Bộ Nông nghiệp Israel ngày 7/7 đã giới thiệu mô hình tưới nước thông minh với độ chính xác cao nhằm giảm chi phí và tăng năng suất cho các trang trại trồng nho tại nước này.
Mô hình giúp các chủ vườn nho tính toán chính xác nhu cầu về lượng nước, độ ẩm của cây trồng, dựa trên hệ thống dữ liệu do các trạm khí tượng thủy văn trong khu vực cung cấp, được cập nhật tự động hằng ngày.
Lượng nước tưới còn được tính toán dựa trên quy mô, tính chất và loại giống cây trồng của mỗi trang trại.
Việc này sẽ giúp người trồng nho tiết kiệm tối đa lượng nước tiêu thụ, giảm thời gian, chi phí cho việc tưới tiêu, đồng thời hạn chế thiệt hại sản phẩm thu hoạch do việc thừa hoặc thiếu nước gây ra.
Quan trọng hơn nữa, chất lượng sản phẩm rượu vang sẽ được duy trì ổn định theo nhu cầu của mỗi chủ vườn.
Dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng quỹ Nghiên cứu và Phát triển miền núi của Israel phối hợp nghiên cứu, về cơ bản bao gồm một cơ sở dữ liệu và một hệ thống tưới nước thông minh được điều khiển thông qua một giao diện máy tính đơn giản.
Các dữ liệu đầu vào bao gồm vị trí địa lý, thời tiết, độ ẩm không khí, giống nho canh tác, quy mô trang trại và tiêu chuẩn đầu ra của chất lượng rượu vang.
Dựa trên các phương án do máy tính đưa ra, chủ trang trại chỉ cần thực hiện các thao tác lựa chọn đơn giản, định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần, và để hệ thống tự thực hiện các công đoạn còn lại.
Ví mô hình kiểu mới là mô hình “tưới nước 4.0,” Bộ trưởng Nông nghiệp Israel - ông Oded Forer cho biết công nghệ tưới canh tác đã có một bước tiến dài kể từ thời kỳ tưới nhỏ giọt, với sự hỗ trợ của các công nghệ trong nông nghiệp như công nghệ chính xác, tự động hóa, cơ giới hóa.
Ông Forer nói: “Nông nghiệp chính xác, kiến thức và công nghệ là giải pháp tối ưu để chống lại những thách thức về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực ở quy mô quốc gia.”
Israel có khoảng 300 trang trại trồng nho để sản xuất rượu vang trên cả nước, mỗi năm sản xuất trên 40 triệu chai, trong đó, 20% sản lượng được dành để xuất khẩu, chủ yếu sang Mỹ, Pháp, Anh, Canada, Ba Lan, Đức và châu Á, với tổng kim ngạch trên 50 triệu USD/năm.