Kết quả của việc 'Snowdrop' chiếu hẳn 3 tập để chứng minh không xuyên tạc lịch sử: 2 tập mới nhất tiếp tục bị phát hiện có chi tiết tô hồng, bóp méo sự thật lộ liễu

Munnie (lược dịch),| 27/12/2021 12:47

Trước đó, trong tập 3 cũng đã xuất hiện hàng loạt tình tiết bóp méo khiến cộng đồng mạng Hàn Quốc phẫn nộ cùng cực.

Hồi tuần trước, trước những lời chỉ trích gay gắt của khán giả Hàn Quốc, JTBC đã ra tận 2 thông báo khẳng định bộ phim truyền hình "Snowdrop" không có bất kỳ chi tiết xuyên tạc lịch sử nào. Thậm chí, nhà đài còn quyết định chiếu hẳn 3 tập (thay vì 2 tập như thường lệ) vào dịp cuối tuần và yêu cầu khán giả hãy tiếp tục theo dõi để giải quyết hiểu lầm. Thế nhưng bất chấp tuyên bố cứng rắn đó của JTBC, cả 3 tập vừa lên sóng chẳng những không giúp "Snowdrop" tháo gỡ hiểu lầm mà ngược lại còn bị người xem chỉ ra thêm nhiều chi tiết bóp méo sự thật lịch sử khác.

Snowdrop-JTBC

Trước đó, trong tập 3 lên sóng vào ngày 24 tháng 12, khán giả Hàn Quốc tiếp tục chỉ ra hàng loạt chi tiết vô lý được đưa vào nội dung "Snowdrop", chẳng hạn như cảnh các nữ sinh vui chơi tiệc tùng mặc dù trong thực tế, sinh viên thời kỳ đó đang tham gia đấu tranh dân chủ. Vẫn tưởng tập 4 và 5 lần lượt lên sóng vào ngày 25 và 26 tháng 12 sẽ có những cú plot twist làm đổi chiều dư luận thế nhưng trên thực tế, người Hàn lại phát hiện thêm những chi tiết tô hồng, xuyên tạc thậm chí còn rõ ràng hơn trước.

Tập 4 - Gặp mặt gián điệp ở nhà thờ Công giáo

Trong tập 4, có một cảnh Im Su Ho (gián điệp Triều Tiên) đang cố gắng liên lạc với thành viên phe đối lập Hàn Quốc ở một điểm hẹn bí mật. Tuy nhiên địa điểm bí mật này sau đó lại bị phát hiện là phòng xưng tội của một nhà thờ Công giáo, nơi được xem là "thánh địa" của Phong trào dân chủ. Cụ thể, vào thời điểm Phong trào dân chủ 1987 diễn ra, nhà thờ Công giáo chính là nơi bảo vệ sinh viên và những người tham gia biểu tình. Chính vì thế việc "Snowdrop" để gián điệp Bắc Hàn xuất hiện trong nhà thờ Công giáo một lần nữa hợp pháp hóa quan điểm của Cơ quan An ninh Quốc gia, cho rằng những người biểu tình là chính là gián điệp nên NSA có quyền bắt giữ và tra tấn họ, đồng thời cũng coi thường giá trị và vai trò của nhà thờ trong những cuộc đấu tranh dân chủ thời kỳ đó.

Snowdrop-JTBC

Ngoài ra, có một điều khó hiểu hơn là "Snowdrop" đã phác họa cảnh một giáo sư đại học Hankuk, đồng thời cũng là một tín đồ Công giáo, liên lạc với gián điệp Bắc Hàn và gặp gỡ gián điệp ngay tại nhà thờ. Sự xuất hiện của nhân vật này ngay lập tức khiến người Hàn nghĩ ngay đến vụ án bí ẩn của Choi Jonggil - một giáo sư luật của Đại học Quốc gia Seoul và cũng là người theo đạo Công giáo. Ông đã bị Cơ quan Tình báo Trung ương (KCIA) bắt khi biểu tình chống lại chế độ Park Chung Hee, và họ thậm chí còn tuyên bố ông đã tự tử sau khi thừa nhận mình là gián điệp cho châu Âu. Tuy nhiên, gia đình Choi Jonggil, Giáo hội Công giáo và một số giáo sư học cùng ông ở nước ngoài đều khẳng định rằng ông đã bị tra tấn và giết hại. Năm 2002, chính phủ Hàn Quốc quyết định mở lại cuộc điều tra cho vụ án này và phát hiện ra rằng KCIA đã ném ông ra khỏi cửa sổ tầng 7 trong quá trình thẩm vấn sau khi đã bị tra tấn dã man.

Khi so sánh sự khác biệt giữa đời thật và phim - một giáo sư giúp đỡ Phong trào dân chủ đã bị giết trong khi bị cáo buộc là gián điệp và một giáo sư trực tiếp gặp gỡ và trò chuyện với một gián điệp Bắc Hàn, khán giả Hàn Quốc tin rằng đây chính là phân cảnh xuyên tạc lịch sử nghiêm trọng và rõ ràng nhất trong tập 4. Sau khi phân cảnh này được lan truyền rộng rãi trên các diễn đàn trực tuyến, biên kịch "Snowdrop" đã phải hứng chịu một làn sóng chỉ trích nặng nề từ netizen Hàn vì đã bóp méo quá nhiều sự kiện lớn xảy ra trong giai đoạn đó.

