Kênh Xà No được hình thành như thế nào trong lịch sử phương Nam?

12/12/2023 20:39

Kênh Xà No, hay kênh xáng Xà No, được xem như tâm điểm của Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023 từ ngày 11 đến ngày 14/12.

Kênh Xà No được khởi công từ năm 1901. Ảnh: Quốc Nhật.

Kênh Xà No được khởi công từ năm 1901. Ảnh: Quốc Nhật.

Kênh Xà No được xác định là công trình thủy lợi lớn đầu tiên ở Nam bộ có sự trợ lực của kỹ thuật phương Tây. Lúc bắt tay thực hiện, công trình kênh Xà No về đường sông được so sánh mức độ hoành tráng tương đương với công trình xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho về đường bộ.

Sự thuận lợi và tầm quan trọng của kênh Xà No cần được nhìn nhận thế nào trong lịch sử phát triển chung? Giáo sư Nguyễn Văn Trung (1930 - 2022) trong công trình nghiên cứu “Hồ sơ về lục châu học – Tìm hiểu con người ở vùng đất mới”, đã nhận định: “Nam Kỳ nhiều sông rạch chằng chịt, thiên nhiên tạo ra đã nhiều mà con người tạo ra cũng lắm. Việc lưu thông đường thủy trong toàn vùng Nam Kỳ quá dễ dàng, một con thuyền nhỏ có thể đưa người từ Sài Gòn xuống Cần Thơ, Long Xuyên vào bất cứ tháng nào trong năm.

Sự thống nhất tại Nam Kỳ cao đến độ trong 6 tỉnh Nam Kỳ, cách nói và phát âm tiếng Việt giống nhau... Nam Kỳ có chu vi tiếp xúc với Thái Bình Dương nhiều hơn đất liền, vùng biển lại yên tĩnh. Do địa lý của mình, Nam Kỳ đã là cánh cửa mở của Việt Nam ra thế giới”.

Trước khi có kênh Xà No, tại Nam bộ cũng đã có vài công trình thủy lợi khác. Vào thời vua Minh Mạng đã triển khai kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế như những công trình chiến lược. Khi kênh được đào thì đất ráo phèn, ruộng vườn dễ khai phá. Khi kênh được đào, giao thông được giải quyết mà dân chúng cũng qui tụ ở nơi “sông sâu nước chảy”.

Khi người Pháp đặt chân đến Nam bộ, thì một trong những mối bận tâm của họ là nạo vét lại các con rạch để tạo ra những dòng kênh. Năm 1866, kênh Bến Lức và kênh Bảo Định đã hình thành ở qui mô khiêm tốn. Năm 1875, đô đốc Duperre cho đào lại kênh Chợ Gạo và kênh Trà Ôn. Thậm chí năm 1893, quan toàn quyền De Lanessan còn cho đấu thầu tại Paris để tìm đối tác cải tạo kênh rạch Nam bộ, mà kết quả là công ty Montvenoux đã trúng thầu với mức giá “ba cắc rưỡi một thước khối”. Và họ triển khai một trong những dự án theo hình thức ấy là kênh Ô Môn được tiến hành năm 1896.

Nghĩa là, đã có nhiều đợt “tập dượt” khá tưng bừng chuẩn bị các điều kiện cho sự xuất hiện của công trình thủy lợi lớn nhất Nam bộ đầu thế kỷ 20. Ai là người đưa ra ý tưởng đào kênh Xà No? Theo các tài liệu ghi chép cũ, thì đó là hai thương nhân người Pháp, Duval và Guery. Do thấy vùng Hậu Giang đất rộng nên Duval và Guery đã “vận động hành lang” với quan toàn quyền Paul Doumer để phác thảo kênh Xà No vào năm 1900.

Tất nhiên, ý tưởng đào kênh xuất phát từ ham muốn ích kỷ của hai thương nhân Duval và Guery, nhằm thâu tóm đất đai mênh mông làm đồn điền riêng. Thực tế, kênh Xà No vừa khởi công thì Duval và Guery đã được cấp không 25 ngàn mẫu đất nằm trên trục chính của công trình này.

Kênh Xà No được đào từ tháng 2/1901 đến tháng 7/1903, bề ngang trên mặt rộng 60m, bề sâu đến đáy 40m. Tổng kinh phí là 3,68 triệu quan (một quan tương đương 600 đồng).

Kênh Xà No được đào bằng tiến bộ kỹ thuật thủy lợi phương Tây. Nhà thầu sử dụng loại xáng lớn chạy bằng hơi nước, với những giàn gàu bằng sắt. Máy của xáng mạnh 350 mã lực, mỗi gàu sắt múc được 375 lít, thổi bùn ra xa đến 60m. Giàn gàu của xáng chạy theo vòng tròn, như xe đạp nước. Từ xa, chiếc xáng giống như chiến hạm, máy chạy vang rền suốt 53 cây số, mang theo các chuyên gia Pháp và hàng trăm ngàn công nhân. Dọc theo hai bên bờ phải có đoàn xe chở củi theo để đốt nồi sốt-de vận hành xáng.

Nhà văn Sơn Nam trong cuốn sách “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” đã tiết lộ nhiều chi tiết thú vị trong quá trình thi công kênh Xà No: “Vài chuyện khôi hài đã xảy ra, một số dân chạy theo xáng, dùng thúng mà hứng bùn đãi vàng, nhưng chỉ gặp xương người và xương thú. Nhiều người cho rằng cứ “cắm dùi” là đất ấy về phần mình, vì mình đến trước nhất. Cu-li của hãng xáng tụ tập, bày ra đánh bài, uống rượu hoặc đi ăn cướp. Bọn cặp – rằn đo đất thì hăm dọa những chủ nhà ở gần con kênh sắp đào để tống tiền, ai cho tiền thì nhà cửa, vườn tược khỏi bị đào ngang. Bọn chuyên viên người Pháp đứng cao trên xáng, hò hét như các vị chỉ huy chiến hạm. Khung cảnh trầm hùng này đã in sâu vào giai thoại thời ấy, trở thành ca dao. Còn chiếc xáng của Tây là sức mạnh cơ khí vô địch”.

Kênh Xà No đoạn chảy qua thành phố Vị Thanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Kênh Xà No đoạn chảy qua thành phố Vị Thanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Lễ khánh thành kinh Xà No là một sự kiện trọng đại, vì đó có lẽ là lần đầu tiên quan toàn quyền Đông Dương mới chịu đặt chân đến miệt Hậu Giang. Và kinh Xà No đã giúp đồn điền của hai thương nhân Duval và Guery chiếm lĩnh khu vực đất đai màu mỡ nhất Nam Kỳ.

Hai thương nhân Duval và Guery thuê cựu quân nhân Pháp làm cai điền với súng ống hẳn hoi, xét bắt xuồng ghe qua lại kênh Xà No. Ai chở lúa lậu thì bọn cai điền lập biên bản và giao cho tòa án. Dân chúng ở gần Duval và Guery đều bực dọc về thể thức xét hỏi này, vì lúa của họ bị kiểm soát khi mượn đường nước đi ngang kênh Xà No. Kênh của nhà nước, nhưng điền chủ Tây xem như khu vực sở hữu của họ.

Nhờ kênh Xà No, triển vọng thương mại được rộng mở và cần sản lượng lúa gạo dồi dào hơn để cung ứng. Phòng Dinh Điền được thành lập năm 1908 tại Cần Thơ, nhằm tìm kiếm lao động từ miền Bắc và miền Trung vào Nam phục vụ cho việc sản xuất. Công ty Association Rizicole Indochinoise đã gửi chuyên gia qua Mỹ nghiên cứu các loại máy cày, và rước chuyên gia canh nông Alazard đến Thới Lai năm 1910 với mục tiêu cải tiến kỹ thuật canh tác.

Nhiều hoạt động kinh doanh lúa gạo đã “ăn theo” kênh Xà No mà bùng nổ. Ở Vàm Xáng (nơi khởi đầu kênh Xà No phía Cần Thơ) đã có chợ Vàm Xáng làm đầu mối lúa gạo vào năm 1908. Trong cuốn sách “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, nhà văn Sơn Nam cho biết: “Lúa từ phía Rạch Giá theo kênh Xà No chở ra chợ Cái Răng, do người Hoa kiều mua về, mướn nhà máy xay ra gạo tại chỗ trước khi đem về Chợ Lớn mà xuất cảng. Nhờ đó, chợ Cái Răng trở thành kho lúa gạo lớn to lớn với nhiều dịch vụ mua bán mà người Hoa kiều thao túng trên thị trường nội địa”.

'Con đường lúa gạo' hôm nay. Ảnh: Tùng Đinh.

"Con đường lúa gạo" hôm nay. Ảnh: Tùng Đinh.

Không thể nói khác hơn, kênh Xà No ra đời đã tạo ra con đường lúa gạo đầu tiên của người Việt Nam. Sự thịnh vượng của lúa gạo xung quanh kênh Xà No được gửi lại trong câu hát quan thuộc “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền/ Anh thương em cho bạc cho tiền/ Đừng cho lúa gạo xóm giềng họ hay”.

Theo nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/kenh-xa-no-duoc-hinh-thanh-nhu-the-nao-trong-lich-su-phuong-nam-d371146.html?fbclid=IwAR0BZwwgfGW5QV06m4n8fm1a5Uixe7F_Ju4vTybGTkqR0BxQH-uHWggScyI_aem_AYH6jq3qK93o1K4HpaCx9zVvqfxQsF8NMeLHdo05XmsgguAOCTxAJ61SyrOW_6xlopc
Copy Link
https://nongnghiep.vn/kenh-xa-no-duoc-hinh-thanh-nhu-the-nao-trong-lich-su-phuong-nam-d371146.html?fbclid=IwAR0BZwwgfGW5QV06m4n8fm1a5Uixe7F_Ju4vTybGTkqR0BxQH-uHWggScyI_aem_AYH6jq3qK93o1K4HpaCx9zVvqfxQsF8NMeLHdo05XmsgguAOCTxAJ61SyrOW_6xlopc
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Kênh Xà No được hình thành như thế nào trong lịch sử phương Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO