Thế giới của người trưởng thành thật chẳng dễ dàng, một số người sau khi trải qua nhiều chuyện dần hình thành thói quen ở một mình. Dẫu vậy, họ vẫn không hoàn toàn tách khỏi xã hội và càng sợ khi bị người khác cô lập.
Trang Tử là một triết gia thời Chiến Quốc, bậc thầy mưu trí nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Ông đã nghiên cứu rất nhiều về mối quan hệ cá nhân và để lại nhiều bài học quý giá cho hậu thế.
Nếu bạn cảm thấy bị cô lập bởi những người xung quanh, hãy đọc về câu chuyện “3 cái cây” của Trang Tử để biết mình nên làm gì.
1. Một cái cây vô dụng nhưng sống cuộc đời như ý muốn
Có một cái cây mọc ở nước Tề, tán lá to và rộng, được người dân rất yêu quý.
Một người thợ mộc nọ dẫn theo vài người học việc lên núi để đốn gỗ. Người thợ mộc thậm chí không thèm nhìn đến cái cây lớn, liền bỏ đi và nói với đệ tử: “Cây này cong queo, tuy cao nhưng vô dụng, không thể lấy gỗ được”.
Đêm đến, người thợ mộc mơ thấy cái cây nói rằng: “Chính vì thân ta cong queo nên không bị đốn hạ, ta được lớn lên như ý muốn, sống lâu, bóng râm che mát cả một vùng. Sao nhà người lại dám nói ta vô vụng”.
Cái cây này trong mắt thợ mộc rất vô dụng nhưng đối với người khác lại có nhiều lợi ích không ngờ.
Nếu đang bị cô lập, điều đó có nghĩa bạn không mang lại giá trị trong một nhóm nhất định, bạn bị người ta coi thường hết lần này tới lần khác.
Không sao đâu, chỉ là bạn chưa gặp đúng nhóm và chưa tìm được người cùng chí hướng mà thôi. Nếu rời khỏi nhóm này, bạn có thể tìm được nơi tỏa sáng đúng với giá trị con người mình.
Nếu bạn đang độc bước trên con đường đời, hãy lạc quan cho đó là cách được tự do sống cuộc đời mình muốn.
Nếu bạn là thiên nga mà lại sống chung với lũ vịt nhà, bạn sẽ là vịt con xấu xí và thường xuyên bị bắt nạt. Vì vậy, bạn cần chút dũng cảm rời bỏ nơi kìm hãm sự phát triển của mình, đi tới nơi tự do, thực sự sống như một con thiên nga. Đừng vội bi quan, chỉ cần không ngừng phát triển, bạn sẽ tỏa sáng.
2. Một cái cây cao, hãy tự xây đế chế của riêng mình
Khi Trang Tử được vua nước Ngụy triệu tập, nhà vua nói: “Nhà ngươi sao lại ăn mặc rách rưới vậy, cuộc sống khốn khổ quá hả”.
Trang Tử đáp: “Tôi chỉ nghèo chứ không khốn khổ. Bệ hạ, ngài đã bao giờ nhìn thấy những cái cây cao lớn như trinh nam, sồi… chưa? Những cây này thường có nhiều khỉ leo trèo nhưng bên dưới cũng có nhiều cây bụi sống dựa vào nó mà tránh gió mưa”.
Nếu là một người bình thường, họ dễ dàng hòa lẫn vào trong nhiều nhóm. Nếu là một người mạnh mẽ, xuất sắc, họ thường đơn độc không có ai bên cạnh.
Khi Trang Tử trở thành người có tài, cả vua nước Ngụy và Sở đều đề nghị ông làm quan. Với tư cách là Tể tướng nước Ngụy, Huệ Tử lo lắng Trang Tử tranh giành chức vị. Nhưng Trang Tử đã bác bỏ tất cả những điều này, khăng khăng muốn là chính mình.
Sau này, Trang Tử dạy học, viết sách và cuối cùng trở thành một bậc thầy vĩ đại.
Ngay cả nhà thơ Lý Bạch cũng phải nể phục trước tài năng của Trang Tử. Trên thực tế, khi Lý Bạch còn trẻ, ông rất hòa đồng, nhờ cậy khắp nơi với hy vọng có thể được một chức quan.
Tuy nhiên, những bài thơ ông viết lại bị một số người nổi tiếng coi thường. Sau đó, ông được tiến cử và có cơ hội được thưởng rượu với Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi, viết ra được nhiều bài thơ hay.
Tuy nhiên, sự ưu ái này khiến nhiều người đem lòng ghen ghét. Sau khi bị cô lập, ông rời Trường An du ngoạn núi sông, viết vô số bài thơ và trở thành một nhà thơ nổi tiếng.
Khi bạn đủ năng lực và mạnh mẽ, việc bị cô lập cũng không sao. Nếu bạn là cây tiêu huyền, nhất định có ngày phượng hoàng sẽ bay tới đậu. Mọi việc trên đời này đều có sự đánh đổi, khi bạn chịu được nỗi cô đơn và lấy nó làm bàn đạp để tự phát triển, một lúc nào đó bạn sẽ tỏa sáng.
3. Một cái cây khô, hãy đẽo nó thành một chiếc bình
Trang Tử kể, trong một lần bị mắc kẹt giữa nước Trần và nước Thái, Khổng Tử không ăn gì trong 7 ngày.
Lúc này, ông nhặt những cây khô làm thành nhạc cụ, hát những bài hát quê hương mình. Tiếng hát tuy không có giai điệu cố định nhưng tiếng gõ và tiếng hát thể hiện nội tâm rõ ràng của ông.
Cây cối khô héo thường bị xem như thứ vứt đi, chỉ đáng để nhóm bếp. Thế nhưng, trong con mắt của người thợ lành nghề, một cái cây khô, một miếng gỗ mục cũng có thể trở thành một món đồ thủ công, giống như nhạc cụ trong tay Khổng Tử.
Hãy nhìn những cây đàn guitar, đàn tranh, đàn nhị... cột, cửa ra vào, cửa sổ chẳng phải đều làm bằng gỗ hay sao?
Khi bạn bị cô lập, sẽ có một khoảng thời gian đau đớn, không sao cả, đó chính là quá trình “khắc, đẽo”. Tất cả nỗi đau sẽ khiến bạn được tái sinh và trở thành một hình dáng mới. Nếu luôn được mọi người chiều chuộng, bạn sẽ trở thành cây trong nhà kính.
Cây cối mục nát, bốc mùi hôi thối, khiến người ta xa lánh nhưng nó sẽ trở thành chất dinh dưỡng để một ngày nào đó hoa nở đơm trái ngọt.
Càng cô lập, bạn càng phải hoàn thiện bản thân. Nói cách khác, hãy tận dụng tối đa điểm mạnh của mình và phát triển nó. Theo thời gian, bạn sẽ trở thành nhân tài trong một lĩnh vực nào đó.
Tóm lại, khi bạn bị cô lập, phản ứng của bạn với cuộc đời như thế nào sẽ quyết định tương lai của bạn ra sao. Nếu bạn cố chấp sẽ trở nên vô dụng cho tới khi già đi. Nếu bạn nỗ lực hết mình, bạn sẽ mạnh mẽ và có sân khấu cho riêng mình.