Khán giả đã chán giải cứu phim Việt

20/11/2022 14:30

Thất bại thảm hại ở phòng vé của nhiều phim Việt thời gian gần đây được lý giải là do khán giả đã trở nên thận trọng và chán công việc giải cứu phim khi liên tiếp được chiêu đãi toàn món dở.

phim1-6073.jpeg
Tạo hình ngô nghê của Virus cuồng loạn khiến khán giả phát chán.

Khán giả quay lưng

Theo số liệu từ Box Office, đơn vị quan sát vé độc lập: bộ phim ra rạp gần đây nhất là Virus cuồng loạn (công chiếu 4/11) thì ngay trong tuần đầu tiên, doanh thu chỉ đạt 90 triệu đồng, bằng 1/100 so với kinh phí sản xuất lên đến gần 8 tỷ. Đây được coi là một trong những phim có mở màn thấp nhất trong lịch sử, vì thông thường dù được xếp hạng “rất thấp” thì các phim trung bình vẫn vượt qua cột mốc trăm triệu. Sang tuần thứ hai, tình hình còn tệ hơn, tỷ lệ người đến rạp xem Virus cuồng loạn tụt theo chiều thẳng đứng, doanh thu chỉ còn 13,44 triệu.

Virus cuồng loạn là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Nguyễn Ngọc Nhất Duy, con trai của diễn viên Công Hậu. Phim kể về đoàn phim đang quay một bộ phim về zombie tại một khu nghỉ dưỡng trên núi thì gặp nạn zombie thật, xuất phát từ thực phẩm độc hại, không rõ nguồn gốc. Đoàn phim đã phải đấu tranh để sống sót và tìm đường đến sân bay để tìm sự trợ giúp từ chính phủ và quân đội.

Ra khỏi rạp, nhóm bạn cùng đi xem Virus cuồng loạn với tôi bảo nhau, nhất định phải đi ăn cái gì “thật bổ” để bù lại cú sang chấn tâm lý do bộ phim này mang lại. Một cô gái trẻ bình luận: “dở được đến thế kể cũng là phi thường”.

Mặc dù trước đó nghe khá nhiều thông tin đòi “phong sát” bộ phim, chúng tôi vẫn cố gắng đến rạp để xem thực tế “có dở như thế không”. Kết quả chỉ mang về nỗi tiếc nuối thời gian vì rằng đã cố gắng ngồi lại đến phút cuối.

“Bạn chỉ cần biết rằng đây là đồ án tốt nghiệp xong tự nhiên đem đi chiếu rạp. Không có bất cứ tính từ nào có thể miêu tả độ kinh khủng của bộ phim này. 1 tiếng 13 phút của phim có thể khiến bạn muốn tái phát bệnh trầm cảm. Nó không có bất kỳ giá trị nghệ thuật, giải trí hay thậm chí là cả giá trị cho rạp chiếu”. Khán giả Hồ Minh bình luận.

“Sau khi xem phim thì mình nghĩ mình nợ Cù lao xác sống một lời xin lỗi. Vì đấy còn là một bộ phim, có chút ít nội dung và tình tiết. Còn Virus cuồng loạn nó loạn thật sự. Nội dung phim ngờ nghệch, tình tiết thì hời hợt và chắp vá không một chút sáng tạo... Diễn viên thì đơ cứng, không cảm xúc. Không thể phân biệt được là đang diễn hay đang cầm kịch bản đọc”. Khán giả Đồng Anh cảm thán.

Cùng với Virus cuồng loạn, Cù lao xác sống chính là chị em thất lạc của nó trong đề tài zombie và trong phân khúc phim dở. Cù lao xác sống ra rạp trước, và mặc dù được giới thiệu là phim đầu tiên khai thác đề tài xác sống của Việt Nam được cấp phép phát hành tại rạp, Cù lao xác sống vẫn hứng chịu sự phẫn nộ của khán giả vì chất lượng phim “còn xa mới chạm ngưỡng trung bình”.

Doanh thu của Cù lao xác sống không khó đoán, nó chỉ dừng ở con số 12 tỷ - giúp kéo dài thêm danh sách “lỗ nặng” của phim Việt.

anh1-7510.jpg

“Từ nay không giải cứu, chúng tôi chỉ mua vé phim hay”

Đây là tuyên bố của một fan cứng điện ảnh, và lập tức nó trở thành nội dung được lan truyền rộng rãi trong suốt mấy tuần qua trên các diễn đàn phim.

Nhiều người am hiểu và yêu thích điện ảnh đã thốt lên “phim Việt đang đến kỳ báo động về chất lượng”. Có người dẫn lại nhận xét của Quentin Tarantino rằng: Kỷ nguyên hiện tại là kỷ nguyên tệ nhất lịch sử Hollywood, có điều họ thay Hollywood bằng Vinawood.

Chỉ tính riêng từ tháng 7 đến nay, trừ Cô gái từ quá khứ là có doanh thu khả quan, còn lại, 8 bộ phim khác bao gồm: Kẻ đào mồ, Là mây trên bầu trời của ai đó, Dân chơi không sợ con rơi, Vô diện sát nhân, Duyên ma, Trò chơi tử thần, Mười: Lời nguyền trở lại... đều là những “bom xịt” khiến các nhà sản xuất tán gia bại sản.

Đáng kể, những phim Kẻ đào mồ, Là mây trên bầu trời của ai đó và Trò chơi tử thần chỉ có doanh thu chưa đầy 600 triệu đồng mỗi phim, gần như văng hẳn khỏi tầm quan tâm của khán giả.

phim2-3946.jpg
Sự tham gia của H’Hen Niê cũng không cứu được doanh thu cho Phát đạn của kẻ điên.

Ngay tác phẩm được chọn làm đại diện phim Việt đi tham dự Oscar 2023 Phát đạn của kẻ điên của đạo diễn Lương Đình Dũng cũng vấp phải rất nhiều ý kiến về chất lượng phim. Doanh thu Phát đạn của kẻ điên chỉ có 4 tỷ đồng, trong khi kinh phí sản xuất lên tới 60 tỷ đồng.

Sự thất vọng liên tục bị bồi tiếp khiến nhiều người xem tuyên bố “sẽ tiếp tục đoạn tuyệt với phim Việt”, đồng nghĩa với những sản phẩm phim ảnh made in Vietnam sau này sẽ phải đối mặt với những đánh giá khắt khe và nhiều nghi ngờ hơn.

“Đã đến lúc ngưng kêu gọi giải cứu phim Việt được rồi. Chất lượng như vậy bảo khán giả giải cứu làm sao. Thay vì ngồi oán trách khán giả quay lưng, các nhà làm phim, các biên kịch, đạo diễn, diễn viên... nên nghĩ làm sao cho phim hấp dẫn. Tôi tin, chỉ cần phim tốt, chả cần giải cứu khán giả cũng tự quay lại thôi”, nhà phê bình Nguyễn Hồng Tươi chia sẻ.

Hành động khán giả quay lưng với phim ít nhiều đang khiến một số nhà sản xuất ngại ngùng. Bằng chứng là, trước đó, trong danh sách dự kiến phim chiếu Tết năm nay có ba dự án phim được công bố gồm: Mai (đạo diễn Trấn Thành), Cố nội anh là Thủy tinh (đạo diễn Đức Thịnh) và phim chưa có tên của đạo diễn Quách Ngọc Tuyên.

Mới đây nhất, đạo diễn Đức Thịnh chia sẻ dự án Cố nội của anh là Thủy tinh đang tạm hoãn với lý do ý tưởng thực hiện khó, cần thời gian. Nhiều người cho rằng, một khi chưa nắm chắc về chất lượng phim, tạm dừng để hoàn thiện là một giải pháp không tồi, để ít nhất, tránh việc cố đấm ăn xôi, phim dở vẫn đẩy ra cuối cùng thất bại doanh thu là điều không tránh khỏi.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khán giả đã chán giải cứu phim Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO