Tại hội nghị, TS.BS Phạm Văn Tác – Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo Bộ Y tế Việt Nam chia sẻ điều dưỡnglà nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân.
"Chính phủ, Bộ Y tế cũng có nhiều đổi mới trong giáo dục điều dưỡng. Chúng ta sẽ tăng cường thực hành điều dưỡng tốt hơn, hướng mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, tạo mọi điều kiện để người điều dưỡng phát huy hết vai trò của bản thân mình. Việt Nam đã ký kết với ASEAN việc thừa nhận lẫn nhau trong hành nghề điều dưỡng từ năm 2016 và chúng tôi cam kết sẽ thực hiện những vấn đề này trong thời gian tới”, TS Tác cho biết.
Ông Tác cũng nhấn mạnh cần đặc biệt chú trọng tới xây dựng các cơ chế phối hợp hiệu quả, bền vững để thúc đẩy phát triển ngành điều dưỡng toàn cầu; cần có cơ chế để tăng cường sự phối hợp với các bác sĩ, cán bộ y tế khác để hoàn thành sứ mệnh chăm sóc sức khỏe người dân.
Về thiếu hụt nguồn nhân lực và cơ hội việc làm, GS.TS.BS Phạm Văn Lình - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng nêu thực tế: Hiện nay nguồn nhân lực của ngành điều dưỡng ngày càng thiếu hụt, đặc biệt là sau thời gian dịch bệnh COVID-19 vừa qua.
Mỗi năm, nhà trường nhận được hàng trăm "đơn đặt hàng" và thư tuyển dụng của các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám công lập và tư nhân về cung ứng nguồn nhân lực y tế chuyên môn điều dưỡng. Trước thực tại đó, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh đào tạo về các khối ngành Sức khỏe trong đó có Khoa Điều dưỡng, giúp cung ứng nguồn nhân lực cho nền y tế nước nhà và các nước trong khu vực, vươn tới năng lực điều dưỡng ở các nước tiên tiến.
Theo các chuyên gia, trong hai năm vừa qua, dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguồn lực về y tế, sự quá tải của hệ thống chăm sóc sức khỏe và thiếu hụt nhân lực điều dưỡng đã đến mức đáng báo động. Từ đó, cơ hội nghề nghiệp cho người học chọn ngành điều dưỡng cũng tốt hơn.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam cần phải tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, chăm sóc viên, bởi vì nhiều khả năng đến năm 2030 nguồn nhân lực điều dưỡng trong nước sẽ thiếu khoảng hơn 50.000 người.