Khách tới phố cổ Hội An uống cà phê, ăn bánh mì mà thu phí 80.000đ là bất công

05/04/2023 11:52
Đọc bài báo này

Cung cấp bởi  

Logo vbee Image
0:00

Thông tin TP Hội An sẽ thu 80.000-120.000 đồng/khách khi vào phố cổ Hội An từ ngày 15/5 đang nhận nhiều ý kiến trái chiều. Một số du khách và đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc thu mức phí "đồng giá" với tất cả mọi người là bất hợp lý.

Khánh Huyền (29 tuổi, ở Hà Nội) từng ba lần tới thăm Hội An và từng tới 12 quốc gia trên thế giới. Theo cô, không chỉ Hội An, nhiều địa phương khác trong nước và các quốc gia lân cận như Myanmar, Thái Lan cũng đã áp dụng việc thu phí tham quan các di tích, di sản. Nữ du khách cho rằng 80.000 đồng/vé đối với khách nội địa không phải quá đắt, nhưng cần được đổi lại bằng trải nghiệm.

"Có lần tôi tới Hội An chỉ để uống cà phê, ăn trưa... Nhiều du khách khác cũng như vậy, họ có thể chỉ tới để chạy bộ, thả đèn hoa đăng... Việc thu phí 80.000 đồng chưa thực sự hợp lý. Tôi sẵn sàng trả phí nhưng tôi mong chờ có những trải nghiệm giá trị tại đây", Khánh Huyền chia sẻ.

Anh Trọng Trần (TP.HCM) lại cho rằng, việc thu phí vào thăm phố cổ Hội An là hợp lý. Theo anh, đây là phương án hiệu quả để giữ nét cổ kính, thanh bình - điểm đặc trưng của điểm đến này. Nhiều nơi trên cả nước miễn phí nhưng lại xảy ra tình trạng quá tải, chen chúc như chợ đêm Sa Pa, chợ đêm Đà Lạt,...

"Tôi hy vọng cơ quan chức năng sẽ sử dụng hợp lý số tiền này cho việc duy tu, bảo trì khu phố cổ", anh Trọng nói.

Doanh nghiệp không bất ngờ

Trả lời phỏng vấn VietNamNet, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết: “Chúng tôi chưa tham gia một hội thảo lấy ý kiến nào về việc thu phí mà chỉ nắm thông tin về việc thu phí tham quan khu phố cổ Hội An trên báo chí. Thực tế, việc thu phí đã diễn ra từ năm 1992 tới nay, trừ khoảng thời gian do ảnh hưởng Covid-19. Các doanh nghiệp lữ hành du lịch trên địa bàn không quá bất ngờ về thông tin này”.

Theo ông Thanh, từ lâu nay, các công ty đều đã tính khoản phí tham quan phố cổ Hội An trong chi phí tour du lịch, tuy nhiên có thể nhiều du khách không chú ý. Bên cạnh đó, nhiều thời điểm, việc thu phí diễn ra lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, nhiều du khách vô tình "trốn vé" mà không hay biết.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đồng tình với việc Hội An đưa ra lý do thu phí nhằm đảm bảo công bằng với địa phương và mọi du khách, tạo không gian cho du khách tham quan. Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc Hội An đưa ra mốc 15/5 thu phí đối với tất cả du khách là hơi vội vàng. Ông cho rằng, nên có một hội thảo lấy ý kiến các bên của các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, dân cư, du khách…

“Xu hướng khách thay đổi cơ bản, khách đi lẻ rất nhiều. Mười khách đến Hội An thì có khoảng 7-8 khách là tự đi. Chính vì thế, nếu giờ thu phí đối với khách lẻ thì khả năng họ phản ứng rất cao. Hơn nữa, khách đến Hội An với nhiều mục đích, không chỉ là để tham quan điểm đến. Nếu họ vào ăn tối thì sao? Nếu chặn khách thu phí thì nhà hàng cũng mất luôn khách. Một bộ phận khách khác chỉ vào mua sắm, ăn sáng, uống cà phê rồi về. Nếu thu phí họ thì họ sẽ cảm thấy đắt đỏ”, ông Dũng nói.

Theo phương án đưa ra, du khách đến Hội An từ ngày 15/5 phải mua vé (Ảnh: Công Sáng)

Theo ông Dũng, Hội An nên có hai loại vé khác nhau.

