Điều gì đã khiến các luật sư, tiến sỹ luật, hay vừa là luật sư vừa là nhà báo, có người từng là chủ nhiệm đoàn luật sư một tỉnh, lại có thể không biết mình đã vi phạm pháp luật, hơn nữa còn “ngây thơ” khi phát ngôn và viết những “status” mang tính chửi bới, xúc phạm người khác trên mạng xã hội?
3 tiến sỹ luật, luật sư cùng bị khởi tố
Mở rộng điều tra vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” do bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm thực hiện, ngày 24/2, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam ông Đặng Anh Quân (SN 1978; chỗ ở hiện nay là xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Đáng nói, ông Đặng Anh Quân đang là tiến sỹ luật, một giảng viên của Trường Đại học Luật TP.HCM. Cơ quan điều tra xác định trong các buổi livestream này, ông Quân đã phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với bà Phương Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân.
Hành vi của ông Quân là giúp sức tích cực cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội liên tục, nhiều lần trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm phức tạp tình hình trên không gian mạng, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
Trước đó, ông Quân đã bị bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sỹ Vy Oanh) và bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo, luật sư Hàn Ni) tố giác về hành vi làm nhục người khác, vu khống và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trong đơn, ca sỹ Vy Oanh cho rằng ông Quân được biết đến với vai trò là “cố vấn pháp lý” cho bà Hằng tại các buổi livestream, nhưng trong các buổi livestream tham gia cùng bà Hằng, ông Quân đã suy diễn dựa trên những thông tin chưa được xác thực, kiểm chứng mà bà Phương Hằng đưa ra; vu khống, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của ca sỹ này.
Phần lớn thời gian ông Quân tham gia cùng bà Hằng để phụ họa, tạo điều kiện thuận lợi về mặt tinh thần, cũng như giúp sức, củng cố cho quan điểm sai trái của bà Phương Hằng.
Bà Hàn Ni cũng cho rằng sự xuất hiện thường xuyên, liên tục của ông Quân - với danh vị tiến sỹ luật, giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM trong các buổi bà Hằng livestream là một cách để củng cố, ủng hộ, cố vấn pháp luật và làm tăng độ tin cậy cho bà Phương Hằng.
Vụ việc đã khiến dư luận hết sức ngạc nhiên, vì sao một tiến sỹ luật, một giảng viên đại học giảng dạy về luật pháp, không có xích mích, liên quan gì với các đối tượng bị bà Phương Hằng livestream chửi bới, vu khống, nhục mạ vô căn cứ, lại tham gia là cố vấn pháp luật, ủng hộ cho bà Phương Hằng một cách tích cực như vậy.
Thậm chí, khi bà Hằng đến “thăm nhà” gây hấn với những người có mâu thuẫn với mình, dẫn đến tập trung nhiều người, gây mất an ninh trật tự ở nhiều địa phương, ông Quân vẫn ủng hộ bà Phương Hằng.
Điều đáng nói, sau đó chính nhà báo, luật sư Đặng Thị Hàn Ni (SN 1977; ngụ phường Tân Thuận Đông, quận 7) và Luật sư Trần Văn Sỹ (SN 1957; ngụ phường 27, quận Bình Thạnh) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi tương tự ông Quân.
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, riêng với ông Sỹ đã bị Cơ quan CSĐT bắt giữ khi đang ở trong một căn hộ chung cư tại tỉnh Khánh Hòa và sau đó được lực lượng chức năng di lý về TP.HCM ngay trong đêm để phục vụ công tác điều tra.
Nghiện quyền lực ảo dễ lĩnh tù thật
Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM đã tiếp nhận, thụ lý xác minh tố giác của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng tố cáo bà Hàn Ni và ông Sỹ đã đăng tải các đoạn ghi hình với nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của ông Dũng, bà Hằng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần Đại Nam và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.
Quá trình điều tra, xác minh, cơ quan công an xác định bà Hàn Ni và ông Sỹ đã cố ý đăng tải nhiều đoạn ghi hình trên kênh Youtube, với các nội dung chưa được kiểm chứng, những thông tin thuộc bí mật cá nhân, gia đình và đời sống riêng tư. Các nội dung đăng tải trên đã thu hút hàng chục ngàn lượt xem và bình luận; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây hoang mang trong nhân dân, xâm phạm quyền cơ bản của công dân.
Ông Sỹ nguyên là Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long. Năm 2008, ông Sỹ bị xóa tên khỏi danh sách Đoàn luật sư tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh Vĩnh Long lại ra quyết định đình chỉ quyết định nói trên.
Ông Sỹ được cho đã dùng kênh Youtube “LS Trần Văn Sỹ” với hơn 124.000 người theo dõi để tham gia vào vụ việc. Trên kênh Youtube cá nhân của mình, ông Sỹ thường xuyên chia sẻ nhiều thông tin vụ việc liên quan đến vợ chồng bà Hằng và Công ty Cổ phần Đại Nam…
Trước thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam chỉ 1 ngày, vào ngày 23/2, ông Sỹ còn đăng tải lên kênh Youtube của mình một video có thời lượng hơn 38 phút chia sẻ ý kiến cá nhân về việc giám định tâm thần đối với bà Hằng và suy diễn về những tình tiết xung đột có liên quan.
Cũng cần nói trước đó, bà Hàn Ni từng được xác định là bị hại trong vụ án mà bà Phương Hằng là bị can. Theo đó, vào khoảng tháng 9/2021, bà Hàn Ni “bỗng dưng” vướng vào lùm xùm với bà Phương Hằng. Bà Hàn Ni thường xuyên bị bà Hằng “gọi tên” trong các livestream triệu view của bà, trong đó bà Hằng đã mổ xẻ đời tư cá nhân của bà Hàn Ni và thậm chí còn tổ chức livestream, lôi kéo nhiều người đến cơ quan và nơi ở của bà này, gây ồn ào suốt một thời gian.
Sau đó, bà Hàn Ni đã làm đơn tố giác bà Hằng có hành vi, lời nói vu khống, làm nhục và lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của bà. Đồng thời, bà Hàn Ni cũng sử dụng mạng xã hội, Youtube để đăng tải một số nội dung thông tin, video liên quan đến cá nhân bà Hằng cùng Quỹ từ thiện Hằng Hữu.
Ngược lại, bà Hằng cũng nhiều lần gửi đơn tố giác bà Hàn Ni xúc phạm, vu khống, xâm phạm lợi ích hợp pháp của bà, của Công ty Cổ phần Đại Nam và chống phá Quỹ từ thiện Hằng Hữu...
Ngày 24/3/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam bà Hằng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Và trong vụ án này, bà Hàn Ni được xác định là 1 trong 9 bị hại.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm kể từ khi bà Hằng bị bắt, ngày 24/2/2023, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam bà Hàn Ni cùng về tội danh như của bà Hằng. Trớ trêu là trong vụ án này, bà Hằng lại được xác định là bị hại.
Như vậy, vấn đề đặt ra là việc bị can Phương Hằng và bị can Hàn Ni có sự hoán đổi tư cách tố tụng từ bị hại thành bị can và ngược lại có xảy ra mâu thuẫn, xung đột hay không?
Theo Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM), đây là hai vụ án độc lập nhau, không mâu thuẫn nhau và trong một vụ án hình sự thì một người có thể tham gia vụ án với nhiều tư cách tố tụng khác nhau, có thể vừa là bị hại, vừa là bị can.
Bộ luật Tố tụng hình sự cũng không có quy định cấm về việc này. Trên thực tế, chuyện một người vừa là bị hại, vừa là bị cáo không phải là hy hữu.
Luật sư Trần Minh Cường cho rằng pháp luật không cho phép th ực hiện một hành vi trái pháp luật để chống lại một hành vi trái pháp luật khác. Đối với hành vi “chửi qua mắng lại” trên mạng xã hội như bà Phương Hằng và bà Hàn Ni thì rất dễ dẫn đến tình trạng mình là bị hại nhưng hành vi của mình cũng xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác.
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng qua vụ việc này, một vấn đề dễ nhận thấy là nhiều Facebooker, Youtuber có số lượng fan lớn, ngộ nhận mình có “quyền lực”, nên thường dùng trang cá nhân để tấn công, phán xét người khác.
Với các fan, như mặc nhiên thần tượng của mình nói gì cũng đúng, họ a dua vào làm cho sức lan tỏa “quyền lực” của các hot Facebooker, Youtuber càng mạnh. Các hot Facebooker, Youtuber “nghiện ngập” mạng xã hội lúc nào không hay, nhiều người không thể bước chân ra được. Nghiện mạng xã hội thì có thể cai được, nhưng khi đã bị nghiện “quyền lực ảo” trên mạng thì nguy hiểm vô cùng.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng nhấn mạnh, có một điều ít ai để ý, ranh giới giữa tội và không tội trong các “status” là rất mong manh. Tuyệt nhiên chỉ cần nhắc tên vào một tổ chức, cá nhân cụ thể nào đó, với lời lẽ quy chụp thiếu căn cứ, gây thiệt hại đến quyền lợi vật chất hoặc tinh thần của họ là có thể bị dính vòng lao lý bất cứ lúc nào…
“Nghiện mạng xã hội, nghiện quyền lực ảo trên đó, đích đến là rất xấu. Nếu đang là bạn, hãy dừng lại!”, luật sư Nguyễn Kiều Hưng khuyến cáo.