Khám bệnh online, tiện lợi nhưng hiệu quả chưa cao

Thanh Hà| 10/11/2023 10:35

Chỉ cần ngồi ở nhà, với các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính có kết nối mạng, người dân có thể được khám bệnh online với bác sĩ. Song bỏ tiền ra sử dụng dịch vụ, người dân có thực sự cảm thấy tiện ích và thỏa mãn nhu cầu khám bệnh của mình?

Khám bệnh online, tiện lợi nhưng hiệu quả chưa cao
Các trường hợp cấp cứu và yêu cầu cần thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật, phẫu thuật trên người bệnh không được khám, chữa bệnh online (ảnh minh họa).Ảnh: Thanh Hà

Khám online kiểu “nhìn mặt bắt hình dong”

Gõ từ khóa tìm kiếm trên internet với các nội dung như "khám bệnh online", “tư vấn online”, không khó để nhận về kết quả hàng loạt quảng cáo. Trên các trang mạng xã hội, các nhóm khám bệnh online cũng xuất hiện nhan nhản, nhất là sau dịch COVID-19, với các đủ mặt bệnh như tâm lý, dinh dưỡng, thẩm mỹ, xương khớp, bệnh mạn tính, da liễu...

Bên cạnh đó, nhiều app được xây dựng rất chuyên nghiệp để thăm khám cho người dân. Theo khảo sát của phóng viên, với các app này, giá khám bệnh cho người bệnh từ 50.000 đồng/5 phút, 100.000 đồng/10 phút, 200.000 đồng/20 phút, 500.000 đồng/lượt khám.

Truy cập vào một app ứng dụng từ xa được nhiều người sử dụng, chúng tôi đặt lịch khám với một bác sĩ tại TPHCM để được khám bệnh nội tiết. Giá để gọi điện nói chuyện với bác sĩ là 350.000 đồng/15 phút, gọi video là 550.000 đồng/15 phút.

Chúng tôi chọn hình thức gọi thoại thông thường. Sau khi tư vấn về các triệu chứng của bệnh, bác sĩ cho biết, có thể kê đơn thuốc sau khi thăm khám online nhiều bệnh khác nhau. Tuy nhiên, sau khi mất tiền khám online, để có kết quả cuối cùng, chúng tôi vẫn cần đến bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm và khám lại.

TS.BS Hoàng Thanh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bộ môn trung tâm phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo - Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác - là một trong những bác sĩ hoạt động tư vấn online tích cực trong đợt bùng phát dịch COVID-19 cho người dân.

Trao đổi với Lao Động, TS Tuấn cho hay, khám bệnh online là xu thế tất yếu, nhưng chuyên gia này khẳng định, đây chỉ là tư vấn bước đầu, có ý nghĩa định hướng sơ bộ đến những bệnh mình nghi ngờ, không thể đưa ra được kết luận và qua đó kê đơn thuốc điều trị.

Không phải tất cả các bệnh đều có thể khám từ xa

Trả lời Lao Động, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết, hiện nay Bộ Y tế chỉ cho phép tư vấn y tế từ xa, thực hiện theo Thông tư số 49 đã được ban hành từ năm 2017. Trong đó, thông tư này quy định về hoạt động y tế từ xa, ngoài hội chẩn tư vấn khám bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh… từ xa giữa các cơ sở y tế hoặc các bác sĩ với nhau, bác sĩ được phép tư vấn online cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, bác sĩ chỉ được tư vấn trong phạm vi chuyên môn của mình, không được phép kê đơn thuốc. Đồng thời, ông Khoa khẳng định, “khám trực tiếp vẫn là tốt nhất”.

Luật Khám Chữa bệnh 2023 có hiệu lực từ 1.1.2024 có sự thay đổi khi cho phép khám chữa bệnh từ xa, trong đó, bác sĩ được chẩn đoán bệnh, chỉ định phương pháp chữa và kê đơn thuốc.

“Không phải tất cả bệnh đều có thể khám từ xa, chúng tôi sẽ ban hành danh mục bệnh, tình trạng bệnh cụ thể. Hiện, Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn về việc này, dự kiến ban hành vào cuối năm” - ông Khoa thông tin.

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn khám, chữa bệnh từ xa, 31 bệnh thuộc 15 chuyên khoa được áp dụng hình thức này như béo phì, viêm mũi họng cấp tính, mạn tính, đau vai gáy, thắt lưng, tăng huyết áp, suy tim, rối loạn tâm thần, Rối loạn lo âu, trầm cảm, viêm da dị ứng, HIV/AIDS, COVID-19, thủy đậu…

Đặc biệt, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải đăng ký với cơ quan quản lý y tế. Các chỉ định và kê đơn thuốc của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh từ xa phải thực hiện trên hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khám bệnh online, tiện lợi nhưng hiệu quả chưa cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO