Kết cục buồn thảm của công chúa Lọ Lem ngoài đời thật

Vĩnh Ngọc| 07/06/2022 10:42

Cô gái thường dân Bamba Müller được coi là "công chúa Lọ Lem hiện đại" sau khi kết hôn với một vị hoàng đế nhưng cuối cùng, cô có kết thúc bi thảm ở tuổi 39.

Bamba Müller sinh năm 1848, là con gái của Ludwig Müller, một thương gia người Đức và nhân tình người gốc Ethiopia tên là Sofia. Cha của Bamba đã có vợ, do đó ông gửi đứa con gái ngoài giá thú của mình cho các nhà truyền giáo ở Cairo, Ai Cập chăm sóc. Cha của Bamba Müller trả tiền cho việc học của con gái và luôn giữ liên lạc với những người truyền giáo. Müller sớm trở thành một thành viên nhiệt tình và lôi cuốn của cộng đồng Cơ đốc giáo và là cô gái duy nhất trong nhóm được chọn lọc tại một cơ quan truyền giáo của Mỹ ở Cairo, Ai Cập.

Năm 1864, Duleep Singh, hoàng đế cuối cùng của đế quốc Sikh (một nhà nước bắt nguồn từ Tiểu lục địa Ấn Độ, được vua Ranjit Singh thành lập) đã đi qua Cairo, Ai Cập và ông đến thăm những người truyền giáo ở đó.

Duleep Singh được biết đến với biệt danh "Hoàng tử đen của Perthshire" vì lối sống rất xa hoa. Ông lên nắm quyền khi mới 5 tuổi nhưng sau thất bại của đế quốc Sikh trong chiến tranh Anh - Sikh, ông bị Hoàng gia Anh phế truất và sau đó bị đày sang Anh ở tuổi 15. Duleep Singh được ban quản lý các công ty ở Đông Ấn chu cấp tiền với điều kiện phải tuân thủ các yêu cầu của chính phủ Anh. Duleep lớn lên như một người theo đạo Thiên chúa.

Khi trở về từ Bombay, Ấn Độ, Duleep đi qua Cairo, Ai Cập, đến thăm các nhà truyền giáo ở đó vào ngày 10/2/1864 và tặng rất nhiều tiền cho hội truyền giáo. Vài ngày sau, ông lần đầu tiên gặp Bamba Müller, người đang là người hướng dẫn tại cơ quan truyền giáo. Cô là cô gái duy nhất ở đó đã dấn thân theo đời sống Cơ đốc nhân.

Kết cục buồn thảm của công chúa Lọ Lem ngoài đời thật - 1

Bamba Müller và chồng Duleep Singh (Ảnh: Pinterest).

Duleep Singh đã viết thư cho các giáo viên tại trường truyền giáo với hy vọng rằng họ sẽ giới thiệu cho ông một người vợ vì ông đang sống ở Anh và ông muốn có một người vợ Cơ đốc giáo gốc phương Đông.

Nữ hoàng Victoria khi đó đã nói với Duleep rằng ông nên kết hôn với một công chúa Ấn Độ được đào tạo ở Anh, nhưng Duleep Singh muốn có một người vợ đơn giản hơn. Đề xuất của ông cuối cùng phải được thực hiện thông qua một bên trung gian vì Duleep không nói được tiếng Ả Rập, vốn là ngôn ngữ duy nhất của Müller.

Các nhà truyền giáo đã thảo luận vấn đề này với Bamba Müller nhưng ban đầu, cô không chắc mình có nên chấp nhận lời đề nghị thông qua những người truyền giáo hay không bởi mơ ước của Bamba Müller là được dạy học cho trẻ em trong một trường truyền giáo. Bamba Müller hỏi ý kiến cha nhưng ông cho biết, ông tôn trọng lựa chọn của con gái mình. Müller cuối cùng đã đưa ra quyết định kết hôn sau khi cầu nguyện và xin ý kiến từ Chúa.

Hoàng đế trẻ Duleep Singh đã đóng góp một khoản tiền lớn cho trường và kết hôn với Bamba Müller vào ngày 7/6/1864 tại Lãnh sự quán Anh ở Alexandria, Ai Cập. Buổi lễ được mô tả là ngắn gọn, đơn giản. Cả hai đều mặc âu phục mặc dù Duleep vẫn đội khăn xếp. Cô dâu 16 tuổi Bamba đeo đồ trang sức đơn giản, mặc một chiếc váy ngắn tay, cài những bông hoa màu cam trên tóc và đeo một tấm mạng che mặt. Vị hoàng đế 26 tuổi tuyên thệ bằng tiếng Anh trong khi Bamba nói bằng tiếng Ả Rập.

Sau đám cưới, cặp đôi đi nghỉ tuần trăng mật ở Cairo, Ai Cập trước khi lên tàu biển đến Anh vào tháng 7/1864. Bamba được nữ hoàng Victoria đón tiếp nồng nhiệt. Bamba, từ đứa con ngoài giá thú được cho là đã "đổi đời" sau khi cưới một vị vua trẻ.

Trong mười năm đầu của cuộc hôn nhân, Bamba gần như liên tục mang thai. Đứa con trai đầu lòng của vợ chồng Bamba Müller - Duleep Singh đã chết chỉ vài ngày sau khi chào đời. Sau đó Bamba Müller sinh được sáu người con, ba con trai và ba con gái đều khỏe mạnh. Bamba có rất nhiều vú em giúp cô chăm sóc con nhỏ.

Sau khi có nhiều con, tình hình tài chính của Duleep bắt đầu vượt quá tầm kiểm soát và Bamba thì dần cảm thấy không hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của họ. Duleep nhiều lần ngoại tình và thậm chí có con ngoài giá thú.

Cuộc sống buồn phiền, Bamba bắt đầu uống rượu nhiều và rút lui hoàn toàn khỏi những nơi công cộng. Trong khi đó, Duleep làm mọi cách để có thêm tiền. Sau hai năm xa nhà, Duleep Singh quay trở lại chỉ để lấy đi những vật có giá trị trong ngôi nhà và còn đe dọa vợ là ông sẽ bỏ đạo Cơ đốc khiến Bamba Müller chỉ biết khóc.

Năm 1886, Duleep quyết định đưa vợ con trở về Ấn Độ. Trên đường về Ấn Độ, ông bị bắt ở Aden, Yemen. Người Anh không muốn ông đi tiếp còn Duleep không muốn quay lại. Bamba ngày càng trở nên tuyệt vọng và cuối cùng, Duleep đã mủi lòng và đưa Bamba cùng con cái lên tàu trở lại Anh. Hai tuần sau đó, ông được thông báo là ông có thể đi mọi nơi miễn là không phải Ấn Độ. Duleep Singh đã rời đi cùng bạn gái mới Ada Weatherill.

Diễn viên Satinder Sartaaj đến thăm mộ vua Duleep Singh (Video: Norfolk Now).

Trong khi đó, Bamba và các con của mình không có nơi nào để đi. Nữ hoàng Victoria bèn cho phép Bamba Müller và các con chuyển đến nơi ở cũ của Duleep tại Holland Park, London, Anh. Ngôi nhà trống rỗng khiến một trong những người con trai của Bamba Müller đã viết thư cho cha đề nghị giúp đỡ nhưng Duleep Singh kiên quyết nói rằng ông sẽ không trở lại Anh.

Vào tháng 9/1887, Sophia, một người con của Bamba Müller mắc bệnh thương hàn và Bamba Müller đã ở cạnh con gái suốt đêm. Khi trời sáng, cô bé Sophia thức dậy thì thấy mẹ của mình đã chết trên sàn nhà. Nhiều nguồn tin cho rằng, Bamba đã bị ngã và hôn mê. Sau đó, có thông tin cho rằng Bamba bị suy thận do bệnh tiểu đường cấp tính. Bamba Müller qua đời khi mới 39 tuổi.

Nữ hoàng Victoria sau đó đã ghi lại trong nhật ký của mình rằng: "Maharani Bamba đã qua đời khá đột ngột vào ngày hôm qua. Thật kinh khủng cho những đứa trẻ tội nghiệp không cha, không mẹ!". Ngoài ra, bà còn viết thư cho con gái của mình, công chúa Beatrice và kể rằng: "Bamba khốn khổ đã chết vì tất cả những lo lắng mà cô ấy đã trải qua cùng với việc bị chồng bỏ rơi".

Cuộc hôn nhân của Bamba Müller với hoàng đế thường được miêu tả giống như trong truyện cổ tích Công chúa Lọ Lem nhưng ngoài đời thật, hạnh phúc không trọn vẹn đối với Bamba Müller. Các nhà truyền giáo sau đó kể rằng, cuộc sống của Bamba ở Anh đã trải qua nhiều thăng trầm, đau khổ bởi Bamba không dễ dàng hòa hợp với cuộc sống quý tộc và những sự phù phiếm trong cuộc sống của chồng mình.

Sau khi qua đời, Bamba được chôn cất tại Elveden, Anh quốc. Sau đó hai năm, chồng cô kết hôn với Ada Douglas Wetherill và có thêm hai người con.

Con trai của Bamba Müller là Albert Edward Alexander Duleep Singh chết ở tuổi 13 vào năm 1893 và được chôn cất bên cạnh mẹ. Cũng trong năm 1893, hoàng đế cuối cùng của đế quốc Sikh Duleep Singh qua đời ở tuổi 55 tại Paris, Pháp. Thi thể của ông được đưa về Anh chôn cất bên cạnh vợ và con trai.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/van-hoa/ket-cuc-buon-tham-cua-cong-chua-lo-lem-ngoai-doi-that-20220606140512276.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/van-hoa/ket-cuc-buon-tham-cua-cong-chua-lo-lem-ngoai-doi-that-20220606140512276.htm
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Kết cục buồn thảm của công chúa Lọ Lem ngoài đời thật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO