K Coffee Phúc Sinh: Từ xây dựng không phép đến bị tố 'quỵt' lương nhân viên

Tuệ Lâm| 06/06/2022 15:19

Loạt tai tiếng về xây dựng không phép và "quỵt" lương nhân viên đang khiến nhiều người hoài nghi về năng lực và chất lượng của K Coffee Phúc Sinh.

Trên nhiều phương tiện truyền thông, Công ty Hàng tiêu dùng Phúc Sinh (Công ty Phúc Sinh) đang tự tin khẳng định K Coffee đã chinh phục thành công nhiều thị trường cà phê khó tính như Mỹ, Nga, Đức… Sau khi "toàn thắng" ở thị trường châu Âu, doanh nghiệp này cho biết sẽ hiện thực hóa kế hoạch đưa cà phê nguyên chất 100% tới người tiêu dùng trong nước.

Thế nhưng, hiện nhiều người vẫn hoài nghi, liệu doanh nghiệp này có thật sự xuất sắc như những gì được "phô" ra hay không.

"Quỵt" lương nhân viên?

Tháng 10/2019, VTC News nhận được đơn khiếu nại của ông Nguyễn Thiên Phước (ngụ quận Thủ Đức - nay là TP Thủ Đức, TP.HCM) về việc Công ty Phúc Sinh (thương hiệu K Coffee; trụ sở tại quận 4, TP.HCM) có dấu hiệu "quỵt" tiền lương không chịu trả.

Theo đơn khiếu nại của ông Phước, ngày 15/10/2018, ông ký Hợp đồng lao động (HĐLĐ) và phụ lục HĐLĐ đính kèm với Công ty Hàng tiêu dùng Phúc Sinh (Công ty Phúc Sinh) ở vị trí Phó Tổng Giám đốc, thời hạn 1 năm.

K Coffee Phúc Sinh: Từ xây dựng không phép đến bị tố 'quỵt' lương nhân viên - 1

Một chi nhánh của K Coffee tại quận Phú Nhuận (TP.HCM).

Tuy nhiên, ngày 5/8/2019, sau một thời gian làm việc, ông Phước cảm thấy không còn phù hợp với chiến lược thay đổi thường xuyên của công ty nên đệ đơn xin nghỉ việc.

Trong đơn xin nghỉ việc, ông Phước tuân thủ đúng quy định tại hợp đồng là báo trước 30 ngày từ ngày nghỉ. Song, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh đề nghị ông Phước có thể nghỉ sớm hơn và duyệt cho phép nghỉ việc từ hết ngày 15/8/2019.

Khi nghỉ việc, ông Phước bàn giao đầy đủ công việc cũng như các thủ tục với tất cả các phòng ban trong công ty.

Thế nhưng, sau nhiều tháng kể từ ngày hoàn tất thủ tục bàn giao, nhận quyết định thôi việc và thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, ông Phước vẫn không nhận được bất kỳ thông tin nào về việc thanh toán lương tháng 8 và các ngày phép còn lại trong năm với số tiền 172.730.000 đồng.

"Tôi đã liên lạc qua tin nhắn, email, công văn và rất nhiều lần đến Phòng nhân sự và người đại diện của công ty để yêu cầu trả lời nhưng tất cả đều ngó lơ", ông Phước cho biết.

Về vấn đề này, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận 4 đã tổ chức hòa giải 2 lần nhưng không thành. Lần thứ nhất (27/9/2019) đại diện công ty vắng mặt không lý do, lần thứ 2 (3/10/2019) đại diện công ty tham dự nhưng vẫn không xác nhận ngày thanh toán lương cho ông Phước.

Cũng theo ông Phước, suốt 10 tháng làm việc tại công ty, ông chưa từng vi phạm kỷ luật cũng như không có bất kỳ biên bản vi phạm nào.

"Tôi không hiểu lý do giữ lương của công ty khi Quyết định thôi việc và Biên bản thoả thuận chấm dứt hợp đồng ngày 15/8/2019 đã ghi rất rõ "Hai bên không có khiếu nại hay yêu cầu bồi thường nào khác" kể từ ngày chấm dứt hợp đồng.

Việc công ty cho tôi thôi việc ngày 15/8/2019 trước thời hạn 5/9/2019, trưởng các bộ phận đã xác nhận không còn vướng mắc với công việc, người được ủy quyền nhận bàn giao hoàn tất. Đồng thời, ông Thông đã xem xét toàn bộ nội dung và ký Quyết định thôi việc cho tôi. Tôi khẳng định mình không còn vướng mắc gì với công ty để bị giữ lại thu nhập", ông Phước nói.

Trước những phản ánh của ông Phước, PV đã liên hệ, đề nghị được làm việc với ông Phan Minh Thông. Tuy nhiên, trả lời PV qua điện thoại, ông Thông chỉ cho biết, công ty đang làm thủ tục khởi kiện ông Phước vì gây thất thoát trong quá trình điều hành. Ông Thông cũng đề nghị PV đến công ty làm việc trực tiếp với luật sư.

Theo đúng đề nghị của ông Thông, PV đã đến trụ sở công ty để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, sau khi xác thực giấy giới thiệu của PV, nhân viên công ty này lại trả lời: "Luật sư ở văn phòng luật sư chứ có phải ở đây đâu mà giờ chị gặp được". 

Liên quan đến sự việc, ngày 16/5/2022, trả lời PV VTC News, ông Phước cho biết hiện vẫn chưa nhận lại được số tiền lương đã bị Công ty Phúc Sinh "quỵt".

"Bị quỵt rồi. Ra tòa mấy lần, mời nhiều lần họ không chịu lên, kiếm đủ chuyện rồi vướng dịch và chìm xuồng. Tôi vẫn còn đầy đủ giấy tờ của toà án. Tôi đã đưa hồ sơ lên cấp thành phố và cho treo ở đó chứ không rút", ông Phước cho hay.

Xây dựng không phép

Trước đó, UBND quận 1 (TP.HCM) có quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Phúc Sinh vì vi phạm trong hoạt động xây dựng. Theo đó, công trình 6 tầng (1 trệt, 5 lầu) của Công ty Phúc Sinh tại địa chỉ 246-248 Võ Văn Kiệt (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) bị xử phạt hành chính vì xây dựng không phép.

Xét theo Quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, Công ty Phúc Sinh bị xử phạt hành chính số tiền 30 triệu đồng cho sai phạm trên.

K Coffee Phúc Sinh: Từ xây dựng không phép đến bị tố 'quỵt' lương nhân viên - 2

Công trình xây dựng không phép số 246-248 Võ Văn Kiệt (nhà màu đen) của Công ty Phúc Sinh.

"Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty Phúc Sinh - phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng. Hết thời hạn này, ông Phan Minh Thông không xuất trình với người có thẩm quyền giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định.

Sau khi được cấp giấy phép xây dựng, tổ chức, cá nhân vi phạm phải tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp thì mới được thi công xây dựng", Quyết định xử phạt của UBND quận 1 ghi rõ.

Quyết định xử phạt cũng yêu cầu Công ty Phúc Sinh nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt. Nếu quá 10 ngày mà Công ty Phúc Sinh không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Được biết, công trình sai phép nói trên của Công ty Phúc Sinh nằm trong khu nhà cổ, trước đây vốn là trụ sở của Công ty Nước mắm Liên Thành, được xây dựng từ năm 1917. Qua thời gian, trụ sở này được bán cho nhiều người và tạo thành những căn nhà ống liền kề.

Đến nay, những căn nhà liền kề này được xem là khu nhà cổ, chờ phân loại nên không được phá bỏ, xây mới.

Thế nhưng, ghi nhận của PV VTC News ngày 6/6/2022, sau nhiều năm ra quyết định xử phạt, dù Công ty Phúc Sinh không trình được giấy phép xây dựng nhưng công trình sai phép vẫn chưa bị cưỡng chế.

Tuệ Lâm
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
K Coffee Phúc Sinh: Từ xây dựng không phép đến bị tố 'quỵt' lương nhân viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO