"Người ta cứ nghĩ giàu lắm mới mở karaoke, và mở ra lại càng hốt bạc. Quả thực, trước đây, bỏ 10 tỷ đầu tư cái quán là mỗi tháng đã lãi được 100-200 triệu đồng. Nhưng những năm gần đây, thu nhập không còn như xưa", ông V.T., chủ một cơ sở karaoke ở quận Gò Vấp, TP.HCM tâm sự.
Chuyện hoàn vốn là xa vời
Chia sẻ với Zing, ông V.T. cho biết bản thân vốn kinh doanh trang thiết bị âm thanh phục vụ ngành karaoke, bar, beerclub... hơn 20 năm nay. Với 10 tỷ đồng tích cóp được, đến 2018, ông quyết định mở một cơ sở karaoke, coi như điểm trưng bày sản phẩm để giới thiệu với đối tác nhưng cũng là nghề "tay trái" kiếm thêm thu nhập.
"Mới đầu tôi tính toán chỉ cần mười mấy tỷ, nhưng các chi phí cứ phát sinh dần trong quá trình xây dựng, cuối cùng 'đội' lên hơn 20 tỷ. Vậy mà quán hoạt động chưa được bao lâu thì đã phải đóng cửa vì dịch, và giờ là các quy định về phòng cháy chữa cháy. Đến nay, tôi vẫn còn nợ hơn 4 tỷ đồng", ông V.T. kể.
Theo ông, khó khăn lớn nhất của ngành này đến từ chi phí đầu tư quá lớn. Chính chủ đầu tư cũng thường rơi vào tâm lý cạnh tranh, muốn xây dựng những cơ sở to đẹp, sang trọng, chất lượng âm thanh tốt.
Đây là lý do đa số những cơ sở karaoke được xây dựng trong 5 năm trở lại đây ở TP.HCM đều có số vốn đầu tư ban đầu lên đến hàng chục tỷ đồng. Đồng thời, hàng năm, các chủ đầu tư cũng phải chi thêm vài tỷ đồng để chỉnh trang phòng ốc, nâng cấp trang thiết bị âm thanh liên tục.
Chi phí đầu tư ban đầu cho các cơ sở karaoke thường lên đến hàng chục tỷ đồng, chưa kể hàng năm cần vài tỷ đồng nâng cấp, cải tạo. Ảnh: Chí Hùng. |
Chia sẻ với Zing, chị T.D., đại diện một chuỗi karaoke ở TP.HCM cho hay biên lợi nhuận của ngành này rơi vào khoảng 38%. Dù vậy, bài toán kinh doanh thực tế không dễ dàng bởi chi phí đầu tư ban đầu rất cao và biến phí cũng rất lớn.
"Để một cơ sở của chúng tôi đi vào hoạt động, chi phí đầu tư mặt bằng, thiết bị... ban đầu không dưới 20 tỷ đồng. Hàng tháng, mỗi nơi cũng phải trả tiền thuê mặt bằng dao động 50-300 triệu đồng/tháng, cũng như chi phí bảo trì trang thiết bị, nhân sự...", chị T.D. nói.
Đặc biệt, với mô hình chuỗi, đơn vị này cũng phải đầu tư vào bộ phận quảng cáo, truyền thông và chăm sóc khách hàng, cũng như các dịch vụ khác để gia tăng trải nghiệm cho khách. "Chi phí vì thế cũng ‘đội’ lên và ảnh hướng lớn đến lợi nhuận khi so sánh với các tiệm nhỏ khác”, chị T.D. giải thích.
Với tình trạng tạm ngừng kinh doanh hơn nửa năm nay và vẫn chưa biết ngày được mở lại, chuyện hoàn vốn là quá xa vời.
Đại diện một chuỗi karaoke ở TP.HCM
Đại diện một chuỗi karaoke khác ở TP.HCM cũng cho biết thông thường mỗi cơ sở có thể hoàn vốn sau 3-5 năm tùy mức đầu tư và khả năng khai thác kinh doanh. Tuy nhiên, sau giai đoạn Covid-19, đơn vị kéo giãn thời gian hoàn vốn kỳ vọng thành 5-7 năm.
"Nhưng với tình trạng tạm ngừng kinh doanh hơn nửa năm nay và vẫn chưa biết ngày được mở lại, chuyện hoàn vốn là quá xa vời", người này chia sẻ.
Lời lãi thực tế
Thực tế, theo chị T.D., doanh thu giờ hát thường đóng góp đến 40% tổng doanh thu, còn lại là đồ uống, thức ăn và các loại quà tặng.
Ông V.T. cũng xác nhận tiền hát chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của cơ sở. "Do đó, với số tiền đầu tư đã bỏ ra, lãi chủ yếu đến từ số lượng khách ra vào liên tục, ít nhất mỗi phòng phải phục vụ 3-4 lượt khách/ngày", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông cho biết khả năng này chỉ xảy ra nhiều năm trước, khi cả TP.HCM mới có số ít địa điểm kinh doanh lĩnh vực karaoke. Ngay từ khi mở quán, ông đã nhận thấy tình hình kinh doanh không quá thuận lợi, bởi karaoke "mọc lên như nấm" ở khắp nơi trong khi nhu cầu của người dân không tăng kịp. Các cơ sở nhỏ lẻ như ông chủ yếu cạnh tranh dựa vào tệp khách quen.
Ngay sau dịch, doanh thu, lợi nhuận tiếp tục bị co hẹp khi lượng khách giảm mạnh và khách hàng cũng không còn thoải mái chi tiêu cho dịch vụ này. Nếu trước đó, tiền hát ở các phòng thường khoảng 200.000-300.000 đồng/giờ, phòng VIP trên dưới 500.000 đồng/giờ, thì khi được mở cửa trở lại sau Covid-19, các cơ sở buộc phải giảm giá khoảng 30% tiền hát, đồng thời giảm số lượng phòng VIP.
Từ giữa tháng 10/2022 đến nay, hầu hết cơ sở karaoke ở TP.HCM buộc phải đóng cửa để khắc phục các vấn đề liên quan đến phòng cháy chữa cháy (PCCC). Theo ông V.T., nhiều quán karaoke là đối tác mua trang thiết bị âm thanh của ông đến nay đã chấp nhận phá sản. Chỉ những cơ sở được đầu tư mạnh hơn như của ông vẫn đang cố gắng cầm cự vì số tiền bỏ vào quá lớn mà chưa thể hoàn vốn.
"Từ người có tiền, chúng tôi trở thành những 'con nợ'. Không chỉ nợ ngân hàng, nợ chủ mặt bằng, mà còn nợ cả lương nhân viên, nợ những nhà cung cấp vốn khó khăn hơn mình", ông giãi bày.
Hoạt động kinh doanh của các cơ sở karaoke những năm gần đây liên tục gặp khó khăn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thậm chí, một đơn vị đang hoạt động ở TP.HCM cho hay lượng khách đã giảm đến 50% so với khi mới mở lại sau dịch. "Kinh tế khó khăn nên cũng đừng hy vọng quá nhiều. Chưa kể, tâm lý người dân sau nhiều sự cố đã qua cũng chưa thể thoải mái hơn với karaoke", chủ nơi này chia sẻ.
Hơn nửa năm qua, nhiều cơ sở karaoke rơi vào thế “phóng lao thì phải theo lao” vì đã lỡ đầu tư số tiền quá lớn nên không thể bỏ ngang. Họ tiếp tục chi hàng tỷ đến hàng chục tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo theo yêu cầu về PCCC của các ban, ngành. Tuy nhiên, đến nay, đa số vẫn chưa được thẩm định để hoạt động trở lại.
Hồi đầu tháng 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện yêu cầu phân loại theo nhóm các công trình, cơ sở có vướng mắc trong việc khắc phục PCCC để chủ động giải đáp, hướng dẫn trước ngày 30/4.
Hôm 11/4, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM cũng công bố quyết định lập Tổ tham mưu Ban Giám đốc Công an TP.HCM hướng dẫn người dân, chủ cơ sở karaoke, vũ trường... tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về công tác PCCC trên địa bàn.
Trước đó, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP.HCM có công văn gửi các sở, ban, ngành về việc triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực PCCC và cứu nạn cứu hộ. Công văn này cho phép cơ sở được xây dựng thời điểm nào thì áp dụng quy chuẩn PCCC thời điểm đó. Điều này có nghĩa chỉ những công trình đang xây dựng, trong quá trình thẩm duyệt mới phải áp dụng theo Thông tư 06.
Trao đổi với Zing, Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó phòng Cảnh sát PCCC, CNCH Công an TP.HCM cho biết trên địa bàn đang có hơn 400 cơ sở kinh doanh karaoke bị tạm đình chỉ. Thời gian tới, đơn vị sẽ rà soát lại đơn vị nào đủ điều kiện được hoạt động trở lại, đơn vị nào không đủ điều kiện thì bắt buộc phải cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn PCCC.
"Từ lúc thành lập, tổ công tác hàng ngày đều nhận được rất nhiều thông tin, phản ánh từ doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ làm việc liên tục, trên tinh thần phục vụ tận tâm, nhanh chóng, với nguyên tắc đảm bảo an toàn PCCC nhưng không kìm hãm sự phát triển kinh tế", Đại tá Quan nhấn mạnh.