Ông Hoàng Đức Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi hoạt động cùng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, hứa hẹn mang lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi đến với vùng đất phía Tây của Hà Giang trong tháng 9. Chương trình "Qua những miền di sản ruộng bậc thang" Hoàng Su Phì 2023 là một trong những sự kiện văn hóa tiêu biểu, mang đậm bản sắc của các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc.
Những thửa ruộng bậc thang như những thảm lụa vàng. Ảnh: Nam Thái - TTXVN
Là huyện vùng cao núi đất nằm ở phía Tây, Hoàng Su Phì có nhiều dân tộc cùng sinh sống, địa hình chia cắt mạnh. Thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn… Chính từ những khó khăn đó đã sản sinh ra những nét văn hóa truyền thống độc đáo và phong phú, được người dân nơi đây nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của cộng đồng nhân dân các dân tộc huyện Hoàng Su Phì. Một trong những giá trị văn hóa đó là danh thắng ruộng bậc thang trải đều ở 24 xã, thị trấn với tổng diện tích trên 9.000 ha đã được cộng đồng các dân tộc trong huyện tôn tạo phát triển qua hàng trăm năm, trong đó có 674,9 ha tại 11 xã đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Danh thắng Quốc gia.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là một sự sáng tạo phi thường về văn hóa thể hiện tính thích ứng của con người với môi trường vùng núi. Đây là hình thức canh tác phù hợp với điều kiện tự nhiên đồi núi đất của huyện Hoàng Su Phì. Bằng bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo của mình, đồng bào đã vẽ nên một bức tranh khổng lồ đầy màu sắc, một công trình kiến trúc vĩ đại, đủ sức làm say lòng bất cứ ai khi đến với vùng đất này.
Những giá trị văn hóa độc đáo và riêng có của danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang đã mở ra nhiều cơ hội trong việc khai thác tiềm năng du lịch. Hình ảnh những thửa ruộng bậc thang trải dài, cao vút lên chín tầng mây là sự khẳng định, đánh dấu sức lao động bền bỉ, sự sáng tạo trong lao động của cộng đồng các dân tộc tỉnh Hà Giang. Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng canh tác ruộng bậc thang đã góp phần ổn định lương thực, xuất khẩu hàng hóa và ngày nay, tỉnh Hà Giang đã gắn với đó để phát triển du lịch.
Đây là hướng đi đúng góp phần cải thiện đời sống đồng bào, mở rộng hợp tác, rút ngắn khoảng cách giữa tỉnh miền núi với miền xuôi, hòa mình vào thế giới rộng lớn để khẳng định mình, tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của mình.
Trong khuôn khổ sự kiện, chuỗi hoạt động phong phú sẽ diễn ra cùng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, hứa hẹn mang lại những trải nghiệm, ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong và ngoài nước. Điểm nhấn của chương trình năm nay là các xã vùng trọng điểm du lịch của huyện đều tổ chức các sự kiện, tour du lịch tham quan, trải nghiệm ruộng bậc thang, làng nghề truyền thống, trình diễn lễ hội.
Minh Tâm