Anh Đỗ Đình Nam (25 tuổi, Điền Xá, Nam Trực, Nam Định) nhận xét như vậy về nghề tạo dáng cây cảnh bonsai.
Mặc dù tuổi đời còn trẻ nhưng anh Nam đã có hơn 7 năm làm nghề này. Theo anh Nam, được sinh ra và lớn lên tại làng nghề cây cảnh nổi tiếng, từ nhỏ niềm đam mê với cây cảnh đã ngấm vào máu. Tuy nhiên, mãi đến sau khi học xong trung học phổ thông anh mới quyết định đi theo đam mê của mình.
Người thầy đầu tiên chính là bố, anh Nam bắt đầu với công việc tỉa lá, phụ việc vặt cho bố. Chỉ ít tháng sau, anh Nam có thể tự mình tạo ra những sản phẩm bonsai có giá trị.
“Những cây bonsai đầu tiên mình tạo ra là từ những cây cần thăng, mua phôi gốc chỉ từ vài chục nghìn đồng nhưng sau vài bước uốn nắn, những cây này đều có hồn và giá trị cũng tăng lên nhiều lần, có cây lên tới cả triệu đồng”, anh Nam kể lại.
Bắt đầu kiếm được những đồng tiền đầu tiên từ đam mê của mình, anh Nam càng ham với nghề, quyết tìm tòi, học hỏi. Từ những cây bé, giá trị thấp, anh Nam đã có thể làm ra những cây lớn hơn, giá trị hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Từ việc bán các sản phẩm cây cảnh bonsai, anh Nam có được mức thu nhập khá cao và ổn định.
Trong khoảng sân 100m2 được anh Nam gọi với cái tên “Nhà vườn Thành Nam”, vô số các loại cây bon sai từ khế, cần thăng, sung, tùng la hán…được bày la liệt, đều là những tác phẩm do anh Nam tự làm.
Chưa thỏa mãn đam mê với khu vườn nhỏ của mình, vài năm gần đây, anh Nam bắt đầu khoe những tác phẩm tự làm ra lên các nền tảng mạng xã hội. Không ngờ được nhiều người chung đam mê đón nhận, đặt mua, anh Nam có thêm nguồn thu nhập ổn định từ nghề tạo dáng cây bonsai.
“Công việc khá bận rộn, mỗi buổi livestream bán hàng, mình có thể thu về trung bình khoảng 5 đến 10 triệu đồng. Từ đó, mỗi tháng mình có thể kiếm khoảng 50 triệu đồng từ việc bán các sản phẩm cây cảnh bonsai. Đó là số tiền khá lớn, đủ để mình nuôi đam mê và các nhu cầu cá nhân của gia đình”, anh Nam chia sẻ.
Những tác phẩm cây cảnh bonsai tăng giá gấp nhiều lần sau khi qua tay của người tạo dáng.
Theo anh Nam, hiện nay có rất nhiều người trẻ như anh lựa chọn nghề làm bonsai để kiếm sống, bởi nếu thật sự yêu thích và dành thời gian cho nó, nghề này có thể cho bạn một mức thu nhập khá tốt.
Trong khi đó, là người đã có hơn 10 năm làm nghề tạo dáng cây cảnh, anh Vũ Minh Phúc (35 tuổi, Điền Xá, Nam Trực, Nam Định) cho biết, với anh, nghề tạo dáng cây cảnh bonsai không chỉ là để “kiếm cơm” mà còn để thỏa mãn niềm đam mê lớn của mình.
Một tác phẩm bonsai mini tại vườn anh Nam.
“Mỗi một tác phẩm cây cảnh được tạo thành từ khi còn thả xổng, um tùm và hoang dại là tâm huyết của người làm nghề. Bất cả mưa hay nắng, buồn hay vui, chúng tôi lại làm bạn với cái cây. Uốn nắn, ngắm nhìn, gọt dũa đến khi cái cây thành một tác phẩm đẹp là một phần thưởng vô giá. Mỗi khi có một tác phẩm ưng ý, tôi có thể mất ăn mất ngủ, cả ngày chỉ nghĩ và nói chuyện về nó”, anh Phúc nói.
Nghề tạo dáng cây cảnh đem lại mức thu nhập tốt.
Theo anh Phúc, thời điểm khoảng vài năm về trước, một tác phẩm cây cảnh đẹp có thể giúp những người làm cây như anh xây nhà, mua xe. Nghề tạo dáng cây cảnh thật sự đem lại mức thu nhập rất tốt cho anh và những người dân trong làng nghề cây cảnh.
Nói về quy trình tạo ra một tác phẩm bonsai từ đầu đến cuối, anh Phúc cho biết, người làm nghề sẽ phải đi lựa chọn phôi, giống cây. Ở bước này, những cây lâu năm, có thân gốc sù xì, thân cây uốn lượn độc lạ sẽ được ưu tiên hơn cả. Tiếp đó, người thợ sẽ lên ý tưởng, cắt tỉa cành cây và dùng dây thép tạo dáng cho cây.
Ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn đến với nghề tạo dáng cây cảnh.
Giai đoạn cuối là hoàn thiện cây, cũng là giai đoạn lâu nhất. Người làm sẽ phải đợi đúng thời điểm từ một vài tháng cho đến hàng năm trời để uốn nắn dáng cây theo ý muốn của mình. Qua nhiều lần như thế, dáng cây mới ổn định, hoàn thiện và được đưa ra thị trường.
“Để làm ra một tác phẩm không hề dễ dàng, phải đánh đổi rất nhiều thời gian. Nếu không đam mê, thật sự không làm được”, anh Phúc nói.
Từ hiệu quả kinh tế của nghề tạo dáng cây cảnh mang lại, những năm gần đây, nhiều người dân trong xã Điền Xá và cả những địa phương bên cạnh bắt đầu tìm tòi và phát triển nghề, nhiều người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân. Người dân nơi đây thường gọi đó là nghề: “Biến đam mê, lá cây và đất thành tiền”.