Một loại vé dành cho khách tham quan có thể thu 80.000 (khách nội địa) -120.000 đồng (khách quốc tế). Một loại vé khác dành cho khách lẻ vào phố cổ không tham quan, chỉ đi dạo, ăn uống, mua sắm…Loại vé này chỉ thu 1/2-1/4 giá vé khách tham quan. Việc này sẽ giúp đạt được mục đích đề ra đồng thời tạo không gian cho khách tham quan và đáp ứng nhu cầu nhiều bên.

Bà Nguyễn Bảo Phượng, đại diện Vivu Journeys (Tập đoàn du lịch Thiên Minh) - một đơn vị có cung cấp tour du lịch Hội An cho biết, đơn vị này hoàn toàn ủng hộ việc thu phí tham quan phố cổ. Tuy nhiên, theo ý kiến của đại diện Vivu Journeys, cơ quan chức năng có thể xem xét việc xác nhận du khách đã mua vé tham quan và để họ trở lại phố cổ nhiều lần trong những ngày lưu trú tại đây. Có thể hiểu đây là dạng vé “combo ra vào nhiều lần” có thời hạn sử dụng nhất định.

“Việc làm này cần sự linh động giải quyết của chính quyền, tránh tình trạng mỗi lần vào phố cổ là một lần khách phải mua vé. Như vậy sẽ rất bất tiện và phát sinh chi phí”, bà Nguyễn Bảo Phượng chia sẻ ý kiến.

Cần cân nhắc kỹ càng

Ông Nguyễn Minh Xoang, Giám đốc công ty Du lịch Hải Vân Cát chia sẻ, từ lâu nay việc tổ chức theo tour, đoàn vẫn phải mua vé tham quan phố cổ Hội An với giá 80.000 đồng/người đối với khách nội địa và 120.000 đồng đối với khách quốc tế. Chính vì thế, ông Xoang không bất ngờ trước thông báo tất cả các du khách buộc phải mua vé khi vào phố cổ Hội An. Tuy nhiên, theo ông Xoang, Hội An cần cân nhắc việc thu phí ở thời điểm hiện tại. Với mức phí 80.000 đồng/khách, ông cho là khá cao đối với khách nội địa.

“Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn sau đại dịch, việc quyết định thu phí khiến người dân càng khó khăn thêm. Hội An là một điểm đến, nếu làm căng quá thì chẳng ai đến làm gì. Mấy năm dịch bệnh, cả lữ hành, người dân đều đã rất khó khăn, vất vả. Theo tôi, nên mở cửa để người dân đi tham quan, vui chơi. Việc thu phí sẽ ảnh hưởng lớn đến người dân, đặc biệt là những người kinh doanh, buôn bán ở trong khu phố cổ”, ông Xoang cho hay.

Ông Xoang e ngại du khách có thể bỏ tiền mua vé lần đầu khi tham quan phố cổ Hội An nhưng lần sau họ sẽ cân nhắc, thậm chí không quay trở lại nữa.

Du khách tham quan phố cổ Hội An (Ảnh: Công Sáng)

Đại diện một số doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về tính khả thi của việc quản lý thu vé. Họ cho rằng, Hội An có quá nhiều cửa ngõ để vào thành phố và không phải nơi nào cũng có chốt kiểm tra vé chặt chẽ.

Chiều 4/4, trong cuộc họp báo về tình hình KT-XH của tỉnh Quảng Nam, đại diện sở Tài chính đã có những ý kiến xung quanh vấn đề TP Hội An thu phí đối với du khách.

Theo đó, mức thu phí tham quan, tu bổ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh trên cơ sở tham mưu của các cơ quan ban ngành.

“Tỉnh đã ban hành giá vé tham quan tại nghị quyết số 33 ngày 8/12/2016. Trong nghị quyết này sẽ có thông tin về việc đối tượng được miễn, giá vé thu đối với người nước ngoài ra làm sao, trong nước như thế nào?

Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ quan ban ngành xem xét tình hình thực tế và báo cáo HĐND tỉnh giảm giá vé”, vị này nói.

Cũng theo đại diện Sở Tài chính, Sở sẽ làm việc trực tiếp với địa phương cụ thể hơn. TP Hội An sẽ trên cơ sở nội dung của nghị quyết để thực hiện theo quy định.

