Kế hoạch hòa bình 15 điểm Nga-Ukraine: Hành trình đi tìm tiếng nói chung

Phương Hà| 17/03/2022 19:19

Các vòng đàm phán Nga-Ukraine hiện đang có những tiến triển nhất định, tuy sẽ là một hành trình khó khăn nhưng đều thấy được sự thiện chí từ hai phía.

Kế hoạch hòa bình 15 điểm Nga-Ukraine: Hành trình đi tìm tiếng nói chung
Nga-Ukraine đã trải qua 4 vòng đàm phán. (Nguồn: TASS)

Dự thảo kế hoạch cần chi tiết

Nga và Ukraine trong quá trình đàm phán đã phát triển một dự thảo kế hoạch hòa bình gồm 15 điểm. Trong đó, tài liệu dự thảo này đề cập đến việc Kiev phải cắt giảm Lực lượng Vũ trang Ukraine và tuyên bố đi theo con đường trung lập.

Nga sẽ đồng ý ngừng bắn và rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine nếu chính quyền Kiev từ bỏ kế hoạch gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời đảm bảo không cho phép các căn cứ quân sự hoặc vũ khí nước ngoài hiện diện trên lãnh thổ Ukraine.

Moscow sẽ buộc Kiev phải đảm bảo người dân nói tiếng Nga ở Ukraine có quyền nói tiếng mẹ đẻ của họ và không phân biệt đối xử trên cơ sở ngôn ngữ. Đổi lại, Ukraine có thể được đảm bảo an ninh dưới hình thức được Mỹ, Anh hoặc Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ.

Tuy nhiên, phía Ukraine vẫn chưa đồng ý một số điểm trong dự thảo kế hoạch này. Đó là việc công nhận bán đảo Crimea là lãnh thổ của Nga và công nhận nền độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng.

Ông Andrey Kortunov, Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế Nga (RIAC) lưu ý rằng dự thảo kế hoạch này cần phải được chi tiết hóa.

Trước hết, cần phải hiểu những hạn chế đối với quân đội Ukraine là gì và Kiev có thể phát triển quan hệ hợp tác với các nước thành viên NATO như thế nào.

Ông Kortunov bình luận: “Khi chúng ta nói về các đảm bảo an ninh, điều quan trọng là Ukraine sẽ được đảm bảo những hình thức an ninh nào. Ukraine sẽ tìm cách có được những bảo lãnh được áp dụng cho lãnh thổ nước này trước năm 2014. Khi đó, những đảm bảo đó được áp dụng cho cả vùng Donbass và Crimea. Vì vậy, Nga khó có thể chấp nhận điều này”.

Chuyên gia Kortunov cũng lưu ý rằng Ukraine sẽ khó có thể chấp nhận để mất vùng Donbass và Crimea. Ông cũng chỉ ra một số vấn đề gây tranh cãi khác cần được chi tiết hóa.

Vị chuyên gia này lập luận: “Ví dụ, việc Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine sẽ được tiến hành như thế nào? Lịch trình ra sao? Liệu việc này có phải tuân theo các điều kiện của Ukraine hay không?”

Ngoài ra, ông Kortunov cho rằng dự thảo kế hoạch này cũng cần trình bày rõ vấn đề tái thiết sau chiến tranh. Chuyên gia giải thích: “Nga cho rằng Ukraine cần tài trợ cho việc tái thiết Donbass. Còn Ukraine cho rằng Nga cần khôi phục toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Vì vậy, vấn đề này cũng cần đi đến những điểm chung để có thể dẫn đến một tầm nhìn chung”.

Xuất phát từ thiện chí

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho rằng còn quá sớm để tiết lộ bất kỳ gói thỏa thuận nào giữa Moscow và Kiev. Ông cũng gọi đề xuất của Kiev về việc phi quân sự hóa Ukraine theo mô hình của Thụy Điển và Áo (quốc gia phi quân sự, có lực lượng vũ trang riêng) là một thỏa hiệp.

Ông Vladimir Medinsky, Trưởng phái đoàn Nga tham gia đàm phán với Ukraine nói rõ rằng đề xuất của Kiev đã được thảo luận ở cấp bộ của hai nước. Ông lưu ý rằng Ukraine đã trung lập khi tách khỏi Liên Xô (cũ) và quy chế này được ghi trong tuyên bố độc lập của Ukraine.

“Việc duy trì và phát triển tình trạng trung lập của Ukraine, phi quân sự hóa Ukraine, toàn bộ các vấn đề liên quan đến quy mô của các lực lượng vũ trang nước này đang được thảo luận. Ukraine đang đề xuất các phiên bản của Áo và Thụy Điển về một nhà nước phi quân sự trung lập, một nhà nước có quân đội và hải quân", ông Vladimir Medinsky nói.

Về phản ứng của Ukraine, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, bất kỳ thỏa thuận nào sẽ có điều khoản quân đội Nga trong mọi trường hợp cần rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ của Ukraine vốn bị chiếm đóng kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu vào ngày 24/2.

Ông Podolyak cũng nói Ukraine “chắc chắn sẽ duy trì quân đội của mình”, song sẽ có nghĩa vụ không tham gia các liên minh quân sự như NATO và không để các căn cứ quân sự nước ngoài được đặt trên lãnh thổ Ukraine.

Đồng thời, ông Podolyak cũng lưu ý rằng vấn đề quyền của người dân nói tiếng Nga đang được thảo luận chỉ trên quan điểm vì lợi ích quốc gia của Ukraine. Ngoài ra, quan chức này lưu ý rằng Ukraine vẫn từ chối công nhận Crimea và DPR, LPR, nhưng vấn đề này cần được thảo luận riêng với thỏa thuận hòa bình chính.

Ông Podolyak nói: “Các lãnh thổ tranh chấp và xung đột (nằm trong) phần việc riêng. Cho đến nay, chúng tôi đang nói về việc phía Nga đảm bảo hoạt động rút quân khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ngày 24/2”.

Ông Podolyak nói: “Điều duy nhất chúng tôi xác nhận ở giai đoạn này là việc ngừng bắn, rút quân của Nga và đảm bảo an ninh từ một số quốc gia”.

Nga và Ukraine tổ chức vòng đàm phán đầu tiên hôm 28/2, cuộc họp kéo dài khoảng 5 tiếng. Vòng đàm phán thứ 2 diễn ra vào ngày 3/3 và vòng thứ ba kết thúc vào tối 7/3 sau 3 giờ đàm phán. Vòng đàm phán thứ 4 giữa Moscow và Kiev diễn ra hôm 14/3.

Ngày 16/3, ông Medinsky nói rằng quá trình đàm phán khó khăn và chậm chạp, nhưng Moscow đang chân thành nỗ lực để đạt được hòa bình càng sớm càng tốt. Ông nhấn mạnh Nga cần một Ukraine hòa bình, tự do và độc lập.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Kế hoạch hòa bình 15 điểm Nga-Ukraine: Hành trình đi tìm tiếng nói chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO