Điện thoại iPhone của Apple được trưng bày tại trụ sở của hãng ở Cupertino, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 14/9 Bỉ cho biết sẽ xem xét các rủi ro sức khỏe tiềm ẩn liên quan đến điện thoại iPhone 12 của Apple, làm tăng khả năng nhiều nước châu Âu có thể cấm mẫu sản phẩm này sau khi Pháp ra lệnh ngừng bán do vi phạm giới hạn phơi nhiễm phóng xạ.
Ông Mathieu Michel, Quốc Vụ khanh Phụ trách Số hóa của Bỉ, nói với báo giới rằng các cơ quan quản lý nước này đang xem xét vấn đề sau động thái của Pháp.
Ông cũng yêu cầu phía giới chức quản lý sau đó xem xét tất cả các sản phẩm điện thoại thông minh lẫn những thiết bị điện tử do Apple và các công ty khác sản xuất.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các tiêu chuẩn châu Âu cực kỳ nghiêm ngặt và hiện chưa có mối lo ngại nào về vấn đề an toàn của các sản phẩm iPhone.
Hiện khó có khả năng Ủy ban châu Âu (EC) ngay lập tức ra một lệnh cấm trên toàn khối, vì cần chờ phản hồi từ các nước khác trước khi Ủy ban ra bất kỳ quyết định nào.
Các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã được cơ quan quản lý Pháp thông báo vào ngày 13/9 và có ba tháng để đưa ra bình luận.
Sau thông báo từ Paris, Cơ quan quản lý mạng BNetzA của Đức nói rằng động thái của Pháp có thể đóng vai trò là kim chỉ nam cho toàn bộ châu Âu. BNerzA sẽ xem xét vấn đề đối với thị trường Đức nếu quá trình đánh giá ở Pháp ghi nhận tiến triển đủ lớn.
Cơ quan giám sát kỹ thuật số Hà Lan cho hay họ đang xem xét vấn đề và sẽ yêu cầu Apple giải thích, đồng thời nhấn mạnh rằng hiện “không có rủi ro an toàn cấp tính nào” liên quan tới sản phẩm.
Theo Cơ quan quản lý viễn thông Bồ Đào Nha ANACOM, họ đang theo dõi, phân tích các diễn biến và phối hợp với phía Pháp.
ANACOM nhận định một trong hai kịch bản có thể xảy ra: Apple sẽ khắc phục tình hình hoặc nếu không làm được điều đó, Brussels sẽ yêu cầu các nước thành viên EU “áp dụng các biện pháp phù hợp.”
Một số nước, chẳng hạn như Italy cho biết sẽ không thực hiện bất kỳ động thái nào vào lúc này.
Apple đã lên tiếng phản đối các thông báo của Pháp, cho biết iPhone 12 - hiện là mẫu tương đối cũ và ra mắt từ năm 2020 - đã được nhiều cơ quan quốc tế chứng nhận là tuân thủ các tiêu chuẩn về bức xạ.
Trước đó, iPhone 12 đã vượt qua bài kiểm tra bức xạ do cơ quan quản lý Pháp tiến hành vào năm 2021.
Giới khoa học đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu đánh giá nguy cơ sức khỏe của điện thoại di động trong hai thập kỷ qua.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay không phát hiện việc sử dụng thiết bị này gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng nào.
Các chuyên gia trong ngành cũng cho biết không có rủi ro an toàn nào vì các giới hạn quy định của châu Âu - dựa trên nguy cơ gây bỏng hoặc sốc nhiệt do bức xạ của điện thoại - được đặt ở mức thấp hơn nhiều so với mức mà các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng cho thấy tác hại.
Tổng doanh thu của Apple ở châu Âu đạt khoảng 95 tỷ USD vào năm ngoái, đưa châu Âu trở thành khu vực thị trường lớn thứ hai của “Táo khuyết” sau châu Mỹ. Một số ước tính cho biết Apple đã bán được hơn 50 triệu chiếc iPhone ở châu Âu trong năm 2022./.