Đứng lựa ở quầy đồ khô, tôi nghe tiếng trẻ con ríu rít bên quầy trái cây.
"Ba ơi mua cả trái bưởi này nữa, cả trái khổ qua nữa. Ba ơi nhà mình có bánh Tét chưa? Sao nhà bạn con không ăn bánh Tét mà ăn bánh Chưng?"
Thằng bé nói sõi, không chêm một từ tiếng Anh nào cả. Ông bố chắc chỉ hơn tôi vài tuổi, không biết có nghe con nói hết không nhưng thấy đang lựa trái bưởi. Đã qua rồi những ngày tháng xa xôi khi người Việt xa xứ khắc khoải nỗi nhớ từng miếng bánh chưng bánh Tét. Ở Mỹ giờ đây cũng không thiếu thứ gì - người ta chuyển cả hoa mai, bánh Tét, trái cây chưng ban thờ ngày Tết từ khắp nơi về chất đầy trong chợ. Những ngày giáp Tết, chợ Việt cũng đông đúc, nhộn nhịp không kém khung cảnh ở Việt Nam.
Những tưởng gần hai năm sống xa nhà, nỗi khắc khoải về ngày Tết cũng dần vơi bớt. Giữa ngày đông tuyết rơi trắng trời nước Mỹ, thứ tiếng Việt gần gũi, thân thuộc bỗng đánh động một nỗi nhớ quê nhà trong tôi.
"Cả nhà mình chuẩn bị Tết đến đâu rồi?", tôi nhắn tin vào nhóm Zalo chung của cả gia đình. Ba tôi gửi lại cho tôi một tấm hình phòng khách, một bên kệ tivi đặt chậu quất nhỏ xinh, bên kia là cành đào rừng chắc ba mang từ quê ra, ở giữa là một chậu lan. Mẹ nói năm nay "chơi lớn" hơn nên mua chậu lan cho rực rỡ. Tôi quên mất mình đang đứng giữa chợ, mải miết nhắn tin về cho gia đình. Những ngày này, không biết có bao nhiêu triệu tin nhắn đang kết nối những con người Việt Nam trên khắp mọi nẻo xa. Cuộc trò chuyện chẳng có một chữ "nhớ" nào nhưng sao thấy nỗi nhớ nhà cứ lâng lâng trong lòng.
Nghe tiếng trò chuyện giữa ông bố và cậu con trai khiến tôi giật mình nhận ra còn phải mua nhanh rồi về. Quầy thanh toán mỗi lúc một dài nhưng chỉ có một cô người Việt đứng tính tiền cho khách.
"Mua một cái bánh Tét thôi nha, bánh Tét ngày Tết 20 đồng lận; năm sau Tết về Việt Nam bao bánh Tét luôn," ông bố nói. Nhiều người Việt sống ở Mỹ không nghỉ hè hay tranh thủ nghỉ Giáng sinh dài, họ gom góp ngày nghỉ phép về Việt Nam cả tháng trời, cũng là để tránh mùa đông khắc nghiệt.
"20 đồng lận, thôi lấy một cái ăn cũng được," tôi tặc lưỡi rồi lấy một cái bánh Tét. Hồi còn ở Việt Nam, tôi không mặn mà gì với bánh chưng hay đồ nếp, nhiều khi cả Tết không đụng lấy một khoanh bánh. Vậy mà cũng có những ngày đông giá lạnh nơi đây, tôi bỗng thấy mùi hương gạo nếp hòa quyện với mùi lá dong thơm thoang thoảng.
Bạn bè tôi ở Việt Nam vẫn hỏi, ở Mỹ chắc không có Tết đâu nhỉ. Tết Nguyên Đán không phải một ngày lễ truyền thống nên cuộc sống vẫn diễn ra bình thường, mọi người vẫn đi học đi làm. Nhưng có lẽ như người Việt Nam, người ta thấy sức sống mãnh liệt của ngày Tết truyền thống. Giữa một đất nước không kỷ niệm ngày Tết Nguyên Đán, trong những khu chợ Việt, niềm vui ngày Tết vẫn lan tỏa cùng đôi câu chào, lời chúc.
Học giả Phạm Quỳnh từng nói: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn." Với tôi, tiếng Việt còn, người Việt còn, người Việt còn, Tết Việt còn. Bén rễ sâu trong tâm thức người Việt, ngày Tết truyền thống sẽ không bao giờ phai mờ. Tết không chỉ nằm ở mâm cao cỗ đầy hay những vật chất ê hề, Tết là niềm cảm thức về gia đình, là khi người ta thực sự trân quý những khoảnh khắc sum vầy, đoàn viên.
Gia đình còn, ngày Tết còn.
Bên này không có gia đình, tôi vẫn có những người bạn cùng nhau đón Tết. Còn trước Tết cả tuần, Ly - một cô em người Việt cùng chung trường đại học đã gửi sẵn một menu chuẩn bị đón Tết cùng hội sinh viên người Việt tại đây, thấy cả bánh Tét, thịt đông, gỏi gà xé phay, nem rán, thịt kho hột vịt… đầy đủ món ăn hội tụ ba miền Bắc - Trung - Nam. Cách Việt Nam nửa vòng trái đất, nhìn những món ăn thân thuộc như mẹ tôi thường nấu, thấy ấm áp giữa ngày tuyết trắng trời.
Nếu hỏi tôi điều gì là "Việt Nam" nhất, có lẽ câu trả lời chính là ngày Tết truyền thống. Phải sống xa Việt Nam, tôi mới nhận ra Tết cổ truyền là "chất keo" kết nối con người Việt Nam, dù ở bất cứ đâu trên thế giới. Có những đứa trẻ sinh ra ở Mỹ không còn nói tiếng Việt, có không ít người Việt sống ở những nơi xa xôi không có cộng đồng châu Á nhưng vẫn háo hức đón chờ cái Tết. Người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu, không chung tiếng nói hay thậm chí khác màu da, đến những ngày cuối năm vẫn bâng khuâng một nỗi niềm chung ngày Tết.
Một cậu bạn người Mỹ nhắn tin "Happy Chinese New Year", tôi nhẹ nhàng "sửa lưng" dặn, một là chúc "Happy Lunar New Year", hai là "Happy Vietnamese New Year". Ngày Tết Nguyên Đán không chỉ quan trọng với người Trung Quốc mà với rất nhiều quốc gia khác tại châu Á, trong đó có người Việt Nam. Thay đổi một từ thôi cũng thay đổi cả câu chuyện văn hóa. Dù Tết giờ đây có giản đơn hơn, người Việt vẫn trân quý và bảo vệ ngày Tết như một niềm tự hào rất đỗi Việt Nam. Tôi nói thêm với bạn tôi rằng, ngày Tết với người Việt Nam không chỉ là một đợt nghỉ dài - đó là một niềm tự hào văn hóa, niềm tự hào dân tộc với những truyền thống tiếp nối qua hàng thế kỷ.
Theo ước tính, có khoảng 5,3 triệu người Việt trên toàn thế giới. Năm nay, tôi là một trong 5,3 triệu người Việt Nam đang cùng hướng về quê nhà trong ngày Tết Nguyên Đán truyền thống. Chúc cho người Việt dù ở bất cứ đâu cũng có một ngày Tết bình an, yên vui, hạnh phúc. Một năm cũ khó khăn đã qua đi, hy vọng những người con xa xứ sẽ sớm có dịp được trở về đoàn viên với gia đình trong ngày Tết để cùng nhau ôn cố tri tân và hướng đến những điều tốt đẹp trong tương lai.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.