Hướng nghiệp cho học sinh tiểu học: Có nên không?

Minh An| 17/10/2020 10:25

Việt BáoBộ GD&ĐT đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Công tác hướng nghiệp sẽ được thực hiện từ tiểu học đến đại học.

Dự thảo nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Một số cho rằng việc hướng nghiệp cho học sinh từ tiểu học là quá sớm, không cần thiết. Tuy nhiên, nhiều người lại khẳng định nên hướng nghiệp càng sớm càng tốt.

Nhiều chuyên gia cho rằng, công tác giáo dục hướng nghiệp chúng ta cần làm bài bản hơn nữa. Thầy Nguyễn Trung Dũng - Hiệu trưởng trường THCS Cao Phạ (Mù Cang Chải, Yên Bái) - cho hay, hiện nay nhà trường làm công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh theo đúng chủ trương và phân bổ của Bộ GD&ĐT là mỗi tháng 1 tiết”.

Nói về công tác hướng nghiệp cho học sinh tại trường, thầy Dũng cho biết, nhà trường cũng có giáo viên hướng nghiệp nhưng là giáo viên kiêm nhiệm nên chuyên môn cũng có phần hạn chế.

Tất nhiên, nếu được, tôi cũng mong muốn việc giáo dục hướng nghiệp tại các trường học được triển khai sớm hơn, bài bản hơn chứ không phải rời rạc như hiện nay. Có thể từ bậc tiểu học, chúng ta chỉ cần giới thiệu cho các em nghề nghiệp trong xã hội, mỗi nghề làm công việc gì để các em có được những mường tượng sớm nhất về nghề nghiệp trong tương lai”, thầy Dũng nói.

Đồng thời, thầy giáo này cũng đề xuất, từ cấp THCS mỗi trường cũng nên có một biên chế cho giáo viên dạy giáo dục nghề nghiệp, tránh việc giáo viên chủ nhiệm phải kiêm nhiệm dẫn đến hiệu quả không cao.

Học sinh nhập vai đầu bếp (ảnh minh họa)

Theo cô giáo Nguyễn Thị Kim Thu – Hiệu trưởng trường tiểu học Mỹ Đình 1 (Hà Nội) thì cô hoàn toàn ủng hộ giáo dục nghề nghiệp từ bậc tiểu học. “Hiện nay trong tiết dạy tập đọc về nghề nghiệp của một người mẹ thì giáo viên cũng phải liên hệ thực tế là khi con lớn lên con muốn làm nghề gì và vì sao con lại mong muốn như thế”, cô Thu cho hay.

Ngay từ nhỏ, nhiều đứa trẻ đã nuôi dưỡng mơ ước về việc mình sẽ trở thành người như thế nào, làm nghề gì trong tương lai. Bằng cách hào hứng giảng bài trước học sinh, cô giáo có thể nhập vai bác nông dân cấy lúa, hay tất bật với bộ tai nghe khám chữa bệnh, hay cô công an thông minh bắt tội phạm….đơn giản như vậy cô vừa truyền thụ kiến thức cho học sinh vừa giúp các em định hướng sau nay làm nông nghiệp sạch hay làm bác sĩ cứu người, chú công an bắt tội phạm đã được hàng nghìn em nhỏ nuôi dưỡng.

Từ những ước mơ đó thầy cô sẽ góp phần quan trọng trong việc tư vấn, đồng hành cùng học sinh của mình trên hành trình lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Không chỉ giúp bé tự khám phá và tìm hiểu bản thân, thầy cô còn hỗ trợ trẻ đưa ra lựa chọn có trách nghiệm, cũng như xây dựng kế hoạch chiến lược hướng đến mục tiêu nghề nghiệp lâu dài.

Hiện nay đa số học sinh có thể cảm nhận được nghề nghiệp của bố mẹ đang làm mang lại lợi ích gì, có mục đích gì, công việc hàng ngày ra sao, thậm chí các con có thể nói được cả nghề nghiệp của bác hàng xóm là làm công an thì bắt tội phạm, làm giáo viên thì dạy học sinh, làm lái xe thì chở khách…Điều này giúp hun đúc cho  các con tình yêu từ nhỏ từ nghề nghiệp của những người thân trong gia đình nhưng việc này giáo viên mới chỉ thực hiện rời rạc ở các nhà trường và tùy vào vốn sống của mỗi giáo viên.

“Việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh ngay từ bậc tiểu học là việc nên làm từ sớm chứ nhưng bắt đầu từ bây giờ cũng còn kịp. Tôi mong muốn, sau này việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh tiểu học thành chính thức thì Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể, có giáo trình cụ thể, định hướng nó là một môn học, phải có tiết học, quy định điều đạt được trong môn học đó, có tổng kết, đánh giá hàng năm”, cô Thu nói.

Theo cô Thu, ngoài ra, nghề nghiệp nên phân chia cụ thể theo chủ đề của từng tiết học. Ví như trong giáo dục có những công việc gì: Nghiên cứu, trực tiếp lên lớp hay vị trí quản lý và mỗi công việc đặc thù ra sao…

Sau tiết học nghề học sinh phân biệt được nghề nghiệp chân tay, hoạt động tri thức khác nhau ra sao…quan trọng là những tiết học thực tế chứ không phải những điều sáo rỗng chỉ là lý thuyết nằm trên giấy.

Quan trọng, định hướng nghề nghiệp phải thống nhất, xuyên suốt từ chương trình lớp 1 trở lên đến tất cả lớp học, tất cả nghề nghiệp từ dễ đến khó…

Hiện nay chương trình giáo dục phổ thông mới độ mở cũng lớn nên nếu có thời gian và giáo viên có vốn sống thực tế thì dạy trải nghiệm cũng đang là giáo dục nghề nghiệp.

Đối với tiểu học, việc hướng nghiệp, tư vấn việc làm được đưa vào nhằm giúp học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của người thân, nghề truyền thống ở địa phương và việc làm cơ bản trong xã hội.

Công tác hướng nghiệp cũng hướng dẫn học sinh tham gia công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường; rèn luyện cho các em kỹ năng cơ bản như quản lý bản thân, kỹ năng xã hội, tìm hiểu về gia đình, cộng đồng. Công việc này còn giúp phát hiện năng khiếu của học sinh để lập kế hoạch bồi dưỡng.

Để thực hiện nội dung trên, các trường tiểu học có thể tích hợp, lồng ghép vào môn học và hoạt động giáo dục, tổ chức cho học sinh tìm hiểu qua tài liệu giáo dục hướng nghiệp, nhóm nghề nghiệp, việc làm tại cộng đồng ít nhất một lần trong năm học, đồng thời tư vấn, đánh giá năng khiếu thông qua quá trình học tập, rèn luyện và bài kiểm tra, đánh giá năng lực.

Về công tác hỗ trợ khởi nghiệp, các trường tiểu học có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục học sinh sớm nhận biết được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo trong học tập, rèn luyện; cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về đổi mới sáng tạo.

Dự thảo thông tư cũng quy định các trường tiểu học phải hướng dẫn học sinh sử dụng kỹ năng đổi mới sáng tạo trong học tập, rèn luyện, phát triển phẩm chất, năng lực và vận dụng trong học tập, hoạt động trải nghiệm, hoạt động cộng đồng phù hợp với nhận thức, hiểu biết của các em.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hướng nghiệp cho học sinh tiểu học: Có nên không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO