Con số này được đề cập trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 (từ tháng 10/2023 đến hết tháng 9/2024), do Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang thay mặt Chính phủ ký.
Báo cáo về tình hình, kết quả công tác đấu tranh với tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ trưởng Công an cho biết tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu tiếp tục diễn biến phức tạp.
Nổi lên là vi phạm về quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu; phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước để trục lợi, nhận hối lộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, xây dựng; lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ để trục lợi gây bức xúc trong nhân dân.
Điển hình là vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần tập đoàn Phúc Sơn; vụ án tại Công ty cổ phần tập đoàn Thuận An.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Công an cho biết đã phát hiện một số lĩnh vực và phương thức, thủ đoạn phạm tội mới như: Tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thẩm định giá trong tố tụng hình sự; đối tượng sử dụng giấy tờ giả để đăng ký chữ ký số, lợi dụng ngân hàng thương mại để thực hiện hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới bằng phương thức cho, tặng sổ tiết kiệm…
Trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo chủ động phát hiện, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, xây dựng cơ bản, đầu tư công, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả.
Bộ trưởng Công an cũng nhấn mạnh chủ trương đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án lớn, vụ án mới với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực"; thu hồi triệt để tài sản cho nhà nước, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Trong kỳ báo cáo gần một năm, Bộ trưởng Công an cho biết các cơ quan đã phát hiện gần 5.600 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế; 956 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ; gần 4.600 vụ buôn lậu.
Cũng trong năm 2024, Chính phủ nhận định tình hình tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia tiếp tục diễn biến phức tạp, hành vi chủ yếu là tuyên truyền chống Nhà nước.
Các cơ quan chức năng đã khởi tố 34 vụ, 43 bị can để điều tra, làm rõ các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, góp phần bảo vệ và giữ vững ổn định chính trị, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng thông tin, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới.
Nổi lên là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn ra với các phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi; hoạt động tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng; các đường dây điều hành hoạt động "tín dụng đen" qua mạng…
Đáng chú ý là hoạt động tấn công mạng để chiếm đoạt các tài khoản mạng xã hội của người có ảnh hưởng trên không gian mạng, sau đó đổi tên, phát tán các thông tin, hình ảnh quảng cáo để phục vụ mục đích cá nhân, hoạt động vi phạm pháp luật để trục lợi.
Cụ thể một số kênh YouTube của người nổi tiếng có lượng người theo dõi cao như: Độ Mixi, Quang Linh Vlog đã bị tin tặc tấn công, chiếm đoạt.
Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo an toàn, an ninh mạng quốc gia đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp khắc phục các nguy cơ về an toàn, an ninh mạng.
Trong đó, các lực lượng đã tập trung đấu tranh, triệt phá 28 chuyên án phạm tội sử dụng công nghệ cao, khởi tố 22 vụ án, 72 bị can.
Lực lượng chức năng đã ngăn chặn truy cập trên 23.500 trang mạng, tài khoản mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật; khởi tố 1.521 vụ, 658 đối tượng phạm tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông.