Vài năm trước, một người bạn của tôi - một giảng viên ĐH trong một ngày đã bị “bốc hơi” cả trăm triệu đồng vào tay một “người yêu qua mạng” ở nước ngoài.
Kẻ lừa đảo giả là một người nước ngoài, tự xưng là quân nhân ở chiến trường Trung Đông, thao túng tâm lý bị hại trong vài tháng trời ròng rã, với nhiều dòng tin nhắn, trò chuyện, chia sẻ hình ảnh, đến những lần nấu cháo điện thoại qua mạng hàng giờ đồng hồ. Hắn chiếm trọn lòng tin của bạn tôi, lừa chuyển tiền qua tài khoản nước ngoài rồi “bỗng dưng biến mất”, không còn dấu tích nào. Nhiều người hay đùa, gọi những kẻ lừa đảo như vậy là “anh trai say bye” (lừa đảo rồi biến mất).
Kể từ khi nhà báo nổi tiếng người Mỹ Thomas Friedman chỉ ra rằng “Thế giới phẳng” (The World Is Flat) cách đây hai thập niên cho đến nay, chúng ta đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của các dòng chảy xuyên biên giới về con người, phương tiện, hàng hóa, công nghệ, thông tin, chất xám… Điều đó giúp thế giới tạo ra nhiều kỳ tích to lớn về kinh tế - xã hội, văn hóa, kéo các quốc gia gần nhau hơn, gắn bó và đan xen như hệ thống mạng nhện phức tạp. Thế nhưng các dòng chảy về tội phạm mạng cũng trở nên mạnh mẽ, khiến không ít quốc gia “đau đầu” khi những câu chuyện lừa đảo xuyên quốc gia, như trường hợp người bạn tôi bị “bạn trai ngoại quốc” quen qua mạng lừa đảo, xuất hiện ngày càng nhiều.
Công an Việt Nam đã nhiều lần cảnh báo các hình thức lừa đảo qua mạng có yếu tố nước ngoài, ví dụ lừa đảo “nhận tiền, quà từ nước ngoài”, mạo danh “nhân viên gìn giữ hòa bình” để lừa đảo, hay lừa đảo qua mạng để buôn chất cấm, thậm chí là buôn người. Đó là chưa kể đến các cảnh báo về tình trạng sử dụng hạ tầng, trang bị viễn thông tại Việt Nam để tổ chức, thực hiện các hoạt động phạm tội xuyên quốc gia, phổ biến là cờ bạc, cá cược, phát tán và truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy…
Chỉ tính riêng tại TP.HCM, chỉ trong khoảng năm tháng đầu năm 2024, công an đã khám phá 18 vụ chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng liên quan đến yếu tố người nước ngoài. Không chỉ TP.HCM và không chỉ Việt Nam, tội phạm mạng đã và đang trở thành mối đe dọa “an ninh phi truyền thống”, khiêu khích và thách thức các tổ chức quốc tế, các chính phủ và cả những người dân, doanh nghiệp lương thiện. Những con số thiệt hại về người và tài sản, tài chính luôn tăng mạnh qua các năm. Khi trí tuệ nhân tạo (AI) hòa nhịp vào hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông thì chỉ một vài “anh trai say bye” chuyên phông bạt xuyên quốc gia, lừa đảo những cô gái nhẹ dạ cả tin sẽ không thể nào lột tả hết bức tranh phức tạp, tinh vi và nguy hiểm của tội phạm mạng hiện đại.
Cái khó của các quốc gia không chỉ dừng ở chỗ lúng túng trong việc hiểu đúng bản chất, thể loại tội phạm mạng xuyên quốc gia, mà còn phải tìm cách xoay xở để điều tra, thu thập bằng chứng, tóm gọn những kẻ phạm tội khi chúng ẩn nấp ở những quốc gia khác có nền pháp luật, chính trị, văn hóa… rất khác. Các nước còn phải tìm cách cân bằng giữa lợi ích của nước mình, công dân mình với chủ quyền, quyền tự quyết, quyền lợi công dân của nước khác. Đó là chưa kể áp lực của các tổ chức quốc tế giám sát về quyền con người, một mặt ủng hộ việc trấn áp tội phạm nhưng mặt khác cũng yêu cầu đảm bảo quyền tự do con người, quyền bảo mật thông tin cá nhân… với những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt.
Rất may, sau nhiều năm nỗ lực đàm phán, Công ước Hà Nội về tội phạm mạng đã đứng trước thềm được ký, phê duyệt và có hiệu lực. Công ước như một viên thuốc hóa giải chứng đau đầu của nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam trong việc hợp tác chống tội phạm mạng.
Hy vọng tới đây, những “anh trai say bye” và các tổ chức, tập đoàn lừa đảo qua mạng xuyên quốc gia sẽ sớm được các nước đồng lòng xóa sổ!
ĐỖ THIỆN