Ngày 3/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thay mặt Thủ tướng ký quyết định phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2023".
Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
Chưa chủ đầu tư xây nhà ở xã hội nào được tiếp cận vốn ưu đãi
Về quỹ đất nhà ở xã hội khu vực đô thị, báo cáo tổng hợp của 60/63 địa phương cho thấy đến năm 2020 có hơn 2.200 dự án phát triển nhà ở thương mại, đầu tư phát triển đô thị với tổng diện tích đất gần 44.000ha. Trong đó có 1.040 dự án dành quỹ đất 20% để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Trong khi đó, tính đến cuối năm 2021, trên phạm vi cả nước có 392 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 120.000ha. Mục tiêu đến năm 2020, cả nước dành khoảng 600ha đất làm nhà ở xã hội cho công nhân khu công nghiệp. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay cả nước có 253 dự án nhà ở dành cho công nhân với quy mô sử dụng đất khoảng 600ha.
Như vậy việc dành quỹ đất làm nhà ở cho công nhân khu công nghiệp cơ bản đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên mới chỉ có khoảng 41% diện tích đất được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.
Về bố trí, giải ngân nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, theo báo cáo, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã được phân bổ 3.163/9.000 tỷ đồng, chiếm 35% nhu cầu giai đoạn 2016 - 2020, để cho các đối tượng cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.
Với các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định (4 Ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định) chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội. Vì vậy, trong giai đoạn từ 2016 đến nay chưa có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.
Về nguồn giải ngân vốn hỗ trợ, đến nay cả nước đã thực hiện giải ngân được 3.695 tỷ đồng cho 10.237 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Dự báo về nhu cầu nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng tính toán giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 2.400.000 căn; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.240.000 căn, giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 1.160.000 căn. Bên cạnh đó, có khoảng 1,2 triệu công nhân làm việc trong các khu công nghiệp cũng có nhu cầu về nhà ở.
Quyết định của Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp theo cơ chế thị trường.
Đồng thời, có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, "không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần".
"Huy động nguồn lực của xã hội, đặc biệt là của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, bất động sản lớn; có cơ chế, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển nhà ở xã hội" cũng là một chủ trương được nhấn mạnh trong Đề án Thủ tướng vừa ban hành.
Hàng loạt địa phương gặp vướng
Tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn với tổng diện tích hơn 7.790.000 m2.
Số dự án đang được triển khai là 401 với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng. Ghi nhận đây là kết quả tích cực, song Chính phủ cho rằng tỷ lệ này mới đạt 65% mục tiêu đề ra đến năm 2020.
"Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận, giúp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở, tuy nhiên kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra", theo đánh giá của Chính phủ.
Một số nguyên nhân chính của tình trạng này là do thiếu quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; việc bố trí nguồn vốn tín dụng cho vay ưu đãi từ nguồn ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi chưa đủ mạnh, thủ tục đầu tư còn rườm rà nên không khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư...
Với kỳ vọng Đề án này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh, Chính phủ chỉ ra nhiều thực tế cho thấy sự cần thiết xây dựng thêm nhà ở xã hội.
Trước hết là việc thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với "cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý", dư thừa sản phẩm, phân khúc cao cấp trong khi "thiếu nhà ở vừa túi tiền, đặc biệt thiếu nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội", nhà ở có giá phù hợp với khả năng chi trả của các đối tượng thu nhập thấp tại đô thị.
Chính phủ cũng chỉ ra thực tế giá nhà tăng liên tục, vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở. Trong khi đó, nhiều dự án, công trình xây dựng bị tạm dừng thực hiện.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy tại TPHCM, khoảng 80 - 90% đang gặp vướng mắc, khó khăn hoặc dừng triển khai thực hiện. Tỷ lệ này ở Hà Nội là 50%, Đà Nẵng 60%, Cần Thơ 40% và Hải Phòng 30%.
Các địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội tại thời điểm hiện nay sẽ có tác động kép: vừa giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp, vừa cân đối cung - cầu, tác động hạ giá thành phân khúc nhà ở thương mại, giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh hơn.
"Như vậy, việc nghiên cứu xây dụng và phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 là rất cần thiết", quyết định của Thủ tướng nêu rõ.