Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, trong nhiều năm qua, TP.HCM là đối tác quan trọng của các nhà đầu tư Thái Lan. Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa TP.HCM và Thái Lan năm 2021 đạt hơn 2,8 tỷ USD. Tính đến hết năm 2021, Thái Lan có khoảng 235 dự án với tổng vốn hơn 482 triệu USD, xếp thứ 12/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM.
Các doanh nghiệp Thái Lan đầu tư nhiều vào các ngành cơ khí, hóa chất, thực phẩm, vật liệu xây dựng, du lịch, dịch vụ kho bãi, logistics… Hằng năm, TP.HCM đón nhiều đoàn doanh nhân Thái Lan đến tìm hiểu cơ hội làm ăn và hợp tác trên địa bàn thành phố. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, TP.HCM đặt mục tiêu phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững. Đồng thời, xác định trọng tâm thực thi và tận dụng hiệu quả các cơ hội từ các các hiệp định của ASEAN với các đối tác.
Đại sứ Phan Chí Thành, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan phát biểu tại sự kiện. |
Theo thống kê, Thái Lan hiện là đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại Việt Nam với hơn 600 dự án với tổng giá trị đạt hơn 13 tỷ USD. Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, với kim ngạch 2 chiều năm 2021 đạt 19,5 tỷ USD, riêng quý I/2022 đạt 5 tỷ USD. Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại lên 25 tỷ USD vào năm 2025.
Theo ông Phan Chí Thành, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Thái Lan, TP.HCM là điểm dừng chân thứ 4 của Đoàn trong hành trình đi qua 5 tỉnh, thành phố là trung tâm kinh tế lớn của ba miền Bắc, Trung, Nam gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Kiên Giang, TP.HCM và Thủ đô Hà Nội. Đây là lần đầu tiên Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan tổ chức đoàn các doanh nghiệp Thái Lan gốc Việt về Việt Nam, với số lượng tương đối lớn, nhằm kết nối đầu tư, thương mại và du lịch với các doanh nghiệp Việt Nam, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế của các địa phương Việt Nam với Thái Lan.
Tại diễn đàn, các đại biểu nhấn mạnh, có thể khẳng định dư địa hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn còn rất lớn nếu phát huy được sự kết nối kinh tế trực tiếp giữa địa phương với địa phương và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Vì vậy, diễn đàn được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp giữa hai nước trong việc thiết lập kênh hợp tác, làm ăn lâu dài trong thời gian tới.
Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Thái Lan - Việt Nam Hồ Văn Lâm đề xuất TP.HCM tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tại Thái Lan, để từ đó các tập đoàn, các doanh nghiệp và người dân Thái Lan và đặc biệt là bà con kiều bào có cơ hội trao đổi thương mại với các doanh nghiệp của thành phố.
Đồng thời, hàng năm, tổ chức các chương trình kết nối cho bà con kiều bào Thái Lan về tham quan và tìm hiểu các lĩnh vực du lịch, thương mại của TP; kịp thời thông tin về các chính sách ưu đãi đầu tư, quy trình đầu tư đối với các doanh nghiệp kiều bào, các tập đoàn Thái Lan khi có nhu cầu trao đổi thương mại và đầu tư vào TP.HCM.
Diễn đàn thu hút khoảng 180 đại biểu đại diện các doanh nghiệp Thái Lan, doanh nghiệp TP.HCM, các sở, ngành, đơn vị liên quan… tham dự. |
Ông Nguyễn Văn Minh, Hội doanh nhân Thái Lan - Việt Nam tại Bangkok chia sẻ, Việt Nam - Thái Lan nói chung, TP.HCM - Thái Lan nói riêng có nhiều điều kiện để thúc đẩy hợp tác thương mại các sản phẩm thế mạnh của nhau. Tuy hiện hiện nay, hàng hoá Thái Lan khá phổ biến tại Việt Nam trong khi hàng hoá Việt Nam ở Thái Lan còn hạn chế.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Việt Nam vẫn có những sản phẩm đặc thù mà thị trường Thái Lan có nhu cầu hoặc có thể xuất khẩu sang Thái Lan để tiếp tục xuất khẩu sang các thị trường khác. Do đó, cần tận dụng mạng lưới doanh nhân người Việt tại Thái Lan để thúc đẩy đưa hàng hoá Việt Nam phủ sóng rộng rãi hơn ở Thái Lan trong thời gian tới.