Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học & Công nghệ, và Chủ tịch các Hội trí thức NVNONN tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật, Pháp, Đức, Anh, Ba Lan, Nga, Hungary, Thụy Sĩ; Trưởng các Văn phòng Khoa học Công nghệ Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các chuyên gia, nhà khoa học kiều bào, doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ, đơn vị tham gia Techfest 2021, đại diện một số địa phương và cơ quan quản lý liên quan.
Hội thảo hướng đến 2 mục tiêu chính: Thu hút các chuyên gia công nghệ, trí thức kiều bào đưa ra các khuyến nghị, sáng kiến trong việc ứng dụng công nghệ và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hỗ trợ cho sự phục hồi hướng tới phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia; Đối thoại, chia sẻ nhu cầu của các địa phương và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước với các chuyên gia kiều bào về kinh nghiệm thực tế, khuyến nghị xây dựng cơ chế chính sách thu hút, hỗ trợ kiều bào tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu phát biểu tại hội thảo. |
Phát biểu Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh quan điểm phát huy hiệu quả các nguồn lực là điều kiện tiên quyết cho phát triển đất nước được đưa ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Thực hiện chủ trương đó, Bộ Chính trị cũng ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 về công tác NVNONN trong tình hình mới, nhấn mạnh nhiệm vụ “phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích và tạo điều kiện để NVNONN đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Thứ trưởng khẳng định, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Nhà nước về NVNONN sẽ phát huy vai trò kết nối các chuyên gia trí thức kiều bào tham gia sâu hơn nữa vào các hoạt động khoa học công nghệ trong nước và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam thông qua việc thành lập “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ”. Đây là mạng lưới được Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Ngoại giao bảo trợ.
Ông Phạm Quang Hiệu bày tỏ hy vọng thông qua mạng lưới này, các cơ quan quản lý nhà nước có thể phát huy nguồn lực, cũng như lắng nghe phản hồi từ kiều bào về những vướng mắc khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, cũng như về tiềm năng và vai trò của các Hội trí thức kiều bào trong công tác hỗ trợ, kết nối đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ.
Các kiều bào chia sẻ tại hội thảo. |
TS Lê Đức Anh, Chủ tịch Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản cho biết cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản phát triển rất nhanh với gần 500.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản, trong đó số lượng nhiều là trí thức. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản chia làm 4 khối: Cộng đồng các nhà khoa học; Cộng đồng các chuyên gia, Cộng đồng thanh niên, sinh viên; Cộng đồng doanh nghiệp làm về đổi mới, sáng tạo... 4 khối cộng đồng liên kết chặt chẽ với nhau qua một kênh chung là Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản.
"2 năm một lần Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản sẽ tổ chức diễn đàn Trí thức Việt Nam tại Nhật Bản. Đây chính là diễn đàn để các khối cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản ngồi lại chia sẻ với nhau. Tôi mong muốn trong tương lai sẽ có những đại diện đến từ Việt Nam tham dự. Đây là đầu mối để kết hợp nguồn lực tri thức Nhật Bản, những tinh hoa của trí thức người Việt tại Nhật Bản với các nhu cầu ở trong nước".
Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hội trí thức tại Anh và Ireland cũng cho biết, Hội trí thức tại Anh và Ireland được thành lập vào năm 2020, hiện có trên 50 thành viên và các thành viên đều có trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Hội có nguyện vọng giao lưu, kết nối hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau cùng hướng về Việt Nam thông qua các hoạt động thiết thực đóng góp cho sự phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội của đất nước.
Còn tại Đức, cộng đồng người Việt là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất với 180.000 người và tiêu biểu cho sự thành công về hội nhập. Trong số đó, có các chuyên gia, trí thức, sinh viên của người Việt làm việc tại các tập đoàn lớn của Đức. Trong những năm qua, mạng lưới đổi mới, sáng tạo của người Việt tại Đức đã tổ chức hội thảo, chương trình tăng cường năng lực cạnh tranh của trí thức chuyên gia người Việt ở Đức, tăng cường, trao đổi hợp tác với các trường đại học, công ty ở Việt Nam. "Sự đào tạo cơ bản tại Đức và sự nỗ lực của bản thân, rất nhiều người gốc Việt tại Đức thành công. Đây là tiềm năng cần động viên, mang công nghệ, truyền thống trao đổi với thế hệ trẻ chuyên gia tri thức Việt Nam", GS.TS Nguyễn Xuân Thính, Chủ tịch Hội trí thức tại Đức chia sẻ.
Các diễn giả tại hội thảo. |
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng khẳng định những nỗ lực hợp tác của Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhà nước về NVNONN - Bộ Ngoại giao và nhiều bộ, ngành, cơ quan đặc biệt qua chương trình "Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu" với mục tiêu xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
Thứ trưởng nhấn mạnh, Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp đã và đang triển khai sáng kiến về “Nền tảng đổi mới sáng tạo mở" nhằm thúc đẩy và mở rộng cơ hội hợp tác, đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước giữa các tập đoàn, doanh nghiệp lớn và các nhà sáng chế, nghiên cứu, công ty khởi nghiệp. Từ đó, tạo ra lực đẩy đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa giữa các thành phần kinh tế, góp phần giúp phục hồi và tăng trưởng chủ động trong thời kỳ bình thường mới.
Hội thảo “Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Quốc gia” được kỳ vọng là nơi kết nối chủ tịch các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hoạt động ở Việt Nam với Chủ tịch các hội chuyên gia kiều bào, “đặt hàng” về nhu cầu chuyên gia cũng như nhu cầu nội tại trong doanh nghiệp, từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp phù hợp góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.