Từ đó tới nay, Mỹ đã khởi động hàng loạt chương trình phát triển tên lửa tầm trung mới và bắt đầu triển khai chúng tới châu Âu với lý do tăng cường an ninh cho các quốc gia đồng minh NATO trước các mối nguy cơ tiềm tàng.
INF từng là “Hòn đá tảng của an ninh châu Âu”
INF được Liên Xô và Mỹ ký năm 1987. Theo quy định của INF, các loại tên lửa đạn đạo và hành trình đất đối đất tầm ngắn (từ 500 đến 1.000km) và tầm trung (từ 1.000 đến 5.500km) không phải bị loại biên để ngăn ngừa nguy cơ xung đột leo thang tại châu Âu. Cùng với đó, việc phát triển, sản xuất và thử nghiệm các loại vũ khí mới dạng này đều bị cấm. INF được coi là điểm chấm dứt của cuộc chạy đua vũ trang phát triển tên lửa dài hạn giữa Mỹ và Liên Xô với đỉnh điểm là việc Moscow triển khai tên lửa cơ động tầm trung RSD-10 Pioneer (định danh NATO là SS-20) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân ở châu Âu.
INF đã hạn chế khả năng xảy ra xung đột hạt nhân và đảm bảo an ninh tại châu Âu. Trong ảnh: Tổ hợp tên lửa RSD-10 Pioneer / RIA Novosti |
Đánh giá về INF, giới chuyên gia quân sự đánh giá, Mỹ và phương Tây đã giành được lợi thế lớn khi cơ bản giảm nguy cơ xung đột hạt nhân ở châu Âu và giảm đáng kể kho tên lửa chiến thuật-chiến lược của Liên Xô. Trong khi, theo quy định của INF, Mỹ chỉ phải cắt giảm 2 loại tên lửa, thì Liên Xô đã phải triệt thoái và loại biên số lượng đáng kể cả về chủng loại và số lượng tên lửa.
Cụ thể, INF quy định Liên Xô phải cắt giảm và loại biên tên lửa RSD-10 Pioneer, tổ hợp tên lửa di động với tên lửa hành trình RK-55 Relief, tổ hợp tên lửa tầm ngắn di động OTR-22 Temp-S, OTR-23 Oka. Ngoài ra, hàng loạt chương trình phát triển tên lửa thế hệ mới như: Oka-U, Volna, Volga, Pioneer-3, Speed cũng bị đình chỉ.
Đối với các nhà khoa học tên lửa Liên Xô, INF chính là một thảm kịch khi kết quả của nhiều năm nghiên cứu và sản xuất đã bị vứt bỏ. Trong khi đó, phía Mỹ lại chịu ảnh hưởng rất nhỏ từ INF khi chỉ có 2 dòng vũ khí là tên lửa đạn đạo Pershing-2 và tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk phiên bản trên bộ bị loại biên. Phía Mỹ sau đó đã “lách luật” khi chuyển các chương trình phát triển vũ khí có nhiệm vụ tương tự sang không quân và hải quân. Với việc loại bỏ phiên bản mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa Tomahawk sau đó được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột của Mỹ trên khắp thế giới cho tới tận thời điểm hiện tại.
Không quân và Hải quân Mỹ được trang bị một kho vũ khí khá đồ sộ với tầm bắn từ 300 đến 3.000km không bị ràng buộc bởi INF.
Cùng với Mỹ, các đồng minh NATO cũng không ngồi yên. Anh và Pháp đã hợp tác phát triển tên lửa hành trình không đối đất tầm trung với tầm bắn trên 500km. Điển hình nhất chính là các dòng tên lửa Storm Shadow và SCALP-EG. Còn Đức cũng đã đưa vào trang bị tên lửa hành trình Taurus.
Mỹ sẽ tái triển khai tên lửa mới tại châu Âu
Mỹ đã sử dụng 5 năm trôi qua kể từ khi nước này rời khỏi INF như thế nào? Ở giai đoạn đầu, Mỹ tràn đầy lạc quan với các công nghệ siêu vượt âm tương lai để tạo ra các loại vũ khí có độ chính xác, tốc độ cao. Nhiều dự án vũ khí được Lầu Năm Góc triển khai cùng lúc với những mốc thời gian ngắn hạn tới giữa những năm của thập kỷ 2020.
Hệ thống Typhoon với tên lửa hành trình Tomahawk. Ảnh: US Army |
Tuy nhiên, những rào cản công nghệ siêu vượt âm đang làm khó người Mỹ. Lầu Năm Góc đã hiểu ra rằng, trong lĩnh vực vũ khí tương lai này, tài chính không phải là tất cả, mà công nghệ cần có thời gian thử nghiệm và hoàn thiện. Loại vũ khí đầu tiên được Mỹ triển khai sau khi rời INF cuối cùng lại là tên lửa Tomahawk. Chúng được tích hợp với bệ phóng đa năng Typhon, vốn là phiên bản sửa đổi của bệ phóng Mk-41 trang bị trên hạm với khả năng trang bị cùng tên lửa phòng không-phòng thủ tên lửa SM-6. Hiện tại, một số bệ phóng Typhon nằm trong hệ thống Aegis Ashore đang được triển khai tại châu Âu.
Theo đánh giá của Tạp chí quân sự Topwar, tên lửa Tomahawk dù chỉ có tốc độ cận âm, nhưng chúng có lợi thế về tầm bắn xa và cùng lúc triển khai số lượng lớn. Loại vũ khí này đặc biệt nguy hiểm khi được sử dụng kết hợp với các loại tên lửa không đối đất có tốc độ siêu âm để làm nhiễu loạn và thậm chí là quá tải hệ thống phòng không của đối thủ.
Ở lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm, sau nhiều năm trì hoãn, Quân đội Mỹ hiện mới đạt tới giai đoạn tiền triển khai. Đó là hệ thống Dark Eagle với tên lửa LRHW (Vũ khí siêu vượt thanh tầm xa). Loại vũ khí này được trang bị đầu đạn lượn siêu vượt âm CHGB đạt tốc độ tới Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh) và có tầm hoạt động đạt gần 3.000km. Dự kiến, tới năm 2026, chương trình tạo ra vũ khí siêu vượt âm trên bộ của Mỹ mới hoàn thành, tức là một hệ thống tên lửa mang tính cách mạng sau khi rút khỏi INF.
Hệ thống Dark Eagle với tên lửa siêu vượt âm LRHW của Mỹ. Ảnh: Defense News |
Về phía Nga, trước việc Mỹ tái khiển khai tên lửa sang châu Âu và đối phó với các mối nguy cơ mới từ Mỹ và NATO khi INF không còn tồn tại, Moscow đã có sự chuẩn bị và kế thừa nhiều công nghệ không có đối thủ từ thời Liên Xô. Kết quả của quá trình này có thể thấy qua tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M hay sắp tới là phiên bản trên bộ của tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon. Thậm chí, đã có thông tin về khả năng Nga khôi phục tổ hợp tên lửa tầm trung RSD-10 Pioneer có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Những động thái của các bên đang khiến châu Âu thêm bất ổn vì khác với các loại vũ khí liên lục địa, các loại vũ khí tầm ngắn và tầm trung với đầu đạn hạt nhân có thể khơi mào cuộc chiến tranh toàn diện chỉ trong vài phút. Đây cũng là điều Liên Xô và phương Tây trước đây từng muốn tránh với sự ràng buộc của INF.
TUẤN SƠN (theo Topwar, vpk)