Từ 15/5, tất cả du khách vào tham quan khu phố cổ Hội An phải mua vé

Trước đó, thông tin từ UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), địa phương vừa ban hành phương án về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động Hướng dẫn tham quan khu phố cổ Hội An.

Thông tin từ UBND TP Hội An, cho đến nay, nhận thức về mục đích của việc bán vé tham quan của một vài cá nhân, đơn vị vẫn chưa đầy đủ, thiếu thông tin, việc thực hiện quy chế tham quan chưa đảm bảo, vẫn còn tình trạng cá nhân, đơn vị không mua vé, không đưa chương trình tham quan Di sản văn hoá thế giới - Khu phố cổ Hội An vào trong chương trình và kinh phí tour để bán cho du khách.

Cho nên, bắt đầu từ 15/5, mọi du khách trong nước và quốc tế tham quan khu phố cổ Hội An phải mua vé tham quan tại các quầy vé. Giá vé tham quan là 120.000 đồng/vé (dành cho khách quốc tế) và 80.000 đồng/vé (dành cho khách nội địa).

Thời gian hoạt động bán vé tham quan khu phố cổ từ 7h30 đến 21h30, hàng ngày vào mùa hè, đến 21h vào mùa đông.

Chính quyền sẽ phân luồng lối đi tại các đường chính vào khu phố cổ. Theo đó, sẽ bố trí 2 lối đi riêng gồm một lối đi dành cho người dân địa phương và một lối đi dành cho du khách.

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/khach-toi-pho-co-hoi-an-uong-ca-phe-an-banh-mi-ma-thu-phi-80-000d-la-bat-cong-2128656.html
Copy Link
https://vietnamnet.vn/khach-toi-pho-co-hoi-an-uong-ca-phe-an-banh-mi-ma-thu-phi-80-000d-la-bat-cong-2128656.html
Bài liên quan
  • Bức ảnh ‘cổng trời’ tại Việt Nam gây sốt mạng xã hội
    Bức ảnh “cổng trời” tại Việt Nam đang được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Bức ảnh này không chỉ thu hút được lượt tương tác cao mà còn khiến nhiều người thắc mắc đây là ở đâu và người chụp là ai?
  • Phố trang trí lộng lẫy, người dân đi chơi Noel sớm
    Chưa đến cuối tháng 11 nhưng du khách và người dân Hà Nội đã háo hức lên phố Hàng Mã mua đồ, dạo chơi và chụp ảnh.
  • Phát triển du lịch văn hóa nhìn từ thực tiễn sống động tại TP.HCM
    Biểu tượng (logo) của ngành du lịch TP.HCM là hình ảnh chợ Bến Thành, kết hợp cùng khẩu hiệu (slogan) “Vibrant Ho Chi Minh City - TP.HCM Sống động”, phủ lên dải quang phổ đa sắc màu. Nếu hình dung bức tranh du lịch TP.HCM qua sự phong phú màu sắc như thế, thì ở đó, không thể thiếu thực tiễn sống động của du lịch văn hóa - mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay, dựa trên các giá trị đặc sắc của vùng đất đa dạng văn hóa, giàu tài nguyên du lịch văn hóa.
  • Chiêm ngưỡng hai thành phố đẹp như mơ ở Malaysia
    Đến Malaysia, không ghé thăm hai thành phố Malacca và Putrajaya sẽ là khuyết điểm lớn. Nếu Malacca mang vẻ đẹp cổ kính bởi đền đài, thành quách thì Putrajaya lại được biết đến là thành phố mới, thông minh và sôi động.
  • 10 sự thật thú vị về văn hóa Malaysia mà bạn nên biết
    Quê hương của đối thủ tuyển Việt Nam tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2020 có vua sầu riêng, nói tiếng Anh như ngôn ngữ bản địa và... đi vệ sinh với phong cách ngồi xổm.
  • Tham quan lăng tẩm vị Hoàng đế thứ 9 của triều Nguyễn
    Được xây dựng trải qua 4 đời vua, lăng của vị vua Đồng Khánh mang dấu ấn hai trường phái kiến trúc của hai thời điểm lịch sử.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khách tới phố cổ Hội An uống cà phê, ăn bánh mì mà thu phí 80.000đ là bất công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO