiều bà mẹ cũng tâm sự con cái đang dần bước khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ. Bước vào giai đoạn dậy thì, tâm sinh lý thay đổi, trẻ dễ cởi mở tin tưởng và chia sẻ cùng bạn hơn là cha mẹ. Cũng không phải đến tận bây giờ con cái mới ít chia sẻ với cha mẹ, điều này đã xảy ra từ rất nhiều thế hệ trước đó. Ngày xưa, cha mẹ thường mang tính áp đặt: “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy!”. Con cái không có quyền được lắng nghe, chia sẻ. Ngày nay, cuộc sống thay đổi, đời sống tinh thần giữa cha mẹ và con cái được cải thiện nhiều do sự tiếp thu cởi mở từ chính các bậc cha mẹ. Trong rất nhiều gia đình, cha mẹ và con cái có thể thoải mái chia sẻ, tâm sự cùng nhau như những người bạn. Tuy nhiên, cũng trong không ít gia đình, mối quan hệ cha mẹ - con cái luôn căng thẳng vì cha mẹ muốn nghe nhưng con không nói, con muốn tâm sự nhưng cha mẹ lại chẳng đủ tinh tế để lắng nghe. Đồng hành để con tin tưởng, chia sẻ mọi vui buồn – với nhiều cha mẹ, đó là điều rất khó.

Vì sao con không muốn chia sẻ cùng cha mẹ?

- Cha mẹ đối xử với con không tôn trọng: Trong suốt quá trình nuôi dạy con, nếu cha mẹ thường áp đặt, ra mệnh lệnh sẽ khiến con sợ hãi và không muốn mở lòng cùng cha mẹ. Nhiều người vẫn quát mắng con: “Không được nghịch, không được phá đồ, không…” nhưng lại không hề giải thích. Khi trẻ nói lên mong muốn hay cảm nhận của mình, cha mẹ gạt phăng đi và không quan tâm đến cảm giác trẻ. Cảm thấy mình không được tôn trọng, ý kiến của mình không được lắng nghe, trẻ sẽ không muốn tâm sự cùng cha mẹ nữa.

woman-with-bullying-concept-picture-id929914974.jpg
Cách đối xử không tôn trọng con khiến trẻ không muốn gần gũi cùng cha mẹ.

- Cha mẹ đối xử với con thiếu bình đẳng: Cha mẹ hiếm khi hỏi ý kiến của con: “con ơi, chuyện này con nghĩ sao?” và lắng nghe trẻ. Nhiều người nói trẻ con thì biết gì và đánh giá thấp trẻ. Trẻ lại thấy khi nói chuyện với bạn, bạn rất tôn trọng mình. Con nhận ra một điều: bạn nói với mình mọi thứ chuyện trên đời, bạn tôn trọng mình. Mầm mống im lặng với cha mẹ đã bén rễ từ lúc con còn rất nhỏ, tầm 3 – 4 tuổi nhưng cha mẹ lại bỏ qua mất giai đoạn này.

- Cách nói chuyện áp đặt của cha mẹ: “Con nói thế là sai rồi. Sao lại thế? Ai cho phép con tự tiện thế hả? Mẹ cấm con chơi với bạn đấy! Những áp đặt của cha mẹ khiến trẻ thấy mình không có tác dụng, chỉ cha mẹ là người quyền lực và dùng chính quyền lực đó bạo hành, áp đặt trẻ. Đừng mong con sẽ gần gũi cha mẹ nếu cha mẹ thường xuyên sử dụng quyền lực trút lên bé.

9048-mom-girl-annoyed-gettyimagesprostock-studio.jpg
Nếu muốn con tin tưởng như một người bạn, hãy chia sẻ và tôn trọng con.

- Cha mẹ không biết giữ bí mật cho con: Khi con có lỗi, ‘cả thế giới’ biết hết và thi nhau châm chọc bé. Đây là điều tệ hại không tưởng tượng được, có những bé quá nhạy cảm đã tự tử! Người lớn chỉ nghĩ đơn giản rằng: “nói cho nó mắc cỡ để không tái phạm”. Nhưng ở địa vị của bé, hành vi đó là một sự bêu xấu, sỉ nhục. Trẻ sẽ không tin tưởng cha mẹ nữa. Vì vậy, nếu muốn đồng hành cùng con, cha mẹ nên tuyệt đối tránh xa sai lầm này.

Làm bạn cùng con

- Chia sẻ cùng con: Cha mẹ luôn muốn chia sẻ với con, chỉ có điều họ không biết phải làm sao. Sự gắn bó trong gia đình sẽ vô cùng lỏng lẻo nếu cha mẹ không dành thời gian trò chuyện cùng con. Trò chuyện, chia sẻ mỗi ngày giúp cha mẹ cung cấp cho con đầy đủ kỹ năng sống, cách ứng xử với từng tình huống, sự tin tưởng vào cha mẹ. Những bữa cơm, những câu chuyện trước khi ngủ, những tâm sự vui buồn – mỗi ngày, từng chút một, cha mẹ nên duy trì cùng con để tạo chất keo kết dính.

how-to-strengthen-parent-child-relationship.jpg
Dành thời gian cho con, tâm sự, chia sẻ và tạo không khí gắn kết cùng con.

- Tránh áp đặt, ra lệnh, mắng nhiếc con: Mỗi khi con mắc lỗi, thay vì trừng phạt hoặc la mắng, cha mẹ nên trao đổi nhẹ nhàng để con tin tưởng. Khi trẻ vấp ngỡ, được sự nâng đỡ bảo ban từ cha mẹ sẽ khiến trẻ vượt qua cảm giác chênh vênh, từ đó rút ra những bài học cho mình. Sự bao dung, gần gũi từ cha mẹ sẽ khiến con ấm lòng và là chỗ dựa tin cậy để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ hầu hết mọi vấn đề trong cuộc sống.

- Tạo không khí vui vẻ, cơ hội gắn kết: Những chuyến đi chơi riêng hẹn hò cùng nhau sẽ khiến trẻ và cha mẹ thêm phần gần gũi. Không cần phải tốn chi phí quá nhiều, có thể là chuyến đi chơi xa cũng có thể chỉ là cuối tuần đi loanh quanh thành phố. Điều quan trọng, bạn khiến trẻ thấy tin tưởng và ấm áp.

Bài liên quan
  • Đừng la hét với con trẻ
    Nhiều ông bố, bà mẹ dù đã ý thức không nên quát tháo, la hét khi dạy con nhưng vẫn không kiềm chế được bản thân. Sự tức giận khiến cha mẹ dễ có những lời nói và hành động thiếu kiểm soát làm tổn thương trẻ.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khi cha mẹ không thể 'làm bạn cùng con'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO