Ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Đình Trà Cổ gióng trống khai hội Đình Trà Cổ 2022
Đình Trà Cổ là một trong những di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của TP Móng Cái, được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1974. Hàng năm, từ ngày 30/5 đến 3/6 Âm lịch, tại đình diễn ra nhiều hoạt động truyền thống, quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian. Đặc biệt, nét độc đáo của lễ hội là lễ rước “Ông Voi”. Nghi lễ này được duy trì thường niên, trở thành nét riêng có của vùng đất biên ải Móng Cái.
Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy tặng hoa chúc mừng lễ hội.
Lễ hội đình Trà Cổ là lễ hội truyền thống, được duy trì tổ chức thường niên. Năm 2019, Lễ hội Đình Trà Cổ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đình Trà Cổ và lễ hội đình Trà Cổ với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo từ lâu đã trở thành “Cột mốc văn hóa” vùng biên của tỉnh Quảng Ninh.
Năm nay, lễ hội được tổ chức theo 2 phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm Lễ Mục dục; lễ rước mâm hoa quả và cây đèn thần vào đình; tiễn "Ông Voi" ra đình chầu (diễn ra vào ngày 30/5 Âm lịch); Lễ Thỉnh sinh; khai mạc lễ hội; Lễ nghênh thần; Lễ an vị; chuyển ông voi về nhà; Lễ đóng cây cai đám; Gọi sổ bìa xanh... Phần hội gồm chấm thi "Ông Voi"; chương trình nghệ thuật chào mừng; các hoạt động trò chơi dân gian (thi đan lưới, kéo co, đi cà kheo, viết thư pháp, nhảy bao bố…).
Ban Tổ chức tặng hoa chúc mừng các ông Đám năm 2021-2022 và trao giải cho các ông Đám đạt giải cao trong hội thi "Ông Voi"
Các ông Đám năm 2022-2023 ra mắt Lễ hội
Các "Ông Voi" được các cai đám chăm sóc cẩn thận.
Lễ Nghênh Thần tại Lễ hội Đình Trà Cổ năm 2022
Lễ hội đình Trà Cổ và các hoạt động lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn, phát huy và tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án phát triển sản phẩm Du lịch và Đề án phát triển Du lịch thành phố Móng Cái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Việc tổ chức lễ hội cũng nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa và sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của nhân dân địa phương; tưởng nhớ công ơn của các vị tiền nhân đã có công khai phá, lập nên làng Trà Cổ xưa; đồng thời giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nâng cao trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của địa phương, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.