Khai mạc kỳ họp Quốc hội, bầu Chủ tịch Quốc hội ngay ngày làm việc đầu tiên

Hoài Thu| 20/05/2024 06:19

Gần 490 đại biểu tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tại hội trường Diên Hồng. Quốc hội sẽ tiến hành quy trình kiện toàn chức danh Chủ tịch Quốc hội ngay trong ngày làm việc đầu tiên.

Sáng 20/5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV khai mạc tại Hà Nội, bắt đầu chương trình nghị sự với nhiều nội dung quan trọng.

Kỳ họp thứ 7 được tiến hành theo 2 đợt với tổng thời gian làm việc 26,5 ngày. Đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6. Đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng 28/6.

Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 13 dự án luật và nghị quyết; cho ý kiến lần đầu 11 dự án luật.

Bên cạnh công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Khai mạc kỳ họp Quốc hội, bầu Chủ tịch Quốc hội ngay ngày làm việc đầu tiên - 1

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, được Trung ương giới thiệu để bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV (Ảnh: Phạm Thắng).

Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự theo thẩm quyền. Cụ thể là bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước sau khi Trung ương đã thống nhất rất cao giới thiệu nhân sự vào hai chức danh này.

Theo chương trình nghị sự dự kiến, trong ngày làm việc đầu tiên, sau phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp.

Tại phiên khai mạc, Quốc hội sẽ nghe lãnh đạo Chính phủ báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ.

Tiếp đến, Quốc hội nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 7.

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng sẽ trình bày trước Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6.

Cuối giờ sáng, Quốc hội bắt đầu tiến hành quy trình công tác nhân sự bầu Chủ tịch Quốc hội. Sau khi kiện toàn chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước. Dự kiến, công tác nhân sự sẽ hoàn thành vào sáng 22/5, theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.

Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất rất cao giới thiệu Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, để bầu giữ chức Chủ tịch nước. Trung ương cũng giới thiệu ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, để bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XV.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hiện đang được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội là chức danh do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; lãnh đạo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội.

10 dự án luật được Quốc hội xem xét thông qua gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) (theo quy trình tại một kỳ họp).

Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 3 dự thảo nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Nổi bật Việt Báo
  • Diễn biến mới vụ khiếu kiện đất đai lớn nhất miền Trung
    Vụ tranh chấp khiếu kiện mua bán đất đai lớn nhất miền Trung đã xuất hiện những tín hiệu mới khi chủ đầu tư và đơn vị phân phối đã đàm phán và có được những thỏa thuận để tiến tới giải quyết các quyền lợi cho khách hàng sau thời gian dài tranh chấp, khiếu kiện. 
  • Tình hình cổ phiếu Thế giới Di động
    Nhóm quỹ liên quan Dragon Capital vừa bán ròng 1,05 triệu cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động để giảm sở hữu về 7,99% vốn điều lệ.
  • Saigon Co.op mở thêm 6 cửa hàng Co.op Smile tại TP. HCM
    Sáng ngày 27/7/2024, hệ thống cửa hàng bách hóa Co.op Smile đưa vào hoạt động 6 cửa hàng bách hoá Co.op Smile tại Quận 6, TP. Thủ Đức và Quận 12 nâng tổng số cửa hàng Co.op Smile lên con số 108 cửa hàng. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2024, hệ thống Co.op Smile sẽ đạt 140 cửa hàng.
  • Galaxy Z Fold6 và Z Flip6 bắt đầu lên kệ
    Ngoài bộ đôi smartphone gập Galaxy Z Fold6 và Z Flip6, các sản phẩm ra mắt cùng đợt của Samsung cũng bắt đầu mở bán tại Việt Nam.
  • 6 tháng cuối năm: Thận trọng đầu tư vàng, bất động sản khởi sắc
    Theo chuyên gia, đầu tư vàng nên cẩn trọng nhất vì không những chịu tác động bởi yếu tố thị trường mà còn bị tác động mạnh mẽ bởi yếu tố chính sách. Cùng với đó, bất động sản tại các đô thị và công nghiệp là hai khu vực phát triển tốt nhất từ đầu năm đến nay.
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc kỳ họp Quốc hội, bầu Chủ tịch Quốc hội ngay ngày làm việc đầu tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO