Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự. Cùng tham dự lễ hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang; cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân thành phố…
Phát biểu khai mạc lễ hội, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho rằng, nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, Hải Phòng luôn là vùng đất có vị trí chiến lược và quan trọng. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, Hải Phòng đều được các triều đại xác định là "cửa ngõ của Kinh thành", là nơi "đầu sóng ngọn gió", đồng thời là "lá chắn vững chắc" để bảo vệ tổ quốc.
Đặc biệt, trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, đã gắn liền với nhiều chiến công hiển hách và oanh liệt của cha, ông ta, để giành độc lập cho dân tộc. Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, Hải Phòng tiếp tục là địa phương "đi trước về sau", vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương trong các cuộc kháng chiến cứu nước.
Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Hải Phòng là địa phương có nhiều đột phá, nên đã gợi mở và góp phần với Trung ương hoạch định chiến lược về đổi mới đất nước.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với với sự góp sức tích cực của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, nên Hải Phòng đã phát triển mạnh mẽ và đột phá. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố Hải Phòng các năm gần đây luôn được cải thiện, năm sau được xếp hạng cao hơn năm trước. Đặc biệt, các năm gần đây Hải Phòng đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, với hiệu quả rất cao, tỷ lệ số ca bị nặng rất thấp so với bình quân chung cả nước.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 và Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Hải Phòng lấy chủ đề năm 2022 là "đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và thực hiện chuyển đổi số".
"Hải Phòng sẽ hoàn thành thêm nhiều bến cảng và nhà ga sân bay mới, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng và hoàn thành nhiều khu công nghiệp mới để đón các nhà đầu tư; Tiếp tục chỉnh trang nhiều khu phố, các dòng sông trong nội đô, xây dựng thêm nhiều chung cư mới, để thay thế các chung cư cũ, xây dựng thêm mỗi phường một công viên cây xanh; xây dựng mới các bãi đỗ xe ô tô cao tầng trong thành phố và xây dựng thêm nhiều khu đô thị mới", ông Nguyễn Văn Tùng nói.
Hải Phòng phấn đấu sẽ trong tốp đầu về công tác chuyển đổi số; tiếp tục đi đầu về công tác an sinh xã hội và chăm lo cho các gia đình có công với cách mạng; sẽ hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025, với mức kinh phí đầu tư bình quân cho mỗi xã là 125 tỷ đồng. Đặc biệt là, Hải Phòng phấn đấu đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và thực sự "trở thành một động lực phát triển của cả nước".
Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2022 là sự kiện quan trọng để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, xây dựng thương hiệu, nâng cao vị thế, uy tín của Hải Phòng trong nước và quốc tế; thúc đẩy đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022.
Bên cạnh các hoạt động chính của Lễ hội, có 67 hoạt động kinh tế, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch tiêu biểu diễn ra bên lề Lễ hội tại khu vực Trung tâm thành phố, Trung tâm các quận, huyện, thị trấn.
Nguyễn Đức