Lễ hội Diều được tổ chức và dòng khách hướng đến là thiếu nhi
Mùa nào lễ hội đó
Việc phục hồi, gìn giữ và phát triển lễ hội có một ý nghĩa lớn về mặt xã hội, nhân văn, thẩm mỹ, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Tại Huế, nhiều lễ hội đã được khai thác để phục vụ cho du lịch, đặc biệt với thành công của Festival Huế bắt đầu từ năm 2000 và Festival Nghề truyền thống Huế từ 2005. Sự kết hợp giữa lễ hội và du lịch đã tạo thành một thế mạnh, nâng tầm cho du lịch văn hóa Cố đô.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 đã khẳng định “văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Đó là nền tảng để lễ hội văn hóa nâng tầm lên một vị trí cao hơn, xứng đáng hơn. Nếu làm tốt, lễ hội sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, lấy đó là nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội.
TS. Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đánh giá, du lịch lễ hội, văn hóa là sự lựa chọn đúng đắn cho phát triển sản phẩm du lịch ở Huế. Đặc biệt, các chương trình du lịch lễ hội ẩn chứa sức hấp dẫn, độc đáo mang đặc trưng, dấu ấn văn hóa địa phương, văn hóa Cố đô. Du lịch lễ hội là loại hình du lịch văn hóa góp phần đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, khai thác tối đa thế mạnh yếu tố văn hóa Huế trong lễ hội để phát triển du lịch.
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, đơn vị chủ trì thực hiện “Festival bốn mùa” bật mí, trong kế hoạch tổ chức lễ hội bốn mùa sẽ lựa chọn những lễ hội tiêu biểu, vừa thể hiện nét văn hóa riêng, vừa có tính đại chúng, cộng đồng cao. Các chuỗi hoạt động của 4 mùa lễ hội trong năm được sắp xếp hợp lý, trải dài quanh năm, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Festival Dân gian Huế sẽ là chủ đạo vào mùa Xuân khi vừa ra Giêng là thời điểm mà trên địa bàn toàn tỉnh có nhiều lễ hội truyền thống dân gian nhất trong năm. Một số chuỗi lễ hội, sinh hoạt văn hóa trong dịp mùa xuân, như lễ hội đền Huyền Trân, hội vật Thủ Lễ, hội vật Làng Sình, hội đu tiên, hội đua thuyền... Sang mùa hạ, sẽ có Festival Huế (các năm chẵn) hoặc Festival Nghề truyền thống Huế (các năm lẻ). Đây là các kỳ Festival đã được tổ chức nhiều kỳ, với quy mô quốc tế và đã khẳng định được thương hiệu suốt nhiều năm qua.
Mùa thu với dịp lễ Quốc khánh sẽ lấy ẩm thực là chủ thể của các lễ hội, với chủ trương đẩy mạnh quảng bá “Huế - Kinh đô ẩm thực”. Không gian tổ chức sẽ được chia thành các loại hình và đối tượng khác nhau. Mùa đông sẽ có lễ hội âm nhạc Huế. Thời điểm cao trào là dịp lễ Giáng sinh đến lễ chào đón năm mới nhằm tạo điểm nhấn. Tùy vào từng mùa có thể điều phối và sắp xếp thời gian, không gian, địa điểm, chương trình, nội dung phù hợp nhất nhằm thu hút du khách, kích cầu du lịch.
Festival Huế luôn có sức hút riêng
Theo ông Huỳnh Tiến Đạt, hình thức tổ chức của “Festival bốn mùa” sẽ thay đổi khá nhiều so với các kỳ festival trước đó. Không chỉ làm phong phú đời sống văn hóa của vùng đất Cố đô mà mỗi du khách đến Huế vào mùa lễ hội sẽ là chủ thể, hòa vào các lễ hội. Ngay cả Festival Huế vào năm chẵn cũng sẽ thay đổi về “công nghệ” tổ chức, hướng đến cộng đồng. Đến nay, các kế hoạch tổ chức “Festival bốn mùa” và Festival Huế 2022 gắn với “Festival bốn mùa” đã được hoàn tất, nhưng thật tiếc là ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chưa thể “bắt tay” thực hiện.
Điểm nhấn của du lịch Huế
Theo các doanh nghiệp du lịch, ở những đất nước nổi tiếng về lễ hội như Nhật Bản, Pháp hay ở Nga, các lễ hội được tổ chức quanh năm, quảng bá liên tục để thu hút khách du lịch. Nhờ có sự quảng bá sớm, định kỳ tổ chức; các lễ hội cũng được diễn ra với thời gian dài, nên các đơn vị làm tour dễ khai thác và tổ chức tour. Đối với Huế cũng thế, các lễ hội cần được công bố sớm, thời gian cụ thể và một số điểm nhấn quan trọng nhất để chủ động thu hút khách.
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, để “Festival bốn mùa” phát huy được hiệu quả trong phát triển điểm đến, phải xem lễ hội là sản phẩm du lịch. Cách tổ chức, vận hành, quảng bá như các sản phẩm du lịch. Có nhiều hoạt động văn hóa lấy du lịch làm điểm đến và là mục đích, phần hội sẽ được đầu tư hấp dẫn hơn.
Theo các chuyên gia, “Festival bốn mùa” vẫn chưa được triển khai, do đó, cần nghiên cứu thị trường để xây dựng khung chương trình phù hợp và không ngừng đánh giá rút kinh nghiệm. Các chương trình du lịch lễ hội phải được đầu tư từ việc khảo sát thị trường khách, nhu cầu của khách, đến việc xem xét lễ hội đó có những giá trị nào nổi bật để giới thiệu đến du khách. Xem xét lễ hội đó có được tổ chức thường xuyên hay không, mức độ thu hút của lễ hội. Cần thường xuyên tiến hành kiểm tra đánh giá và hoàn thiện sản phẩm du lịch gắn với các lễ hội cụ thể đang tồn tại, làm đa dạng hóa các sản phẩm để phù hợp với các nhu cầu khác nhau của du khách.
Cũng liên quan đến thị trường của du lịch lễ hội, ngành du lịch đánh giá, đối với khách quốc tế thị trường khách chủ yếu của Huế là Pháp, Thái Lan, Nhật Bản, Úc, Anh, Mỹ… rất quan tâm đến vấn đề văn hóa. Ngoài ra, số lượng khách nội địa từ miền Bắc với nhu cầu, thị hiếu tìm hiểu về văn hóa khá cao. Đây là nguồn lực để xác định du lịch văn hóa, du lịch lễ hội là hướng cần sự quan tâm đầu tư đúng mức.
Theo TS. Trần Đình Hằng, để lễ hội trở thành sản phẩm du lịch, xã hội hóa tốt hơn, cơ quan quản lý cần tạo sân chơi để doanh nghiệp, người dân chủ thể tổ chức lễ hội. Cần phát huy tinh thần “người Huế”, những vốn có để làm đó là nội lực cho các lễ hội. Bên cạnh đó, đối với một số lễ hội như Festival Nghề truyền thống đã qua nhiều kỳ, nơi hội tụ của tinh hoa của nhiều làng nghề, thì các tinh hoa đó cần được gom góp lại, để Huế trở thành trung tâm của làng nghề của cả nước. Đó là những gì Huế cần làm để trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.