Huyền bí Lễ hội nhảy lửa của người Dao đỏ Hoàng Su Phì

NGUYỄN PHƯƠNG (Báo Hà Giang)| 11/08/2021 17:28

Lễ hội nhảy lửa là một hoạt động độc đáo, mang đậm bản sắc, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần lâu đời của người Dao đỏ.

Người Dao đỏ có lịch sử sinh sống lâu đời trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì. Giữa nhịp sống hiện đại, các thế hệ người Dao đỏ vẫn luôn chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình thông qua trang phục, tiếng nói, lễ hội, dân ca, dân vũ và các nghi thức truyền thống. Trong đó,

Huyền bí Lễ hội nhảy lửa của người Dao đỏ Hoàng Su Phì - 1

Người Dao đỏ xã Thông Nguyên tham gia Lễ hội nhảy lửa.

Theo quan niệm của người Dao đỏ, ngọn lửa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống sinh hoạt và văn hóa, tâm linh. Lửa được coi là vị thần giúp xua đuổi tà ma, bệnh tật, mang lại sự ấm áp và cuộc sống no đủ, thịnh vượng. Vì vậy, vào những dịp đầu Xuân, năm mới, các bản người Dao đỏ lại rộn ràng tổ chức Lễ hội nhảy lửa. Mọi người tin rằng khi lễ nhảy lửa diễn ra, thần lửa sẽ sưởi ấm và mang lại cho dân làng một năm mới bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội được tổ chức trên một khoảng sân rộng. Trước đó, mọi người sẽ chuẩn bị một đống củi và tiến hành đốt lửa cho đượm than. Trong phần nghi lễ thì vật phẩm dâng cúng không thể thiếu các loại như: Cơm, gạo, rượu, gà luộc, nước suối, vải mộc màu trắng, hương, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến… tất cả được bày trên một bàn gỗ dài. Khi các vật phẩm được chuẩn bị đầy đủ, nghệ nhân sẽ tiến hành phần nghi lễ cúng, cầu xin may mắn, bình an, mùa màng tốt tươi cho cả cộng đồng dân tộc và xin các vị Thần linh, Tổ tiên ban sức mạnh cho người chơi.

Theo nghệ nhân Triệu Chòi Hín, xã Hồ Thầu, khi nhảy lửa, có một quy định nghiêm ngặt với tất cả những người tham gia, trước hết phải là nam giới và cơ thể phải sạch sẽ. Trước khi nhảy lửa, họ phải đun nước tắm rửa, không được đi đại, tiểu tiện, không được bốc thức ăn để tránh bị bỏng. Vì vậy, nhảy lửa thường được thực hiện vào lúc tối, tức là sau khi những người tham gia đã ăn uống xong và tắm rửa sạch sẽ.

Sau khi các nghệ nhân cúng sắp hết bài thì những thanh niên tham gia nhảy lửa (thường là 4 người một lượt) vào làm thủ tục bằng cách ngồi trên những chiếc ghế thấp trước đống lửa đang cháy rừng rực để thầy cúng làm phép “nhập tâm”. Ở bên ngoài, người xem đứng thành những vòng rộng vừa đánh trống, chiêng, vừa reo hò cổ vũ. Trong khi thầy cúng niệm thần chú với nội dung nhờ các vị thần, Tổ tiên phù hộ cho người chơi không bị bỏng hoặc gặp tai nạn thì những người chơi nhắm mắt, tay đặt lên đầu gối.

Khi bài cúng kết thúc, người chơi bắt đầu nhập tâm, cơ thể họ dần thoát khỏi thực tại và chìm vào một cõi riêng kỳ bí, càng lúc càng run rẩy và lắc lư mạnh. Sau đó họ đứng lên, chân nhảy theo nhịp cùng tiến về đống than đỏ rực.

Có người còn nhảy vào giữa đống lửa, lấy chân gạt than ra thành một bãi rộng, đường kính khoảng 1,2 mét, sau đó quỳ xuống dùng tay bốc đống tro than nóng bỏng dội lên đầu, lên thân, gọi là tắm lửa (Diao xin). Các thanh niên người Dao đỏ nhảy múa với đôi chân trần của mình trong đống lửa mà không có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi. Mỗi người thường nhảy lửa được từ 5 đến 7 phút, thậm chí 10 phút.

Thời gian nhảy trên lửa của họ tùy theo “sức mạnh” được Thần linh ban cho. Hết tốp này đến tốp khác, cho đến khi đống lửa tàn hẳn mới thôi. Từng chùm than đỏ rực được tay trần bốc tung lên giữa nền trời đêm, tạo nên khung cảnh vô cùng rực rỡ và kỳ bí. Tiếng chiêng, trống dồn dập hòa cùng những tiếng reo hò, cổ vũ và sự biểu diễn đầy hăng say của các thanh niên người Dao đỏ, cứ thế, màn nhảy lửa diễn ra rất lôi cuốn người xem.

Những chàng trai sau khi tham gia Lễ hội nhảy lửa luôn nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ và tình cảm yêu mến của các cô gái Dao. Bởi người Dao đỏ quan niệm, nhảy lửa thể hiện sức mạnh, sự gan dạ, lòng dũng cảm, khéo léo, nhanh nhẹn của người đàn ông.

Lễ hội nhảy lửa của người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì đã có từ lâu đời và được duy trì qua nhiều thế hệ. Nó không chỉ thể hiện khát vọng chế ngự thiên nhiên và mong ước về cuộc sống ấm no, làm ăn thuận lợi, bệnh tật đẩy lùi mà còn là “sợi dây” tinh thần gắn kết cộng đồng, giúp mọi người đoàn kết, gắn bó hơn để cùng nhau xây dựng bản làng ấm no.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Huyền bí Lễ hội nhảy lửa của người Dao đỏ Hoàng Su Phì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO