John Paul Dejoria: từ kẻ vô gia cư, bị vợ bỏ đến sở hữu doanh nghiệp tỷ đô

Anh Thư (T/H)| 24/02/2024 21:00

Từ kẻ vô gia cư đến tỷ phú nắm trong tay khối tài sản 3,3 tỷ USD và triết lý sống 'đừng dừng lại khi chưa thành công'.

Không ai có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra

John Paul DeJoria sinh năm 1944 tại Los Angeles nhưng mang 2 dòng máu Italia (bố) và Hy Lạp (mẹ) họ đều là dân nhập cư Mỹ.

Thời thơ ấu của DeJoria là những chuỗi ngày khốn khó. Gia đình ông rời châu Âu sang Mỹ lập nghiệp nhưng không thành công, ký ức thuở nhỏ của ông gắn liền với những cuộc cãi vã không hồi kết của cha mẹ. Họ ly hôn vào thời điểm cậu con trai út DeJoria đang lẫm chẫm tập đi. Chỉ còn một mình mẹ nuôi hai con giữa đất khách quê người.

John Paul DeJoria khi còn trẻ. Ảnh: Internet

Mẹ DeJoria chật vật làm mướn mưu sinh để đổi lấy những đồng tiền công rẻ mạt, còn anh em ông cũng phải học kiếm tiền từ bé phụ giúp gia đình. Năm 9 tuổi, ông cùng anh trai đi khắp nơi bán thiệp Giáng sinh và báo để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sau một thời gian, hai anh em phải chuyển đến một nhà nuôi dưỡng ở miền Đông Los Angeles vì mẹ không còn khả năng nuôi dưỡng.

How John Paul DeJoria Went From Homeless To A Billionaire In New Doc 'Good  Fortune'
John Paul Dejoria và triết lý: "Đừng dừng lại khi chưa thành công" - Ảnh: Internet

Cho đến nay, DeJoria vẫn luôn nhớ như in bài học sử dụng đồng tiền của mẹ dạy: “Thay vì cho tiền tiêu vặt, mẹ đưa anh em tôi đồng 10 xu và bảo cả hai đến quyên góp từ thiện. Ngày đó 10 xu là số tiền rất lớn đối với một gia đình phải sống tằn tiện như chúng tôi. Dù vẫn sống trong nghịch cảnh, nhưng mẹ vẫn cố gắng dạy chúng tôi hãy biết chia sẻ với những người nghèo khổ hơn mình”.

Bây giờ DeJoria đã có nhiều tiền hơn đồng 10 xu mà ông từng nhận từ mẹ. Với khả năng kinh doanh thiên bẩm, ông hiểu rõ triết lý "dùng tiền để kiếm thêm tiền". Tuy nhiên, mục tiêu của ông không phải là "kiếm càng nhiều tiền cho bản thân mình càng tốt". Điều làm ông tự hào nhất không phải tài sản đồ sộ, mà là việc giúp đỡ hàng trăm nghìn người thoát khỏi cảnh đói khổ trên khắp thế giới.

Sự nghiệp tỷ đô của kẻ vô gia cư

Tốt nghiệp cấp 3 vào năm 1962, điều hiếm thấy ở những thanh thiếu niên vùng nông thôn và người nghèo thời đó, DeJoria quyết tâm thay đổi cuộc sống của mình.

Vì thiếu tiền để học đại học, ông gia nhập Hải quân Mỹ và phục vụ trong 2 năm. Sau khi rời quân đội, DeJoria vẫn không có gì, ông đã phải làm nhiều công việc để kiếm sống.

Trong khoảng thời gian này, ông kết hôn và thuê một căn hộ nhỏ, nhưng vào năm 1966, vợ ông lấy mất số tiền thuê nhà cùng chiếc xe để lại DeJoria cùng đứa con 2 tuổi. Chỉ trong vòng 2 ngày, DeJoria và con trai đã bị đuổi khỏi nhà vì không đủ tiền thuê.

DeJoria làm ở trạm bơm xăng, sửa chữa xe, lao công, bán máy photocopy, bảo hiểm hay thậm chí đi gõ cửa từng nhà để bán sách. Không có tiền nên DeJoria cùng đứa con phải ngủ tạm trong một chiếc xe hơi, chàng thanh niên này đã trở thành một gã vô gia cư.

Kẻ vô gia cư bị vợ phản bội trở thành tỷ phú ngồi ghế Shark Tank - Ảnh: Internet

Trong bộ phim tài liệu Good Fortune kể về chính cuộc đời mình, ông John Paul DeJoria cho biết những khó khăn từ khi còn bé chính là những bài học đầu đời trước khi tham gia công việc kinh doanh.

Thời gian đầu, ông học được các quy trình chăm sóc tóc khi làm việc cho Redken và Fermodyl Hair Case. Dù vậy, ông đã bị sa thải bởi hai công ty này.

Năm 1980, ông hợp tác với Paul Mitchell để thành lập thương hiệu Paul Mitchell với vốn ban đầu chỉ 700 USD. Thời điểm đó, các hình thức quảng cáo trên internet chưa được phổ biến. Vì vậy, để tiếp thị cho các sản phẩm chăm sóc tóc, ông đã phải đi đến từng nhà phân phối, thuyết trình trực tiếp.

Cuối cùng, thành công đã đến, ông đã có đơn đầu tiên. Kể từ đó, các sản phẩm dần dần được bán một cách phổ biến, đưa Paul Mitchell trở thành công ty triệu USD chỉ sau hai năm.

Sự kiên trì đã giúp Jaul Paul DeJoria từ một startup với nguồn vốn vỏn vẹn 700 USD thành doanh nghiệp tỷ USD, biến người ông vô gia cư năm nào đứng vào hàng ngũ tỷ phú.

Thương hiệu rượu tequila Patrón của tỷ phú DeJoria - Ảnh: Internet

Bên cạnh Paul Mitchell, thương hiệu rượu Patrón tequila cũng là một công ty lớn. Patrón tequila được sản xuất tại Mexico trong một cơ sở chưng cất bền vững, sử dụng chai tái chế và nước cất không độc hại. Tính đến năm 2017, có khoảng 2 triệu sản phẩm được bán ra mỗi năm.

"Không đo lường sự thành công bằng tiền bạc"

Là một doanh nhân mang tính biểu tượng, tiền bạc và quyền lực không phải tất cả: "Tôi rất thất vọng về cuộc sống của mình. Tôi cảm thấy thật may mắn khi được ban phước về nguồn tài chính. Tôi nhận được niềm vui lớn. Đó là cách tôi trả tiền cho những người làm thuê bởi họ là những người kém may mắn hơn tôi".

Khi đã trở thành tỷ phú, người đàn ông này vẫn nhớ ơn những người đã cưu mang mình, điển hình như Salvation Army, một tổ chức đã giúp mẹ con tỷ phú DeJoria khi hai người còn ở Los Angeles. "Con có thể nghèo, nhưng ngoài kia còn nhiều người kém may mắn hơn chúng ta, mỗi người sẽ có những cách giúp đỡ khác nhau", ông chia sẻ về lời dạy của người mẹ.

Ông là một trong những tỷ phú đã ký cam kết "The Giving Up" vào năm 2011, quyết định cho đi một nửa số tài sản để giúp thế giới tốt đẹp hơn. Một số cái tên nổi tiếng khác cũng ký cam kết này có thể kể đến như tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett.

Ngoài ra, ông còn thành lập JP's Peace Love & Happiness Foundation, trung tâm quyên góp từ thiện cho những hoạt động phản ánh giá trị cốt lõi của công ty: Giải cứu môi trường, giúp đỡ người nghèo và bảo vệ quyền động vật.

"Nếu một doanh nghiệp muốn tiếp tục kinh doanh thì họ phải nghĩ đến những vấn đề khác thay vì chỉ nghĩ tới lợi nhuận", nhà đồng sáng lập Paul Mitchell nhấn mạnh. Theo Forbes, ông hiện đang sở hữu khối tài sản ròng trị giá 2,8 tỷ USD, là người giàu thứ 1.174 thế giới.

Ba quy tắc  dẫn đến thành công của tỷ phú Dejoria.  Ảnh: Internet

Cũng trong bộ phim tài liệu của mình, ông tổng hợp ba quy tắc để thành công trên thương trường:

Quy tắc số 1: Luôn luôn chuẩn bị trước sự từ chối

"Trong suốt sự nghiệp của bạn, bạn sẽ phải bị từ chối rất nhiều lần. Bạn sẽ gõ cửa, và nhiều người sẽ đóng cửa với bạn. Sẽ có rất nhiều người không thích sản phẩm của bạn, công ty của bạn hoặc thậm chí cả bạn. Đây chính là điều rất quan trọng mà bạn cần nhận ra từ những ngày đầu khởi nghiệp.

Để thành công, bạn phải luôn tự tin và nhiệt tình ở căn nhà thứ 59 như khi bạn ở trước căn nhà đầu tiên. Nếu bạn nhận ra được điều này, sự từ chối sẽ chẳng ảnh hưởng đến bạn như trước nữa. Nó sẽ giúp bạn kiên cường hơn", tỷ phú DeJoria chia sẻ.

Quy tắc số 2: Đảm bảo sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn luôn ở trạng thái tốt nhất có thể

"Chúng ta phải luôn làm việc chăm chỉ để phát triển một sản phẩm đẳng cấp thế giới mà người tiêu dùng muốn. Hãy luôn trau chuốt, cẩn thận và sáng tạo để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất có thể. Kiểu suy nghĩ đó chính là thứ sẽ mang lại cho bạn những cơ hội tốt hơn để thành công", ông DeJoria nói.

Quy tắc số 3: Làm việc tốt là tốt cho bạn và doanh nghiệp của bạn.

Tỷ phú DeJoria nói, "Nếu một doanh nghiệp muốn duy trì hoạt động kinh doanh, họ không thể chỉ nghĩ đến những cái lợi trước mắt. Bằng cách giúp đỡ người khác, bạn đang tạo ra những khách hàng trong tương lai và truyền cảm hứng giúp xây dựng sự trung thành của nhân viên. Khách hàng muốn được tham gia với những người và doanh nghiệp đang bỏ ra thời gian của họ để giúp đỡ người khác, cứu lấy hành tinh và tạo nên sự khác biệt".

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
John Paul Dejoria: từ kẻ vô gia cư, bị vợ bỏ đến sở hữu doanh nghiệp tỷ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO