Mùa kịch tết từ lâu nay là thời điểm các sân khấu chọn ra mắt hàng loạt các vở diễn mới để từ đó diễn lai rai quanh năm, bên cạnh đó, mùa này còn là luôn là mùa doanh thu chính trong năm của sân khấu kịch Sài Gòn.
Chuyện của bà bầu sân khấu nhỏ 5B
Cuối năm, khán phòng nhà hát kịch Sân khấu nhỏ lại sáng đèn rất khuya. Các nghệ sĩ ở đây đang ráo riết dựng tập, trau chuốt vở diễn mới nhất cho mùa tết là một vở diễn hài mang tên Sướng lắm xuân. Đây cũng là tác phẩm đánh dấu sự tái ngộ khán giả của sân khấu nhỏ, khi Sướng lắm xuân được diễn ngay mùng 1 Tết. Các kịch bản hài thành công ở Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ như Tin thì linh, không tin cũng lin, Đẹp lắm nha, Chùm hài kịch ngắn…cũng được tập lại để sáng đèn trong dịp Tết này!
Trong các loại hình nghệ thuật, có lẽ sân khấu kịch là một trong những lĩnh vực hứng chịu nặng nề nhất ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, sân khấu kịch Sài Gòn, không hổ danh là nơi có sân khấu kịch năng động nhất cả nước, vẫn miệt mài bằng nhiều cách để có thể duy trì sàn diễn sáng đèn. Và cái cách Giám đốc nhà hát sân khấu nhỏ NSUT Mỹ Uyên đầu tư vở mới Sướng lắm xuân cũng là minh họa cho việc này.
Mỹ Uyên tâm sự: “Đã là thông lệ, dù thế nào, đầu năm mới giới sân khấu đều phải làm kịch tết. đây là món ăn tinh thần quen thuộc đầu năm cho khán giả ra rạp xem kịch. Nên sân khấu kịch 5B cũng ráng gồng gánh để có được một vở mới đón tết!
Sân khấu kịch vốn đã quá nhiều khó khăn, sáng đèn được trong thời điểm này thì thật là khó. Suốt 2 năm 2020, 2021, mỗi lần chúng tôi làm vở mới, diễn không được bao nhiêu ngày, thậm chí có vở vài xuất đã phải cất kho vì đại dịch, khiến anh chị em bầu sô cũng nản lắm. Tết năm nay tôi cũng muốn nghỉ ngơi, nhưng anh chị em nghệ sĩ tâm sự nhớ ánh đèn sân khấu, khao khát được diễn sau những ngày giãn cách, nên cũng phải cố gắng để sân khấu sáng đèn. Niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ khi được trở lại sàn diễn, vì thế được nhân lên nhiều hơn.
Mà muốn làm vở mới thì phải có tiền. Bây giờ phải ra vở mới, quy tụ diễn viên, tìm kịch bản, tập tuồng, rất nhiều chuyện để phải lo trang trải và trong lần ra quân đợt này. Làm bầu, phải đứng mũi chịu sào, gồng gánh cái nghiệp yêu nghề của mình thôi! Tôi không muốn than nữa mà cũng phải than, phải tìm cách vay thêm ngân hàng mới có tiền thực hiện vở”.
Đây không phải là lần đầu tiên NSUT Mỹ Uyên vay ngân hàng để làm kịch. Nhưng cái sự yêu nghề đến mức thành nghiệp ấy đã khiến Huỳnh Anh Tuấn, phụ trách sân khấu Idecaf, một bầu sô đồng nghiệp với Mỹ Uyên cũng đã phải thốt lên: “ Sao Mỹ Uyên gan và liều quá vậy, đầu tư ra vở mới hoài làm gì trong tình hình sân khấu như thế này!”.
Mỹ Uyên cười, suốt từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, những khó khăn đã khiến các thành viên của nhà hát kịch Sân khấu nhỏ hun đúc thành câu nói như một slogan tâm huyết của họ: “Khó trăm bề, không bỏ nghề”.
Hồi hộp gặp lại khán giả
Đạo diễn, NSUT Hữu Quốc tâm sự: “ Với nghệ sĩ, diễn tết còn là chuyện tâm linh. Những ngày đầu năm được lên sân khấu, được khóc cười với nhân vật, thì cả năm nghiệp diễn mới mong hanh thông, ông Tổ nghề mới đãi mình! Mà nếu không tâm linh, thì cũng đâu có nghê sĩ sân khấu nào muốn năm mới mà mình phải nằm nhà đâu! Diễn kịch tết là gieo yêu thương và hy vọng về một năm mới lạc quan tin yêu cho khán giả và chính mình”.
Ông bầu Ngọc Hùng của sân khấu kịch Thế giới Trẻ cho biết: “Đây là năm mà sân khấu không có “kịch Tết” rộn ràng như mọi khi, không có không khí chộn rộn chạy đua với thời gian để kịp làm kịch tết. Lịch diễn Tết của sân khấu là những vở kịch cũ, là những vở diễn được khán giả yêu thích, bán vé được. Nếu như mọi năm sân khấu diễn một ngày 3 suất thì năm nay chỉ còn 2 suất để “thăm dò” khán giả, sợ mọi người vẫn còn tâm lý e ngại, sợ đến những chốn đông người.”
Cũng vì được biểu diễn trở lại trong thời gian khá eo hẹp, khi Tết đã gần kề nên các sân khấu trở tay không kịp. Đây cũng là năm mà sân khấu kịch TPHCM ít có vở diễn mới nhất từ trước đến nay. Ngoài nhà hát kịch Sân khấu nhỏ ra thì chỉ có sân khấu thế giới Trẻ là có vở mới Bật công tắc là yêu.
Kịch mục tết Nhâm Dần chủ yếu là diễn lại các vở kịch đã chuẩn bị từ năm trước. Trong đó, Sân khấu Hồng Vân là vở Thân sâu hồn bướm, Ngôi nhà trên thuyền, Điềm báo, Ngã rẽ..., sân khấu Hoàng Thái Thanh diễn các vở Chờ thêm chút nữa, Nửa đời ngơ ngác, Sài Gòn có một ngã tư, Bao giờ sông cạn, Bạch Hải Đường... Màu kịch chung của sân khâu kịch Tết là những câu chuyện tình yêu thân phận và đời sống được kể lại bằng những màu sắc và mảng miếng hài ý nhị, quen thuộc. Cũng là gu thưởng thức quen của khán giả đầu năm khi đến sân khấu xem kịch.
Nhưng đứng trước ẩn số doanh thu mùa kịch tết, giới làm sân khấu cũng hồi hộp, như nghệ sĩ Thành Hội cho biết: “Phải thừa nhận một điều rằng sân khấu kịch đang ngày mất khán giả nhiều hơn. Nhất là sau các đợt giãn cách, khán giả dần mất thói quen đi xem kịch nhiều hơn”. Cho nên sát tết, ông bầu sân khấu kịch ăn khách nhất Sài Gòn là Idecaf mới dám thở phào khi các suất diễn tái ngộ khán giả trong dịp cận tết của Cậu đồng, Ngũ quý kỳ phùng…đã đông kín khán giả.
Cũng mong là các sân khấu khác cũng sẽ có những cái thở phào nhẹ nhõm như thế!