Snowdrop-JTBC

- "Họ đang cố tình xuyên tạc và bóp méo tất cả các sự kiện lớn xảy ra vào thời điểm đó đúng không? Biên kịch đúng là ác quỷ mà"

- "Cả cái phim này lẫn những kẻ bênh vực phim đều khiến tôi cảm thấy kinh tởm.. Tôi ghê tởm bọn chúng đến nỗi ngay cả chửi thề cũng không khiến tôi cảm thấy sảng khoái hơn... Tôi chỉ muốn đánh vào đầu bọn chúng thôi... Cảm giác như khi nhìn thấy những tên tội phạm tình dục vậy... Họ không hề quan tâm đến các nạn nhân của thời kỳ đó. Và gửi đến những ai đến giờ vẫn còn hỏi vấn đề của bộ phim nằm ở đâu, tôi hy vọng tất cả các người sẽ sớm bị nghiệp quật"

- "Khả năng sáng tạo của biên kịch quá kém nên cô ta phải mượn y nguyên những câu chuyện có thật trong lịch sử để đưa vào phim đúng không? Hay cô ta không chịu nghiên cứu gì trước khi viết?"

- "Thật kinh tởm"

- "Câu chuyện của vị giáo sư này đã được đề cập trong "The Story of That Day Biting the Tail", ai xem rồi sẽ biết. Em của giáo sư là một thành viên KCIA nhưng ông ấy vẫn bị đánh đến chết"

- "Chính xác thì mục đích của biên kịch là gì khi viết ra những cảnh như vậy...?"

Tập 5 - Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) bảo vệ người dân vô tội

Tập 5 của "Snowdrop" xuất hiện cảnh Im Su Ho bắt cóc Young Ro, và những người xuất hiện để giải cứu nữ chính lại là Cơ quan An ninh Quốc gia. Cuộc đối thoại giữa các bên trong cảnh này, đặc biệt là những câu nói của đội trưởng NSA như "Cô bé chỉ là một sinh viên trẻ tuổi thôi mà", "Tôi sẽ ở lại (làm con tin), vì vậy hãy thả các sinh viên ra đi",... đã và đang khiến cộng đồng mạng Hàn Quốc sục sôi bởi trên thực tế, NSA vốn được biết đến như một tổ chức thuộc chính quyền độc tài đã bắt giữ, tra tấn và giết hại rất nhiều người dân vô tội trong khi vu oan cho họ là gián điệp.

Với tình tiết được cho là tô hồng Cơ quan An ninh Quốc gia trong tập 5, làn sóng lên án JTBC đang tiếp tục trở nên dữ dội hơn bao giờ hết. Càng phát sóng, "Snowdrop" lại càng để lộ nhiều tình tiết "có vấn đề" nhưng lại không giải quyết được bất kỳ hiểu lầm nào như lời JTBC từng tuyên bố.

- "Đoạn đối thoại đó thật điên rồ. NSA đã giết rất nhiều sinh viên vô tội nhưng ở đây biên kịch lại cho nhân viên NSA nói ra những lời đó ư? Đến mức này mà họ vẫn tuyên bố phim không có vấn đề à? Chính JTBC và biên kịch đã nhiều lần chứng minh "Snowdrop" là một bộ phim xuyên tạc lịch sử rồi đấy"

- "Bộ phim này thật ấu trĩ. Không chỉ bóp méo lịch sử mà còn biến những điều chưa từng xảy ra thành sự thật, chưa kể là diễn xuất của các diễn viên đều rất kỳ quặc. Đến mức này thì biên kịch nên ngừng viết luôn đi. Mà chắc cô ta cũng không quan tâm đến kỹ năng viết của mình đâu vì cô ta luôn nghĩ là phim của mình sẽ thành công thôi"

- "Ngay khi nghe thấy đoạn đối thoại đó, tôi chỉ cảm thấy thật buồn nôn. Vậy mà JTBC dám nói sẽ có plot twist trong tập 5 ư? Thật kinh tởm"

- "Vậy là cuối cùng, đội trưởng NSA và các đặc vụ của anh ta chỉ là nạn nhân của quyền lực chính trị thời bấy giờ thôi đúng không? Đó là thứ họ muốn chúng ta xem à? Họ thực sự nghĩ đây là một thông điệp đúng đắn để truyền tải đến khán giả ư?"

- "Điên rồi ㅋㅋㅋㅋㅋ Ít nhất cũng nên cố gắng đừng quá lộ liễu như vậy chứ ㅋㅋㅋㅋㅋ Xem xong chỉ biết chửi thề thôi, vậy mà vẫn có những kẻ không chịu thừa nhận phim này đang tô hồng NSA sao? ㅋㅋㅋㅋ"

- "JTBC nói rằng họ sẽ giải quyết tất cả hiểu lầm trong tập 5 ㅋㅋㅋㅋ Nhưng thực tế là nội dung tập 5 còn tồi tệ hơn"

- "Mỗi cảnh đều kinh tởm nhưng JTBC lại nói với khán giả rằng "Hãy tin chúng tôi, xem tập 5 đi" ư?????"

- "Rồi đến plot twist chưa vậy? ㅡㅡ Không phải JTBC bảo chiếu hẳn 3 tập để khán giả thấy plot twist sao?"

- "Rồi phần nào không bóp méo lịch sử vậy?"

- "Một đặc vụ NSA cứu những sinh viên vô tội. Wow. Đúng là phim giả tưởng có khác nhỉ"

Trong khi đó, tập 5 của "Snowdrop" ghi nhận rating 2,75% trong tập 5 lên sóng vào tối 26 tháng 12. Mặc dù đã gia tăng đáng kể so với tập 3 và 4 nhưng con số chưa đến 3% này vẫn rất đáng báo động khi xét đến một thực tế rằng không có bất kỳ bộ phim nào phát sóng vào cùng khung giờ tối Chủ Nhật với "Snowdrop".

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Kết quả của việc 'Snowdrop' chiếu hẳn 3 tập để chứng minh không xuyên tạc lịch sử: 2 tập mới nhất tiếp tục bị phát hiện có chi tiết tô hồng, bóp méo sự thật lộ liễu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO