Theo Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), các nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho hai bệnh nhân ngộ độc botulinum tại đây 130 triệu đồng.
Bệnh nhân là 2 anh em ruột (18 tuổi và 26 tuổi, thường trú tại Hậu Giang) nhập viện khoảng 3 tuần trước. Ông Hiển cho hay khi biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình người bệnh, Phòng công tác xã hội đã lập tức kết nối với các nhà hảo tâm để xin hỗ trợ.
Tuy nhiên, điều đáng lo là người em (18 tuổi) không có bảo hiểm y tế. Bệnh viện Chợ Rẫy đã trực tiếp liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang và nhận được sự hỗ trợ tích cực.
“Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Hậu Giang đã hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế có hiệu lực từ ngày 1/5 cho người em. Kết quả ngoạn mục này có được sau 2 giờ trao đổi với địa phương. Đây thực sự là điều may mắn”, ông Hiển xúc động bày tỏ.
Cũng theo ông Hiển, Phòng công tác xã hội sẽ tiếp tục liên hệ để hỗ trợ cho hai bệnh nhân, "không buông tay giữa chừng" vì thời gian nằm viện vẫn chưa biết khi nào kết thúc. Cha mẹ của các bệnh nhân từ TP Vị Thanh, Hậu Giang đã lên Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc con những ngày qua.
Sau 3 tuần điều trị, tình hình hai anh em ruột ngộ độc botulinum vẫn chưa có dấu hiệu khá hơn. Trong đó, người em 18 tuổi vẫn liệt cơ hoàn toàn. Các bác sĩ đã cố gắng mở khí quản sớm, ngăn ngừa nhiễm trùng, chống huyết khối, hỗ trợ dinh dưỡng...
Tuy nhiên, cập nhật chiều ngày 31/5, tình trạng liệt thần kinh cơ của bệnh nhân vẫn chưa cải thiện. Tình trạng nhiễm trùng đang được kiểm soát.
Tình hình của người anh 26 tuổi khá hơn ở thời điểm nhập viện. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, bệnh nhân diễn tiến xấu hơn, sức cơ tứ chi 2/5-3/5. Bệnh nhân cũng được mở khí quản sớm, ngăn ngừa huyết khối và nhiễm trùng.
Đây là 2 bệnh nhân nằm trong chùm ca bệnh người lớn ngộ độc botulinum tại TP.HCM vừa qua. Người bệnh có triệu chứng của rối loạn tiêu hóa, đau bụng, choáng váng sau một ngày ăn bánh mì kẹp chả lụa. Sau đó, các dấu hiệu nặng hơn, xuất hiện nhìn đôi, đau cơ và nhập viện ngày 15/5 với chẩn đoán ngộ độc botulinum. Khi đó, cả nước đều không còn thuốc giải đặc hiệu BAT.
Tối 24/5, 6 lọ thuốc được Tổ chức y tế thế giới viện trợ về đến TP.HCM và giao cho Bệnh viện Chợ Rẫy 2 lọ. Tuy nhiên, hai anh em bệnh nhân không có chỉ định truyền vì đã quá thời gian dùng thuốc giải độc hiệu quả.
Cũng trong tối 24/5, một bệnh nhân ngộ độc botulinum ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) tử vong mà không kịp dùng thuốc giải.