Khẩn trương xử lý vấn đề tại dự án BOT Cai Lậy sau 4 năm thu phí bất thành

Châu Như Quỳnh| 17/01/2022 07:20

Bộ GTVT yêu cầu khẩn trương thống nhất phương án tổ chức giao thông với UBND tỉnh Tiền Giang, đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian hoàn thiện xây dựng trạm thu phí và khu vực trạm thu phí mới.

Nội dung trên được nêu trong văn bản Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan. Bộ này chỉ đạo đơn vị trực thuộc sớm hoàn thành các điều kiện thực hiện việc thu phí tại dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) trên tuyến.

Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh quốc lộ 1 (QL) và tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10/6/2017. Dự án có tổng chiều dài khoảng hơn 38 km, trong đó chiều dài phần tuyến tránh QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy là hơn 12 km và chiều dài phần tuyến QL1 cũ là hơn 26 km.

Từ ngày 1/8/2017, dự án bắt đầu tổ chức thu phí hoàn vốn. Tuy nhiên, trong quá trình thu phí xuất hiện nhiều phương tiện, đối tượng gây rối làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và gây ùn tắc kéo dài dẫn đến dự án BOT phải tạm dừng thu phí theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 4/12/2017 cho đến nay.

Khẩn trương xử lý vấn đề tại dự án BOT Cai Lậy sau 4 năm thu phí bất thành - 1

Trạm BOT Cai Lậy sau 4 năm vẫn chưa thể thu phí (Ảnh: Hải Hành).

Theo văn bản chỉ đạo mới nhất của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam với trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện những nhiệm vụ quy định trong Thông tư 50/2018 của Bộ GTVT và hợp đồng dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh QL1 qua thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+500 - Km2014 tỉnh Tiền Giang theo hình thức BOT chỉ đạo doanh nghiệp dự án khẩn trương hoàn thành trách nhiệm đã cam kết trong hợp đồng.

Bộ GTVT nhấn mạnh, trường hợp doanh nghiệp dự án không thực hiện những nội dung thuộc trách nhiệm của mình, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm đôn đốc, xử lý theo thẩm quyền. Trước mắt, Tổng cục Đường bộ khẩn trương thống nhất phương án tổ chức giao thông với UBND tỉnh Tiền Giang để đảm bảo ATGT trong thời gian hoàn thiện xây dựng trạm thu phí và sửa chữa mặt đường khu vực trạm thu phí mới, đảm bảo êm thuận, an toàn cho người dân và các phương tiện lưu thông trên tuyến.

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc Ban Quản lý dự án 8, doanh nghiệp dự án và nhà đầu tư dự án BOT khẩn trương hoàn thành xây dựng trạm thu phí mới theo tiến độ hợp đồng đã ký; khắc phục, sửa chữa ngay các hư hỏng mặt đường thuộc phạm vi dự án; chịu trách nhiệm thực hiện công tác đảm bảo ATGT trong quá trình thi công, đảm bảo chất lượng công trình xây dựng.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã đề xuất Bộ GTVT 2 phương án thực hiện công tác quản lý bảo trì và đảm bảo ATGT thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1 và tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy theo hình thức hợp đồng BOT trong thời gian đang tạm dừng thu phí.

Phương án 1: Tạm thời thu hồi toàn bộ các đoạn tuyến thuộc dự án BOT này và giao cho Cục Quản lý đường bộ IV tổ chức khai thác, quản lý, bảo trì nhằm đảm bảo lưu thông thông suốt, êm thuận và an toàn. Cục Quản lý đường bộ IV sẽ bàn giao lại toàn bộ các đoạn tuyến thuộc dự án BOT cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi dự án BOT đủ điều kiện được thu phí trở lại.

Phương án 2: Báo cáo Chính phủ chấp thuận để Bộ GTVT thực hiện các thủ tục thanh lý hợp đồng BOT với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; thu hồi lại toàn bộ dự án BOT để Nhà nước tổ chức quản lý, khai thác.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/xa-hoi/khan-truong-xu-ly-van-de-tai-du-an-bot-cai-lay-sau-4-nam-thu-phi-bat-thanh-20220117004525275.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/xa-hoi/khan-truong-xu-ly-van-de-tai-du-an-bot-cai-lay-sau-4-nam-thu-phi-bat-thanh-20220117004525275.htm
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương xử lý vấn đề tại dự án BOT Cai Lậy sau 4 năm thu phí bất thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO