Đi dọc những con phố Tokyo nhộn nhịp, rực rỡ ánh đèn, bạn có thể bắt gặp rất nhiều tòa nhà khác biệt với lối đi riêng và tấm biển "shukuhaku" (lưu trú) hay “kyukei” (nghỉ ngơi). Kèm theo đó là các bảng hiệu chỉ dẫn màu sắc sặc sỡ và những cái tên đặc biệt như Hotel Oz, Casablanca hay Hotel Fooo...
Đó chính là nơi lưu trú thú vị trả tiền theo giờ hoặc ngắn ngày của các cặp đôi người lớn hay còn gọi là khách sạn tình yêu.
“Khách sạn tình yêu” về bản chất là nhà nghỉ riêng tư cung cấp dịch vụ từ cơ bản đến cao cấp cho các cặp đôi có nhu cầu theo giờ hoặc ngắn ngày. (2-4 giờ với chi phí từ 2.900 - 7.000 yên, hoặc qua đêm đến 10 giờ sáng có giá từ 3.900 - 20.000 yên)
Mức giá phòng sẽ thay đổi theo thời gian nghỉ và ngày trọ, giá thuê buổi sáng là rẻ nhất, càng về đêm giá sẽ càng bị đẩy cao lên. Vào ngày cuối tuần giá phòng sẽ cao hơn nhiều so với ngày thường.
Thông thường phòng khách sạn có kích thước trung bình nhỏ nhất là 20m2 và lớn nhất có thể đến 80m2. Trong phòng được trang bị đầy đủ tiện nghi với bồn tắm, TV màn hình lớn, nhà bếp kiểu mini với thực đơn đồ ăn thức uống hấp dẫn, quầy bar và một chiếc giường cỡ lớn. Mọi đồ đạc như tủ lạnh, bếp, mỹ phẩm, sạc điện thoại, đồ vệ sinh cá nhân,… tất tần tật những đồ dụng cần thiết đều có trong phòng.
Quảng cáo của khách sạn tình yêu.
Thuật ngữ "khách sạn tình yêu" xuất phát từ Hotel Love, mô hình dịch vụ đầu tiên ra mắt ở Osaka vào năm 1968 và ngay sau đó là hàng nghìn khách sạn tình yêu khác nở rộ trên khắp Nhật Bản.
Trong thời kỳ đầu sau chiến tranh, các cặp vợ chồng trẻ vẫn thường sống trong những ngôi nhà chung của gia đình và do đó họ cần có không gian riêng và khách sạn tình yêu ra đời để đáp ứng các nhu cầu đó.
Khách sạn Hotel Love vào thập niên trước.
Thập niên bùng nổ kinh tế ở Nhật, khách sạn tình yêu gần như trở thành một địa điểm hẹn hò và tiêu chuẩn của các cặp đôi. Sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ này khiến các khách sạn cạnh tranh rất khốc liệt.
Để đáp ứng nhu cầu, hàng loạt khách sạn với nhiều chủ đề khác nhau ra đời như rừng rậm, truyện cổ tích, Kitty... nhằm phục vụ nhiều đối tượng và sở thích khác nhau.
Ngày nay, khách sạn tình yêu vẫn là phần quan trọng trong buổi hẹn hò ở Nhật Bản nhưng cũng đang trở thành một trong những điểm thu hút khách du lịch và nguồn cung cấp chỗ ở giá rẻ.
Với nhiều người độc thân sống một mình, nhu cầu đến khách sạn tình yêu để hẹn hò đã giảm trong những năm qua, đồng nghĩa với việc các chủ khách sạn phải điều chỉnh phương thức kinh doanh.
Người ta ước tính rằng có hơn 10.000 khách sạn tình yêu ở Nhật Bản, nhưng theo một nghiên cứu được công bố vào năm 2016, tỷ lệ lấp đầy khoảng 40% vào các ngày trong tuần.
Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chính phủ Nhật Bản đã có một số chính sách chuyển đổi những khách sạn kém hiệu quả trở thành cơ sở lưu trú thông thường nhằm phục vụ Thế vận hội Tokyo 2020. Hiện nay, các khách sạn tình yêu cung cấp các dịch vụ không khác gì khách sạn bình thường và duy nhất chỉ phục vụ cho khách người lớn.
Theo trang web Happy Hotel, tập trung khách sạn tình yêu lớn nhất ở Tokyo là ở quận Toshima-ku (Ikebukuro), nơi chỉ có hơn 100 khách sạn, tiếp theo là các quận danh tiếng như Shinjuku và Taito-ku.
Khách sạn tình yêu ở quận Toshima-ku.
Dựa trên bảng xếp hạng năm 2017 ở khu vực Tokyo, các khách sạn tình yêu tốt nhất thuộc về Tập đoàn Bali An. Chuỗi khách sạn này nổi tiếng với sự chăm chút từng chi tiết về tiện nghi, trang trí và thực đơn đồ ăn và cung cấp nhiều dịch vụ thú vị khách như tiệc sinh nhật và tiệc họp mặt.
Các khách sạn tình yêu đáng chú ý khác ở Tokyo bao gồm Hotel St. Moritz ở Asakusa, Hotel Meguro Emperor ở Meguro cũng là một trong những khách sạn lâu đời nhất ở Tokyo và chuỗi Hotel Sulata ở Shibuya xuất hiện trên khắp Nhật Bản.