Khi rửa xe và dọn nội thất, vô lăng dễ bị bỏ qua hoặc chỉ được lau sơ sài. Nhưng bụi bẩn bám trong các khe hay dầu nhờn từ bàn tay bám lại có thể khiến vô lăng trơn trượt, giảm độ bám. Vậy làm sạch vô lăng bằng cách nào?
Với vô lăng làm bằng chất liệu nhựa cứng
Lớp bọc bên ngoài vô lăng thường được làm bằng chất liệu nhựa cứng. Với chất liệu này thì sẽ rất dễ dàng để làm sạch bằng xà phòng và nước, sau đó lau khô lại bằng khăn sạch là được.
Với vô lăng bằng chất liệu nhựa tổng hợp
Các chi tiết bằng chất liệu gỗ, nhựa cứng, nhôm bóng hoặc là bề mặt sơn thường được khoác một lớp sơn phủ bóng để bảo vệ. Chúng ta có thể làm sạch lớp sơn phủ này bằng xà phòng và nước, sau đó lau khô bằng khăn sạch.
Cần lưu ý là lớp sơn bóng phủ trên các chi tiết của vô lăng không giống sơn ngoại thất xe. Do đó chủ xe không nên dùng các sản phẩm giúp tăng cường độ bóng cho bộ phận này vì sẽ làm cho vô lăng trở nên trơn trượt, mất đi độ bám cần có giữa tay người lái và vô lăng.
Bên cạnh đó, các chất này cũng sẽ bám trên vô lăng rất dai và còn làm cho vô lăng dễ bị bám bẩn bởi bụi và dầu mỡ hơn.
Vô lăng bằng gỗ tự nhiên
Nếu phần vô lăng được làm từ chất liệu gỗ tự nhiên (thường thấy trên các xe cổ), nên vệ sinh một cách an toàn bằng các sản phẩm đánh bóng gỗ tự nhiên. Các chất này sẽ khiến vô lăng trông sạch, đẹp hơn, bảo vệ các vân gỗ tự nhiên và sẽ tự khô.
Vô lăng bằng chất liệu giả da
Da giả, da tổng hợp hay nhựa PVC đều là những thuật ngữ dùng để chỉ chất liệu này. Đây là vật liệu thường được sử dụng làm vô lăng, đặc biệt là các sản phẩm không chính hãng. Nhiều tay lái làm bằng PVC thường có các chi tiết bằng nhựa cứng, chủ xe có thể lau sạch bằng xà phòng và nước, bước cuối cùng là lau sạch và thật khô với một miếng vải sạch.
Vôlăng bằng chất liệu da
Chất liệu da tự nhiên cần được vệ sinh bằng chất làm sạch da chuyên dụng với chất tẩy rửa và chất làm khô riêng biệt. Để mang lại hiệu quả thì chủ xe nên đọc kỹ hướng dẫn đi kèm trước khi áp dụng.