Làn sóng di tản diễn ra sau khi quân đội Israel kêu gọi khoảng 1,1 triệu người Palestine sống ở phía bắc Dải Gaza đi lánh nạn "vì sự an toàn của bản thân", trước thềm cuộc tấn công trên bộ cận kề.
Bỏ lại nhà cửa phía sau, một số người dân Gaza đi ô tô, nhiều người khác đi bộ. Nhiều người chỉ mang theo vài bọc đồ cá nhân đựng trong túi nylon.
Nhưng đối với hàng nghìn người như Umm Hossam, họ chỉ biết đặt câu hỏi: "Đi đâu?"
"Các cuộc không kích và chết chóc sẽ còn kéo dài bao lâu nữa? Chúng tôi không còn nhà cửa, mọi khu vực ở Gaza đều bị đe dọa", cô gái 29 tuổi nói, khuôn mặt đẫm nước mắt. "Chúng tôi kêu gọi các nước Ả Rập bảo vệ chúng tôi. Người Ả Rập ở đâu? Đủ rồi!".
Những dòng người lũ lượt rời đi
Phần lớn trong số hơn 2 triệu người dân Palestine đã phải sống co cụm tại Dải Gaza - vùng lãnh thổ chỉ 365km2 - dưới chế độ phong tỏa nghiêm ngặt trên không, trên bộ và trên biển do Israel áp đặt kể từ năm 2006.
Sau khi các tay súng Hamas - lực lượng cai trị Dải Gaza từ năm 2007 - xông qua biên giới vào Israel hôm 7/10 và giết chết hơn 1.300 người, Israel đã tiến hành "bao vây toàn diện" tại đây, cắt toàn bộ nước, điện và thực phẩm.
Israel cũng không ngừng ném bom và không kích vào Gaza, khiến khoảng 1.800 người thiệt mạng.
Hossam kể với AFP rằng trước khi có lệnh sơ tán của Israel, cô đang ẩn náu tại nhà một người họ hàng ở phía bắc Dải Gaza. Cô ở đó 3 ngày sau khi khu phố nơi cô ở tại tây bắc thành phố Gaza bị tập kích.
"Họ nói với tôi rằng ngôi nhà đã bị phá hủy hoàn toàn", cô nói.
Liên Hợp Quốc kêu gọi Israel hủy bỏ lời kêu gọi người dân Gaza sơ tán.
"Liên Hợp Quốc cho rằng đợt di chuyển như vậy không thể diễn ra mà không gây ra hậu quả nhân đạo tàn khốc", Stephane Dujarric, người phát ngôn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cho biết hôm 12/10.
Trong khi đó, máy bay chiến đấu của Israel đã thả hàng nghìn tờ rơi xuống Gaza, kêu gọi người dân di chuyển về phía nam. Quân đội Israel ban đầu tuyên bố thời gian sơ tán là 24 giờ, nhưng sau đó thừa nhận rằng quá trình này có thể "mất thời gian".
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cũng nhận định công tác sơ tán 1,1 triệu người trong 24 tiếng là việc khó thực hiện, dù hiểu được động cơ đằng sau là muốn "tách biệt người dân thường ra khỏi Hamas".
Hamas đã bác bỏ lời kêu gọi sơ tán vì cho rằng đây là tin giả nhằm gây mất đoàn kết. Dù vậy, lực lượng này không cố ngăn chặn hàng nghìn người đang di chuyển về phía nam.
Nhiều người quyết ở lại
Tuy nhiên, nhiều người vẫn ở lại phía bắc Dải Gaza vì không có phương tiện đi lại và quan trọng hơn là họ không còn nơi nào để đi.
"Đây là một kẻ thù tàn bạo và điều chúng muốn là khiến người dân phải di tản", Abu Azzam, một người dân, nói với AFP. "Nhưng lạy Thánh Allah, chúng tôi sẽ kiên định đối mặt nếu mất nhà cửa".
Mohamed Khaled, 43 tuổi, cũng cho biết tương tự rằng anh sẽ ở lại. "Thế giới muốn gì ở chúng tôi? Tôi là người tị nạn ở Gaza và họ lại muốn trục xuất tôi một lần nữa?", ông Khaled hỏi.
"Chúng ta sẽ làm gì ở Rafah?" ông hỏi, đề cập đến thành phố cách thành phố Gaza 40km về phía nam. "Ngủ ngoài đường với con cái chúng tôi? Chúng tôi sẽ không làm vậy. Tôi không muốn cuộc sống nhục nhã này".
Tới nay, đã có nhiều lời kêu gọi thiết lập các hành lang nhân đạo, đặc biệt là thông qua cửa khẩu Rafah tới Ai Cập - cửa khẩu ra vào Dải Gaza duy nhất không do quân đội Israel kiểm soát.
Nhưng Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi nói rằng người dân Gaza cần phải "kiên trì bám trụ mảnh đất của mình", đồng thời cảnh báo rằng việc người dân Gaza di tản hàng loạt sẽ đặt dấu chấm hết cho lý tưởng của người Palestine.
Tại trại tị nạn Al-Shati phía tây thành phố Gaza, Mohamed Abu Ali đứng trước văn phòng cơ quan tị nạn Palestine của Liên Hợp Quốc (UNRWA).
"Hôm nay, chúng tôi không biết sẽ đi đâu", chàng trai 24 tuổi nói. "Không có nơi nào an toàn. Chúng tôi đã tới Liên Hợp Quốc để tị nạn. Chúng tôi không biết phải làm gì. Chúng tôi không có thức ăn và nước uống. Tôi hỏi Liên Hợp Quốc trước trụ sở của họ: Chúng tôi đi đâu?".