Thanh long "la liệt" trên đường phố Hà Nội
Câu chuyện giải cứu hoa quả tắc biên đã kéo dài suốt gần 1 tháng nay vẫn chưa có hồi kết, dù ngày Tết Nguyên đán đã cận kề. Vài ngày nay, ảnh hưởng dịch Covid-19 không thể xuất khẩu qua biên giới, các xe lớn chở thanh long đã quay đầu về xuôi bán xả hàng với số lượng lớn, mong thu hồi phần nào thiệt hại để về nhà ăn Tết.
Tại khu vực biên giới Lạng Sơn, giá thanh long loại đẹp vẫn đang được bán ở mức 100.000-200.000 đồng/thùng (thùng 17-18 kg). Tính ra, mỗi cân thanh long vẫn có giá 11.000 đồng. Thế nhưng, loại hàng xấu, chín quá, có giá rẻ hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, theo anh Phan Văn Tâm (TP Lạng Sơn), một người chuyên kinh doanh hoa quả, mỗi tiểu thương bán xả thanh long theo một giá khác nhau, không có mức chung; bởi thanh long có nhiều loại. Hơn nữa, nông sản nhanh hỏng, tắc biên mãi đổ đi không được tiền mà còn mất chi phí vận chuyển, tiền thùng, lương công nhân...
"Thanh long không sang được Trung Quốc thì phải bán vội, nếu quả thối là mất trắng. Do đó, tiểu thương trên đường về sẽ dừng mỗi tỉnh một vài ngày để xả hàng. Hoa quả từ Lạng Sơn về sẽ bán lần lượt từ hàng đẹp trước, hàng kém chất lượng hơn sẽ xả ở Hà Nội", anh Tâm cho hay.
Tính chất hàng nông sản không để được lâu, quả càng chín thì giá càng thấp. Theo anh Tâm, tận dụng thời điểm này, một số tiểu thương đã gom thanh long xả hàng của các tiểu thương trên biên giới rồi đưa về bán tại Hà Nội. Vì thế mới xuất hiện những xe container lớn dừng bán xả thanh long dọc đường phố Hà Nội những ngày qua.
Theo một lái xe container, thanh long được vận chuyển từ Long An ra biên giới nhưng do tắc biên nên đành quay đầu bán xả hàng. Dọc đường về, thanh long đã được bán thanh lý tại nhiều địa điểm nhưng khi về tới Hà Nội vẫn còn tới 70% hàng trong container, dù giá bán chỉ khoảng 5.000-6.000 đồng/kg.
Nếu bán hết hàng với mức giá trên, 20 tấn thanh long thu về được 100 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ để lái xe bù đắp vào tiền cước 70 triệu đồng và chi phí bảo quản lạnh suốt thời gian xe nằm chờ ở biên giới (chi phí bảo quản lạnh mỗi ngày lên tới 1-2 triệu đồng).
Đề phòng "giải cứu" nhầm hàng loại
Đã qua cao điểm, nhưng hiện nay tại Hà Nội lại xuất hiện một số xe container, xe tải chở thanh long treo biển giải cứu. Điểm đặc biệt của các xe này là mỗi thùng thanh long có một nhãn mác, vỏ thùng khác nhau.
Theo anh T.P., một người chuyên buôn hoa quả tại Lạng Sơn, thanh long hàng đẹp sẽ được đóng thùng cùng nhãn mác, chủng loại và có đai cố định. Nếu hàng từ container xếp xuống vỉa hè, vỏ thùng dán băng dính và loạn chủng loại là hàng xấu, có thể sắp hỏng.
Vì theo anh P., thanh long loại đẹp phải đóng cửa để trong xe để chạy lạnh. "Thời điểm này, cũng nhiều người tranh thủ cơ hội để làm ăn. Những người cần giải cứu thật vừa khổ, vừa mang tiếng", anh P. nói và thông tin thêm, một số dân buôn đi mua thanh long hàng không đẹp, giá cực rẻ và tự nhập vỏ thùng về đóng để bán như hàng giải cứu.
Để tránh "giải cứu" nhầm đồ hỏng không ăn được, anh P. đưa ra lời khuyên, giá hiện đã rất rẻ nên người mua không cần so sánh giá. Thanh long đẹp sẽ có da hồng nhẵn, tai xanh, quả to và căng mọng. Nếu tai quả đã ngả vàng thì cần ăn ngay, còn tai thanh long đã chuyển đỏ thì đã chín quá, sắp thối.
Ngoài ra, người mua nên lựa chọn các xe đóng hàng cùng chủng loại đều nhau, có đai thùng để tăng độ tin tưởng.
Việc giải cứu nông sản thể hiện tinh thần đùm bọc, sẻ chia khó khăn của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng nên cảnh giác với những dân buôn lợi dụng tinh thần tương thân tương ái đó để trục lợi.