Khai mạc chuỗi Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55. (Nguồn: ASEAN) |
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55 sẽ diễn ra từ ngày 19-23/8, với 19 cuộc họp và 9 hoạt động chính, thảo luận nhiều chương trình nghị sự quan trọng của khu vực.
Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu.
Tại hội nghị, các bộ trưởng đã chia sẻ thông tin và cập nhật tình hình triển khai các sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Indonesia trong năm Chủ tịch ASEAN 2023, các công việc quan trọng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN như Chiến lược ASEAN về trung hòa carbon, chuẩn bị khởi động đàm phán Hiệp định khung ASEAN về Kinh tế số, việc thực thi và nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), cũng như công tác chuẩn bị cho các hội nghị tham vấn giữa Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN và các nước đối tác.
Các bộ trưởng ghi nhận 4 trong tổng số 7 sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Chủ tịch ASEAN Indonesia năm 2023 đã được hoàn thành, trong đó đáng lưu ý là việc ký kết Nghị định thư thứ 2 sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia – New Zealand (AANZFTA), trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần này, cũng như việc khởi động đàm phán Hiệp định khung ASEAN về Kinh tế số tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, dự kiến diễn ra vào đầu tháng 9 tới.
Các bộ trưởng cũng dành thời gian thảo luận về việc nâng cấp Hiệp định ATIGA, xử lý các vấn đề tồn đọng lâu năm trong thực thi hiệp định này, các kiến nghị của Nhóm Đặc trách cấp cao về Hội nhập Kinh tế ASEAN liên quan đến việc xây dựng tầm nhìn Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau năm 2025... và rà soát công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN tới đây và các hội nghị liên quan.
Ngoài ra, các bộ trưởng cũng thảo luận nội bộ về các hoạt động hợp tác kinh tế giữa ASEAN và các đối tác đối thoại như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Vương quốc Anh…, việc thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN và các nước đối tác, bao gồm việc nâng cấp FTA giữa ASEAN và Trung Quốc, đàm phán FTA giữa ASEAN và Canada và việc thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Tham gia thảo luận tại hội nghị, Việt Nam đã đóng góp ý kiến tích cực đối với các vấn đề trong hợp tác kinh tế nội khối ASEAN như công tác chuẩn bị cho việc ký kết Nghị định thư thứ 2 sửa đổi Hiệp định AANZFTA, đàm phán nâng cấp Hiệp định ATIGA và chuẩn bị cho khởi động đàm phán Hiệp định khung ASEAN về Kinh tế số, qua đó thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với hội nhập kinh tế khu vực, duy trì vai trò tích cực trong các hoạt động tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu, thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 cũng như củng cố các chuỗi cung ứng khu vực.
Bên lề hội nghị, các bộ trưởng cũng đã gặp và trao đổi với Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC) về những khuyến nghị và ưu tiên của ABAC trong thời gian tới liên quan đến việc thúc đẩy sử dụng phương tiện chạy bằng điện trong khu vực ASEAN, tăng cường hội nhập thương mại và đầu tư khu vực, tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác về phát triển bền vững và duy trì các biện pháp y tế ứng phó đối với dịch bệnh.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, tăng trưởng kinh tế của ASEAN đạt 5,1% vào năm 2022 và dự báo đạt tương ứng 4,6% và 4,9% trong năm 2023 và 2024.
Năm 2022, kim ngạch thương mại của ASEAN đạt 3.800 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2021. Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại chính của ASEAN với kim ngạch hai chiều đạt 722,2 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng kim ngạch trao đổi thương mại của cả khu vực, đứng trước Mỹ (10,9%) và Liên minh châu Âu (7,7%).
Trong khi đó, thương mại nội khối ASEAN chiếm 22,3% tổng kim ngạch thương mại, tăng so với mức 21,3% vào năm 2021. Về đầu tư, tổng nguồn vốn chảy vào ASEAN đạt 224,2 tỷ USD vào năm 2022, tăng 5,5% so với năm 2021.
Theo kế hoạch, tiếp sau hội nghị này sẽ là chuỗi các Hội nghị Tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế giữa ASEAN và các nước đối tác đối thoại diễn ra trong các ngày từ 20-22/8.